(GLO)- Vì nhiều lý do khác nhau, trận huyết chiến Tú Thủy giữa các cảm tử quân Trung đoàn Vi Dân và binh sĩ quân đội thực dân Pháp ngày 14-3-1947 tại miền địa linh An Khê xưa vẫn còn khá nhiều chi tiết bị thời gian phủ mờ. Từ nguồn tài liệu chính thống và hồi ức của những người trong cuộc, chúng tôi bước đầu tái dựng phần nào trang sử bi tráng này.
Lai lịch một trung đoàn
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây chiến ở Nam Bộ. Đáp lời kêu gọi của sông núi, một phong trào hướng về miền Nam sôi nổi diễn ra. Nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình; các tỉnh Bắc và Trung Bộ lập “Phòng Nam Bộ” ghi tên người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Các chi đội Việt Nam giải phóng quân được chấn chỉnh, trang bị vũ khí. Nhiều thanh niên, phụ nữ, thiếu niên gồm công nhân, nông dân, thợ thủ công, sinh viên, học sinh, kỹ sư, thầy thuốc, nhà giáo, viên chức và một số nhà sư đã lên đường vào Nam.
Là một trong những đơn vị Việt Nam giải phóng quân đầu tiên của Hà Nội, Chi đội Vi Dân ra đời trong những ngày lịch sử tháng 8-1945. Khởi thủy, đây là Đội công nhân xung phong thành Hoàng Diệu (Hà Nội) gồm khoảng 30 người, đều dưới 25 tuổi là thợ, viên chức, công nhân… Đội làm công tác vũ trang tuyên truyền dán áp phích, rải truyền đơn, trừ gian, bảo vệ cán bộ…
Khu di tích Đài tưởng niệm Tú Thủy được thị xã An Khê xây dựng năm 2018. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Vi Dân là cái tên bắt đầu từ một nhóm người yêu nước. Ông Nguyễn Văn Trợ sinh năm 1923 tại thôn Tam Giáo, xã Dương Hòa, tổng Hoàng Đạo, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (cũ). Năm Trợ lên 7 tuổi thì mẹ mất, nhà vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn. Bố phải cho hai anh em Trợ (và Lục) đi ở. Trợ lên Phúc Yên ở với gia đình người chú và được học tại trường làng. Năm 1937, học hết tiểu học, Trợ cùng một người bạn về Hà Nội tìm việc, rồi họ cùng ra Hòn Gai, Cẩm Phả làm công nhân và được giác ngộ. Năm 1941, Trợ quay lại Hà Nội, thi đỗ vào Trường Kỹ nghệ thực hành (E.D.I); làm thợ gò ở hãng ô tô Citroen; thạo tiếng Pháp, được chuyển sang làm nhân viên vẽ kỹ thuật Sở Thủy lợi Bắc Kỳ. Tan sở, anh làm gia sư, tranh thủ học thêm, đỗ tú tài toán bán phần. Khoảng năm 1942, Nguyễn Văn Trợ được được kết nạp vào tổ chức công nhân cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh Hà Nội. Cuối năm 1943, anh cùng bạn học và 2 công nhân quân giới kết thành một tổ, thuê nhà ở chung. Ban ngày, họ đi làm, tối đến giúp nhau học thêm và tham gia các hoạt động yêu nước.
Tháng 4-1944, để che mắt địch và tỏ rõ chí hướng, họ thống nhất cách gọi nhau theo các bí danh: Vì Nước, Vì Dân, Vì Giống, Vì Nòi. Hồ Văn Tuất lớn nhất (22 tuổi) được nhận danh Vì Nước. Tổ trưởng Nguyễn Văn Trợ là Vì Dân (đọc chệch thành Vi Dân). Anh Trúc là Vì Giống, anh Quý là Vì Nòi. Khoảng tháng 3-1945, Vì Dân được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau ngày 23-9-1945, Chi đội Vi Dân tình nguyện vào Nam với biên chế hơn 400 người. Trải qua hành trình dài đi bộ và bằng xe lửa, đến Nam Trung Bộ, đơn vị chia ra thành nhiều lực lượng chiến đấu, công tác tại các mặt trận: Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Buôn Ma Thuột.
Trận huyết chiến lịch sử
Sau khi chiếm được các vị trí chiến lược ở Tây Nguyên, Pháp phát triển theo đường 19 đến An Khê, uy hiếp phía Tây tỉnh Bình Định. Tại đây, địch lập một cụm cứ điểm bao gồm các đồn Eo Gió, Thượng An, Cửu An…
Bìa cuốn sách Chi đội Vi Dân Nam tiến. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Để uy hiếp địch, Trung đoàn 95 (còn gọi là Chi đội Phan Đình Phùng, Chi đội 3) do Trung đoàn trưởng Vi Dân chỉ huy (nên cũng gọi là Trung đoàn Vi Dân) quyết định tiêu diệt đồn Tú Thủy. Đây là cứ điểm kiên cố nằm trong hệ thống cứ điểm vòng ngoài của căn cứ An Khê, điểm xuất phát hành quân của địch xuống Bình Định. Địch đóng tại đây khoảng 1 trung đội, có lúc được tăng cường thêm từ 1 đến 2 tiểu đội; đồn trưởng là một đại úy người Pháp.
Đồn Tú Thủy là khu nhà mái ngói, xây trên một ngọn đồi thấp. Quanh đồn có 3 lớp hàng rào kẽm gai, mỗi lớp cách nhau khoảng 10 m, được cắm chông dày đặc. Phía trong 3 lớp kẽm thép gai là một đường hào rộng khoảng 1,5 m, sâu ngập đầu người, chi chít chông. Tiếp đến là một hàng rào bằng những cây gỗ tròn, to, cao gần 2 m. Cách khoảng 5 m có 1 lỗ châu mai, đặt 1 khẩu tiểu liên; cạnh đó, có hố cá nhân. Giữa đồn là 1 đài quan sát cao gần 8 m. Đồn chỉ có 1 cổng ra vào, hai bên cổng có 2 ụ súng máy. Bốn góc đồn có 4 lô cốt với 4 khẩu đại liên. Từ đường mòn lên đến đồn khoảng hơn trăm mét, hoàn toàn trống trải.
Trước trận đánh nửa tháng, Trung đoàn trưởng Vi Dân cử cán bộ đi vận động từng gia đình, từng người dân thực hiện “vườn không nhà trống” để cô lập địch. Ngày đêm, du kích bắc loa tố cáo tội ác của giặc, kêu gọi binh lính đầu hàng. Chiến thuật công đồn là kỳ tập kết hợp cường tập: Lợi dụng sơ hở của địch, đưa một lực lượng nhỏ, trang bị tinh nhuệ lọt vào đồn, diệt các hỏa điểm, sau đó phối hợp với lực lượng lớn từ ngoài vào, lấy đồn. Lực lượng xung kích chính là đội quân quyết tử gồm 20 người, nguyên là cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội. Bộ phận cường tập gồm 3 đội xung phong 1, 2 và 3. Tổng quân số chiến đấu gồm 100 người.
Đội quyết tử được trang bị tiểu liên Thompson, Carbine, súng trường Mat, mang quần áo mới màu tro nhạt, chân đi giày, cổ quàng khăn đỏ, đầu đội mũ sắt. Cấp trung đội, tiểu đội được trang bị súng trường, tiểu liên, súng máy Bren, số còn lại mang theo kiếm, lưỡi lê, mã tấu và lựu đạn. Đêm 13-3, đơn vị tập kết cách đồn Tú Thủy khoảng 2 cây số. Khoảng 2 giờ sáng 14-3, bộ đội ở vị trí xuất phát. Đúng kế hoạch, quân ta rải khắp sườn đồi trước cổng đồn. Một số trinh sát và đội quyết tử đã bò được vào phía trong hàng rào kẽm gai, tiếp cận hàng rào gỗ. Thường lệ, tầm 4 giờ sáng, lính gác mở cổng cho 2 tên khiêng thùng ra giếng múc nước về nấu cơm. Chớp thời cơ, đội quyết tử sẽ ập vào diệt lính gác, mở cổng đồn, dập tắt các hỏa điểm. Cùng lúc, lực lượng xung phong tràn vào tiêu diệt địch. Nhưng hôm đó, đã 4 giờ sáng, lính gác không ra mở cổng đồn. 5 giờ, trời sáng, lực lượng ta đã lộ mình trên đồi. Trung đoàn trưởng Vi Dân ra lệnh tấn công. Tiếng kèn vừa vang lên, bộ đội lập tức xung phong. Cùng lúc, tất cả các họng súng trong đồn địch nhả đạn. Trước cổng đồn, các đội xung phong lần lượt tiến lên dưới làn đạn thù. Lớp này ngã, lớp khác xông tới. Cùng lúc, đạn cối trong đồn Tú Thủy và các nơi cấp tập dội vào đội hình ta. Trung đoàn trưởng Vi Dân cầm súng ngắn xông lên, mới được một đoạn thì bị thương ở chân, ngã xuống. Một chiến sĩ vội cõng Vi Dân chạy nhưng 2 người cũng chỉ di chuyển được một quãng ngắn thì dính đạn súng cối…
Trận chiến không cân sức kết thúc. Trừ một số người thoát được, 5 chiến sĩ bị thương và bị địch bắt, phần lớn lực lượng ta nằm lại trận địa. Những người hy sinh được chúng xếp thành dãy dài. Trung đoàn trưởng Vi Dân nằm trên một chiếc chiếu, nét mặt bình thản như đang ngủ, dù phía sau đầu bị vỡ vì đạn cối.
Ta dù bị thương vong nặng, nhưng đã để lại ấn tượng lớn về tinh thần quả cảm. Vừa sợ vừa kính phục, địch đã chôn những người ngã xuống trong một nấm mồ tập thể và làm mộ riêng cho Trung đoàn trưởng Vi Dân, trên bia có ghi: Ici reposé colonel Vi Dân, mort pour sa patrie/Nơi yên nghỉ của Đại tá Vi Dân, người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Sống mãi với thời gian
Các tài liệu mà chúng tôi tiếp cận được đều thống nhất: Nguyên nhân trận công đồn Tú Thủy bất thành là do tính bí mật và yếu tố bất ngờ không còn. Cùng với đó, tương quan địch-ta quá chênh lệch: Địch chủ động phòng ngự trong đồn có tường rào, lô cốt và vũ khí vượt trội; ta bị động phơi mình dưới tầm đạn giặc, vũ khí thô sơ.
Các tài liệu cũng nhất quán nhận định: Tinh thần dũng cảm vô song của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Vi Dân đã khiến kẻ thù nể phục, khiếp sợ. Đây chính là lý do trận Tú Thủy sau hơn 74 năm vẫn được nhắc đến như một nỗi đau, cũng là niềm kiêu hãnh về ý chí quyết tâm của những người yêu nước, hy sinh vì Tổ quốc.
Một đơn vị bộ đội Nam tiến tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chuẩn bị lên đường vào Nam, ngày 1-10-1945. Ảnh Tư liệu |
Từ rất sớm, các liệt sĩ đã được đồng đội và Nhân dân thương nhớ, thờ cúng. Ông Đỗ Hằng (1926-2021), nguyên cán bộ tiền khởi nghĩa tỉnh Gia Lai, trong một tài liệu thông tin: Sau trận Tú Thủy, tại lễ truy điệu cán bộ, chiến sĩ, Tướng Nguyễn Sơn (1908-1956)-Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ-ngoài việc nghiêm khắc phê bình khuyết điểm của Trung đoàn trưởng Vi Dân, đã nghẹn ngào thương tiếc người chỉ huy trẻ tuổi anh dũng.
Một tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Ngày 24-3-1947, Bí thư chi bộ Ngô Tùng, đảng viên và Nhân dân thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành đã cùng các chức sắc, phật tử chùa Thiên Phước tổ chức lễ truy điệu tại sân vận động Kiên Mỹ; sau đó lập đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận Tú Thủy tại khuôn viên chùa. Ban đầu, để giữ bí mật, đài được dựng bằng gỗ cho tiện tháo dỡ. Sau đó, đài tưởng niệm bằng xi măng được dựng lên tại Khối IA, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (sân chùa Thiên Phước). Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định công nhận đài kỷ niệm này là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nam tiến là hình ảnh cả nước ra trận. Nam tiến phản ánh ý chí: Nước Việt Nam là một, Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đất nước ta đâu cũng là quê hương, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng nhất, là nghĩa vụ cao cả hàng đầu của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) |
Tại An Khê, suốt từ năm 1945 đến 1975, đồn Tú Thủy là vị trí đóng quân của địch. Tuy vậy, trong lòng dân, sự kính trọng các cảm tử quân Vi Dân chưa khi nào nguôi. Năm 1992, một tượng đài Tổ quốc ghi công đã được chính quyền địa phương xây dựng. Cuối năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai đã trang trọng tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy. Trước đó, trong khu vực đồn lũy xưa, chính quyền thị xã An Khê đã hoàn thành một đền tưởng niệm, có ngôi mộ chung, là nơi yên nghỉ của những người ngã xuống từ những năm đầu chống Pháp. Hiện tại, An Khê đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để địa điểm thiêng liêng này sớm trở thành di tích cấp tỉnh.
Địa danh Tú Thủy đi vào lịch sử cùng với trận huyết chiến được nhắc đến qua nhiều cung bậc cảm xúc đã và sẽ sống mãi cùng thời gian. Máu đào của các cảm tử quân trẻ tuổi năm xưa đã làm xanh thêm cây cối nơi đây, hun đúc thêm ý chí quật cường của miền đất An Khê, Gia Lai.
NGUYỄN QUANG TUỆ