Huyền sử Đê Chơ Gang - Kỳ 2: Chỉ một con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào khoảng năm 1956, chi bộ Đảng làng Đê Chơ Gang ra đời gồm 4 đảng viên do Đinh Tanh làm Bí thư. Từ đây, cuộc đấu tranh của dân làng chuyển sang trang mới. Sau năm 1954, với các chiến dịch khủng bố gắt gao của Mỹ-Diệm, đa số cơ sở của ta bị bắt hoặc bị vô hiệu hóa, Đê Chơ Gang trở thành địa bàn đứng chân duy nhất của cán bộ Huyện 8 (thị xã An Khê bây giờ). Cuộc đấu tranh quyết liệt “bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”  để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng đã diễn ra với những trang sử đầy bi tráng… 
Hai cuộc đấu tranh lưu huyết
Những năm 1955-1957, vòm trời các huyện phía Đông Gia Lai ngỡ chỉ một màu mây đen vần vũ. Từ phố huyện đến thôn quê, đâu đâu cũng ngột ngạt vì những chiến dịch “Tố Cộng” liên miên của Mỹ-Diệm. Không thể ngồi yên nhìn kẻ thù mặc sức truy bức sát hại cán bộ, đồng bào tham gia kháng chiến, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện 8 phát động cuộc đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi chính quyền địch phải quan tâm đến cuộc sống của người dân. Đê Chơ Gang được chọn làm phát súng mở đầu.
“Tôi lúc ấy mới 10 tuổi nhưng cũng theo đoàn đi, bởi cả làng hơn 50 người, già trẻ, lớn bé đều đi”-cụ Đinh Klum kể. Làng bỏ trống mặc heo gà nhịn đói. Vào đến cổng quận lỵ An Khê, bọn lính cầm súng ra chặn lại. Tên Quận trưởng hỏi: “Chúng mày lên đây làm gì?”. Một người đã được phân công từ trước trả lời: Quốc gia nói 2 năm thì thống nhất nước nhà, dân sẽ được no ấm, vậy mà lính Quốc gia suốt ngày vào làng quấy rối, đồng bào không được yên ổn làm ăn. Chúng tôi lên đây hỏi lời hứa Quốc gia… Mới nghe đến đó, tên Quận trưởng đã phẩy tay. Bọn lính hùng hổ xông tới lùa cả làng vào Sân bay Cây Me. 3 ngày đầu, chúng không cho ăn uống. Dưới mái tôn sùm sụp, nắng xói xuống như đổ lửa, đám con nít chúng tôi đứa nào đứa nấy lả đi… Đến ngày thứ tư, chúng mới đưa cho một rổ cơm với ít rau luộc và muối. Cho ăn xong, người già, đàn bà và trẻ em chúng lựa ra thả về; đàn ông và thanh niên bị giữ lại. “Sau này, tôi nghe kể: Địch chia họ ra từng nhóm nhỏ, gọi từng người một ra tra hỏi. Chúng bảo: Chúng mày kéo cả làng lên đây đấu tranh chắc hẳn là do bọn Cộng sản nằm vùng xúi giục. Đứa nào chỉ cán bộ, chỉ nơi chúng cất giấu súng đạn sẽ được thưởng nhiều tiền; nếu ngoan cố sẽ cho nếm cái này-nói rồi chúng giơ ra những dụng cụ tra tấn mang theo. Không ai sợ hãi. Ai cũng một mực: Làng chúng tôi không có Cộng sản nằm vùng. Vì Quốc gia hứa 2 năm sẽ có thống nhất, dân sẽ được tự do làm ăn nhưng lính Quốc gia suốt ngày vào làng quấy phá. Không làm ăn được, chúng tôi đói quá nên kéo lên đây đòi chính quyền cho muối, cho gạo chứ không có ai xui… Cả tháng trời dọa dẫm, truy bức đủ cách vẫn không tìm ra manh mối, cuối cùng chúng phải thả dần từng người, chỉ giữ lại Bí thư Đinh Tanh. Cũng là do nghi ngờ vì anh nói thạo tiếng Kinh chứ tuyệt nhiên không một ai khai báo”-cụ Đinh Klum kể thêm.
 Một góc làng Đê Chơ Gang hôm nay. Ảnh: K.N.B
Một góc làng Đê Chơ Gang hôm nay. Ảnh: internet
Bước sang năm 1957, các chiến dịch “Tố Cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng khốc liệt. Mặc dù không tìm ra manh mối gì nhưng làng Đê Chơ Gang vẫn bị chúng nghi là bàn đạp của cán bộ Khu 8. Để vô hiệu hóa ngôi làng gan lì, địch quyết định “nhổ” cả làng vào giam giữ tại quận lỵ An Khê.
“Tôi lúc này đã 13 tuổi, được giác ngộ và được chính thức giao nhiệm vụ làm liên lạc cho ông Đẳng (đồng chí Trần Văn Bình, lúc này đang là Bí thư Huyện 8) nên cũng còn nhớ ít nhiều”-cụ Đinh Klum hồi tưởng… Sau khi xúc vào An Khê, chúng chia thành từng nhóm, nhốt vào những căn nhà tôn nóng bức, xung quanh quây kín dây thép gai. Mỗi ngày, chúng phát cho mỗi người một nắm cơm nhỏ với ít rau luộc trông không khác gì thứ rau để heo ăn. Cũng thủ đoạn truy bức như lần trước nhưng lần này chúng dai dẳng và tinh quái hơn nhiều. Mỗi tên “công dân vụ” được giao phụ trách một nhóm. Suốt ngày, chúng lúc thì tỉ tê mua chuộc, lúc thì hăm dọa. Ban đêm, chúng cũng không cho ngủ, cứ bất chợt dựng dậy tra hỏi, lục vấn… Rồi thì chúng gây chia rẽ bằng cách tung tin bịa đặt người này, người kia đã khai báo, chiêu hồi… đủ các thứ trò. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Từ lần đấu tranh trước, bà con đã rút được kinh nghiệm nên tinh thần lần này ai nấy vững hơn nhiều. Câu hỏi nào của chúng cũng chỉ ngắn gọn 4 tiếng “không biết, không thấy”… Suốt cả mấy tháng trời giở đủ các ngón nghề mà chẳng moi được thông tin gì, cuối cùng chúng giữ lại gần 20 người đáng nghi nhất. Không chỉ lục vấn, truy bức, những người bị “chấm đỏ” như Đinh Tanh, Đinh Tơi, Đinh Thúi còn bị còng xiềng, tra tấn rất dã man. Tuy nhiên, địch không hay rằng, những người dân bình thường mà chúng đã không khuất phục được thì những con người trung kiên này làm sao có thể khuất phục nổi. Cuối cùng thì chúng phải thả ra lần lượt từng người, kể cả Bí thư chi bộ Đinh Tanh sau nửa năm trời cầm cố.
Mũi lao bên nách địch 
Sau đợt khủng bố, truy bức khốc liệt, “đẽo gọt” từng người, địch yên trí là Đê Chơ Gang đã được “gột rửa”, không còn dám theo Việt Cộng nữa. Nào ngờ vào khoảng cuối năm 1958, một sự việc xảy ra khiến địch thừa nhận rằng chúng đã lầm. Việc bắt dân làng Đê Chơ Gang “ly khai” cách mạng chỉ là ảo tưởng.
Hôm đó, trên chỉ thị cho chi bộ làng Đê Chơ Gang mua một lượng hàng hóa khá lớn để gửi vào căn cứ. Đinh Tanh đưa hơn 10 người ra chợ An Khê để mua. Lúc mang hàng về, vừa đến thôn An Lũy, có lẽ do có kẻ mật báo, bọn lính đã phục sẵn từ bao giờ. Nhóm đi sau người bỏ hàng chạy, người ẩn náu vào nhà người quen. Nhóm đi trước gồm Đinh Tanh, Đinh Klum, Her và Đinh Mui bị bắt.
Cụ Đinh Klum nhớ lại: “Gói hàng tôi mang có 4 lon sữa hộp. Chúng hỏi tôi: Mày mua sữa tiếp tế cho Việt Cộng phải không? Đứa nào bảo mày đi mua thì khai mau! Đã được các anh dự lường cho tình huống này, tôi nói: Mẹ tôi mới chết, em tôi còn nhỏ, tôi đi mua sữa về cho nó bú thôi. Nghe vậy, chúng bỏ tôi quay sang lục gói các anh mang. Ni lông, vải đỏ, giấy pơ luya, giấy than, ruy băng đánh máy… lần lượt lòi ra. Đồng bào dân tộc mà cần những thứ này? Tang chứng rõ quá rồi, không thể chối cãi. Vậy là tất cả bị chúng còng tay lôi về quận”.
Khác với những lần dò tìm hú họa, lần này với vật chứng rõ ràng trên tay những con người cụ thể, hy vọng sẽ tìm ra cơ sở bí mật, đường dây tiếp tế của ta, địch tra tấn 4 anh em bằng hết những thủ đoạn dã man nhất: Đổ nước ớt trộn xà phòng vào miệng rồi giẫm cho ộc ra; trói quặt 2 tay treo ngược lên xà nhà, quay điện… Ai nấy cắn răng chịu đựng, động viên nhau kiên quyết không khai báo. 4 anh em không hay rằng, việc họ bị bắt lần này cũng đang khiến “ở nhà” hết sức lo lắng. Với những tang chứng có được, rất có thể anh em sẽ bị địch dồn đến chân tường. Nếu cơ sở Đê Chơ Gang bị lộ thì sẽ là một tổn thất rất lớn, bởi trong bối cảnh địch khủng bố gắt gao, rất khó tìm được một địa bàn đứng chân như Đê Chơ Gang. Để đề phòng bất trắc, cơ quan huyện phải dời vào sâu hơn, tuy vậy vẫn tin tưởng các anh sẽ không khai báo. Niềm tin được đặt đúng chỗ. Một rồi 3-4 tháng, tình hình vẫn yên ổn… Không moi được gì ở các anh, địch phải đưa tất cả về Quy Nhơn. Đinh Mui và Her bị xử án 3 năm, Đinh Tanh 5 năm. Riêng Đinh Klum vì tuổi còn nhỏ, chúng giam 3 tháng rồi thả. Dù không có chứng cứ nhưng sau sự việc này, địch vẫn tăng cường đàn áp. Những người cốt cán của phong trào lần lượt bị bắt. Qua năm 1960, làng Đê Chơ Gang phải rút vào Kông Krúi.
Cụ Đinh Klum kể: “Đó là những năm dài vô cùng gian khổ, hơn cả khi ở làng cũ rất nhiều. Lúc đó, tôi đã đi tù về, lại tiếp tục làm liên lạc. Quyết diệt cho được ngôi làng “toàn Việt Cộng” cứ như mũi lao nhức nhối bên nách, địch cho máy bay tìm kiếm, thả biệt kích lùng sục. Không thể nhớ mỗi năm bao nhiêu lần phải dời chỗ ở, bao nhiêu bận làm nhà. Gọi là “nhà” nhưng thực ra chỉ là những căn chòi tạm ẩn dưới cây rừng để che nắng che mưa. Một cuộc “chơi ú tìm” đầy trí tuệ với địch để tồn tại diễn ra dai dẳng: Cứ nơi nào địch ném bom thì làng dời tới đó. “Đi không dấu, nấu không khói” là câu cửa miệng ai cũng phải thuộc lòng. Chỉ mang 2 con heo đi cũng phải 2 người: người trước dắt, người đi sau xóa dấu vết… Tuy vậy, gian nan hơn tất cả là sản xuất để có cái ăn. Việc làm rẫy chỉ được tiến hành vào chiều tối hay lúc sáng tinh mơ. Trái bắp, hạt lúa làm ra đôi khi phải đổi bằng máu nhưng chưa chắc đã được ăn. Phát hiện ra nơi nào có rẫy là máy bay địch đến ném bom, rải chất độc hóa học. Có năm không có hạt lúa nào, cả làng phải ăn trái cây rừng, củ mài thay cơm… Gian khổ gấp trăm lần ngọn Kông Krúi nhưng Đê Chơ Gang không một ai đầu hàng địch. Càng gian khổ, dân làng càng gắn bó với cách mạng. Hạt lúa chia đôi; chiêng ghè bán hết để lấy tiền cho cách mạng. Tải đạn, đưa tin, bất kể đêm ngày, trên cần là Đê Chơ Gang có. Một niềm tin tất thắng luôn cháy bỏng trong mỗi một con người để niềm tin ấy cuối cùng trở thành hiện thực…
 NGỌC TẤN
---------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.