Ia Mơ Nông: Điểm đến đầy bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với sản xuất nông nghiệp, người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có thêm thu nhập từ phát triển du lịch. Với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo và nét đẹp do thiên nhiên ban tặng, Ia Mơ Nông trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Phát huy bản sắc văn hóa
Xã Ia Mơ Nông cách trung tâm huyện Chư Păh gần 20 km, giao thông thuận lợi, thuận tiện cho du khách đến tham quan, khám phá. Đồng bào Jrai nơi đây hiện lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, những nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát vẫn được lưu truyền qua các thế hệ và giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa như: mừng lúa mới, cúng bến nước, pơ thi... thu hút hàng ngàn du khách đến tham dự để hiểu thêm về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Jrai.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc cho hay: Với giá trị truyền thống văn hóa còn lưu giữ, Ia Mơ Nông là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng được nhiều người quan tâm. Hàng năm, anh đã kết nối hàng chục tour cho nhiều nhiếp ảnh gia trong nước đến đây tác nghiệp, tham quan du lịch và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống đậm bản sắc của cộng đồng người Jrai.
“Cuộc sống hiện đại, công nghệ thông tin phát triển nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc và đây là một trong những điểm hút du khách. Không chỉ vậy, còn rất nhiệt tình, hiếu khách nên du khách rất thích. Bạn bè tôi ấn tượng nhất là lễ pơ thi được tổ chức công phu; thích thú trải nghiệm với nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng thức các món ăn dân dã như: cơm lam, gà nướng, lá mì xào… ngay tại làng”-anh Quốc chia sẻ.
Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) hiện còn giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) hiện còn giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Quen dần với việc có nhiều khách đến tìm hiểu văn hóa cũng như tham quan du lịch, người dân địa phương ngày càng cởi mở, dần trở thành hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Bà Rơ Châm Mon (làng Kép 2) bộc bạch: “Mình tham gia Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của xã nên khi du khách có nhu cầu tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm thì trình diễn cho họ xem và hướng dẫn cách dệt. Cũng nhờ có du khách mà mình giới thiệu và bán được các sản phẩm thổ cẩm để có thêm thu nhập”.
Tương tự, chị Rơ Châm Hà (làng Kép 2) cũng có thu nhập khá từ việc phục vụ du khách. “Ngoài tìm hiểu văn hóa truyền thống, khách cũng rất thích thú khám phá điểm du lịch sinh thái thác Công chúa tại làng A Mơng. Hai năm trở lại đây, ngọn thác này được nhiều du khách tìm đến. Nhà tôi có làm rượu ghè, nhờ du khách đến nhiều nên bán cũng kha khá, trung bình 1 năm bán được 250 ghè rượu”-chị Hà tâm sự.
Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng
Những năm gần đây, chính quyền địa phương rất quan tâm tạo điều kiện và ưu tiên phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Bà H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã-thông tin: Xã đã thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm với 30 thành viên tại làng Kép 2; tổ đan lát với 10 người tham gia và có đội văn nghệ tại làng Phung. Việc làm này không chỉ giúp giữ gìn nghề truyền thống mà còn phục vụ du khách muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương.
“Một lần trải nghiệm dệt thổ cẩm hoặc đan lát hay thưởng thức cồng chiêng và múa xoang thì du khách trả phí 100.000 đồng/người. Các hoạt động này giúp người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng có điều kiện cải thiện thu nhập”-bà H’Uyên Niê cho biết.
Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông trình diễn dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông trình diễn dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
5 làng đồng bào Jrai xã Ia Mơ Nông đã được quy hoạch bài bản, đường làng ngăn nắp, sạch sẽ, tạo ấn tượng tốt với khách tham quan. Một số điểm du lịch văn hóa như nhà rông, nhà mồ làng Phung; khu nhà mồ làng Kép 1, Kép 2 tồn tại qua nhiều thế hệ, có nhiều tượng nhà mồ được tạc từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng.
Nếu muốn trải nghiệm và tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt đời thường, du khách có thể qua đêm tại nhà dân trong làng với mức giá chỉ 100.000 đồng/người. Nếu yêu thích du lịch sinh thái thì thác Công chúa cách trung tâm xã 8,5 km là điểm đến hấp dẫn.
Quyền Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiệu đánh giá: Ia Mơ Nông có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, văn hóa ẩm thực phong phú tạo tiền đề để phát triển du lịch. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế mà còn góp phần giúp người dân bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống.
Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân xây dựng các mô hình, sản phẩm phục vụ du khách. Một số mô hình như: dệt thổ cẩm, đan lát, cồng chiêng bước đầu phát triển tương đối tốt, được du khách đánh giá cao. Xã cũng tiến hành khảo sát một số hộ có khả năng, khuyến khích họ đầu tư các cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách; góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.