(GLO)- Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Đến cuối năm 2021, huyện Ia Grai có 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là tổng giá trị sản xuất gần 11.429,9 tỷ đồng, đạt 101,23% kế hoạch, tăng 10,73% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng, tăng 8% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều vượt kế hoạch. Thu ngân sách được 121,1 tỷ đồng, đạt 191% kế hoạch tỉnh giao, đạt 145% Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 51,3 tỷ đồng so với năm 2020. Đặc biệt, ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn đã chuẩn bị tốt các điều kiện góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Toàn huyện xuống giống được 49.742 ha cây trồng các loại, đạt 101,8% kế hoạch và tăng 1,8% so với năm 2020. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, điều, cao su, lúa đạt cao hơn niên vụ trước, cộng với giá nông sản tăng giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai tích cực, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt trên 275.000 con, tăng 0,9% so với năm 2020. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai quyết liệt, trong năm không để xảy ra cháy rừng; các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm so với năm trước. Toàn huyện trồng được 510 ha rừng, đạt 106% kế hoạch..
Trung tâm hành chính huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Loan |
Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thường xuyên đôn đốc các cơ quan phụ trách tiêu chí, UBND các xã triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2021, huyện có thêm 2 xã và 10 làng đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, toàn huyện có 8 xã và 29 làng đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề để huyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học gắn với phòng-chống dịch Covid-19; xây dựng và triển khai phương án học tập ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo phương châm “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học” và “An toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn”. Đến nay, toàn huyện có 29/51 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc duy trì sĩ số học sinh tiểu học đạt 99,88%, THCS đạt 99,39%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng. Đặc biệt, công tác phòng-chống dịch Covid-19 được chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với tình hình. Nhờ đó, tình hình dịch được kiểm soát, không để diễn biến phức tạp.
Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các vụ việc phát sinh đều được phát hiện, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đặc biệt, Ia Grai là huyện biên giới, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo huyện được tổ chức chu đáo, đạt kết quả thiết thực; duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với chính quyền huyện Đôn Mia (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) để nắm tình hình, xử lý kịp thời các diễn biến, tình huống nhạy cảm phát sinh; bảo vệ tốt cột mốc, đường biên, góp phần giữ vững ổn định an ninh biên giới.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm mới
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025) và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở đó, huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Cụ thể, huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 12.657,07 tỷ đồng, tăng 10,74% so với năm 2021 (nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,37%; công nghiệp-xây dựng tăng 12,89%; thương mại-dịch vụ tăng 14,16%). Cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,78%; công nghiệp-xây dựng chiếm 34,85%; thương mại-dịch vụ chiếm 28,37%. Thu ngân sách đạt 81 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,3 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 1,84%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3,66%... Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về phát triển đô thị, phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, du lịch, vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu có thêm 1 xã và 12 làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Thác Mơ (xã Ia Khai) là điểm du lịch lý tưởng và tuyệt đẹp. Ảnh: L.N |
Cùng với đó, huyện tập trung thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Khai thác diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống ngắn ngày, có năng suất, chất lượng khá, chịu hạn tốt để tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, trồng cao su kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt 4.654,7 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng và đánh giá, đề xuất công nhận các sản phẩm OCOP với các sản phẩm cà phê, gạo, điều, mắc ca... Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; thực hiện đề án giao đất giao rừng; trồng mới 495,2 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,48%.
Huyện cũng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các khu quy hoạch trên địa bàn để phù hợp với tình hình phát triển của địa phương; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng để từng bước đưa công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đi vào nền nếp. Tăng cường công tác quản lý, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tiếp tục vận động người dân đóng góp vốn, kết hợp nhiều nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng dạy và học, củng cố, nâng cấp hệ thống trường lớp và thực hiện tốt việc duy trì sĩ số học sinh ở các cấp học. Phấn đấu có 62,7% trở lên trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngành Y tế tiếp tục các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là không để dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%.
Ngoài ra, huyện tập trung nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; thực hiện công tác tuyển quân, huấn luyện đạt và vượt kế hoạch; thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình an ninh chính trị ở cơ sở, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO, thực hiện tốt công tác phòng-chống trốn, vượt biên; triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
LÊ NGỌC QUÝ-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện