Hương sắc thị thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời điểm này không khí mua bán ở làng hoa Gò Vấp, TPHCM đã nhộn nhịp. Làng hoa xưa danh tiếng cũng chuyển mình từng bước theo phát triển của nhịp sống nơi thị thành.



“Chậu cúc này nữa chẵn 500.000 đồng, tui kêu tụi nhỏ ràng lên xe cho anh luôn nha”, cô Thúy dứt lời, ông khách gật đầu cái rụp, mấy thanh niên trong vựa kiểng lật đật chất các chậu hoa, cây kiểng lên xe cho khách, ràng lại đâu đó cẩn thận, gọn gàng. Thời điểm này không khí mua bán ở làng hoa Gò Vấp, TPHCM đã nhộn nhịp. Làng hoa xưa danh tiếng cũng chuyển mình từng bước theo phát triển của nhịp sống nơi thị thành.

Chăm sóc hoa tại một vựa hoa kiểng trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)
Chăm sóc hoa tại một vựa hoa kiểng trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)



Nhộn nhịp bán mua

Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều người đã bắt đầu đi mua hoa kiểng để trang trí nhà cửa, công ty, quán cà phê… “Mấy bữa nay, ngày nào tui cũng phải ở đây để phụ tính toán với tụi nhỏ, bắt đầu vô mùa hoa tết rồi. Cỡ 2-3 năm nay, khách chơi hoa sớm, tầm này là họ đi mua rồi, còn mấy ngày cận tết thì bán ngày, bán đêm luôn”, cô Ngọc Thúy (50 tuổi, chủ vựa kiểng Ngọc Thúy trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) hồ hởi chia sẻ.

Dọc theo các con đường Phan Huy Ích, Cây Trâm, Nguyễn Văn Lượng (đoạn giao với đường Nguyễn Oanh) của quận Gò Vấp các vựa hoa kiểng nhộn nhịp khách; cánh công nhân tất bật chăm sóc, cắt tỉa cây rồi khuân chuyển cho khách. Lan, cúc, trà mi, xương rồng, hải đường được nhiều khách chọn mua, có giá từ vài chục ngàn đồng mỗi chậu (tùy loại lớn nhỏ, giá khoảng vài trăm ngàn đồng). Riêng những chậu kiểng loại trung đến lớn như cóc, ổi, mai bonsai có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. “Bây giờ thì hoa, kiểng đủ loại, cận tết vựa bắt đầu tập trung vô bông mai với mấy loại bông ngắn ngày như vạn thọ, mồng gà, hướng dương”, anh Văn Thành (27 tuổi, công nhân vựa kiểng Ngọc Thúy) cho biết thêm.

Không chỉ buôn bán tại vựa kiểng, nhiều cơ sở còn đẩy mạnh hình thức buôn bán và tiếp thị hoa kiểng online thông qua mạng xã hội. Tranh thủ chụp hình những giò lan vừa bung cánh, chị Hoàng Yến (37 tuổi, chủ vựa hoa kiểng Dì Tư, đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) kể: “Khoảng một tháng nay, ngày nào tôi cũng cập nhật hình hoa kiểng, rồi bài viết giới thiệu giá cả lên mạng xã hội và các hội nhóm mua bán cây cảnh. Vô mùa hoa tết rồi, mình đăng nhiều hình ảnh các loại hoa, kiểng để khách lựa. Tuy không phải là doanh thu chính, nhưng lượng khách mua online cũng đáng kể”.

Tương tự chị Yến, anh Minh Thông (40 tuổi, chủ vựa kiểng trên đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp) cho hay: “Vựa hoa không ở mặt tiền đường lớn, nên tôi đẩy mạnh mua bán online, hình ảnh hoa kiểng đăng lên mạng xã hội liên tục để khách dễ dàng chọn lựa. Gần tết đơn hàng cũng tăng lên nhiều, có bữa tôi phải phụ đi giao với anh em công nhân để kịp đơn hàng”. Nói đoạn, anh Thông kiểm tra lại số chậu cúc và ổi vừa chất lên xe tải loại nhỏ, ghi chép rồi lên hóa đơn để giao khách. Chỉ tay về phía chiếc xe chuẩn bị đi giao hàng cho khách, anh Thông nói: “Đây là đơn hàng khách sỉ, mối quen rồi nên ổng coi trên mạng, ưng loại nào thì gọi điện thoại qua là tôi giao ngay, tiền thì một nửa chuyển khoản trước coi như dằn cọc, nửa còn lại đưa cho tài xế giao hàng rồi ký hóa đơn”.

Làng hoa chuyển mình

Theo nhiều nguồn tư liệu, làng hoa Gò Vấp hay vựa hoa Gò Vấp đã có hơn 100 năm qua. Ở thời điểm vàng son, làng hoa Gò Vấp trở thành nơi cung cấp hoa chủ lực cho thành phố và nhiều khu vực lân cận. Từ những bàn tay chăm sóc chuyên cần của các nghệ nhân trồng hoa, danh tiếng hoa Gò Vấp được thương lái khắp miền lục tỉnh tìm đến. Nghệ nhân Nguyên Hồng (ngụ phường 14, quận Gò Vấp), gia đình có 4 đời theo nghề trồng hoa ở Gò Vấp, kể lại: “Tôi nghe ông bà nói lại, lúc nghề trồng hoa còn thịnh, cả làng có tới 500ha đất trồng hoa các loại, thương lái, bạn hàng khắp nơi đổ về. Trước tết khoảng một tháng là rộn ràng lắm, tiếng xe thổ mộ chở hoa lộc cộc cả ngày lẫn đêm”.

Cùng với tiến trình đô thị hóa, cơn sốt giá đất, diện tích trồng hoa thu hẹp dần, nhiều nhà vườn xóa sổ, chuyển sang công việc khác. Theo lời những hộ dân trồng hoa còn lại ở Gò Vấp, diện tích trồng hoa hiện còn khoảng 20ha, nằm xen kẽ giữa những con đường bê tông, tráng nhựa, phố phường nhộn nhịp, khu dân cư san sát. Các vựa hoa kiểng ngày nay nằm dọc theo tuyến đường Phan Huy Ích, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu… đã khác xa so với làng hoa trăm tuổi: hoa được trồng trên những gò đất cao, nhà vườn này nối nhà vườn kia, hoa các loại đua nhau khoe sắc quanh năm.

Xu hướng thay đổi và quỹ đất trồng không còn nhiều, những nhà vườn còn trụ lại chuyển hướng sang các loại hoa kiểng trồng trong chậu, hoặc tập trung phát triển các giống hoa mới lạ theo nhu cầu thị trường. Trong sự chuyển đổi nhạy bén đó, nhiều nhà vườn chuyển kinh doanh các loại cây bonsai. Làng hoa trăm tuổi của thị thành tiếp tục thu hút khách hàng gần xa bởi những dáng cây bonsai được tạo hình độc đáo, công phu.

Để giữ lại nghề trồng hoa cha truyền con nối của gia đình, anh Lê Minh Định (48 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp), được xem như nghệ nhân trồng hoa hiếm hoi còn lại ở làng hoa Gò Vấp, đã mất 4 năm để nghiên cứu chủng lan Cattleya nhập từ lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan. Những giò lan bung cánh, đủ sắc được thị trường đón nhận, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Định kể: “Cái nghề trồng hoa này như ăn vô máu tui rồi, vật đổi sao dời cũng không bỏ được. Hồi mười mấy tuổi là tui theo ông già trồng bông tới giờ, từ năm 1998 tới nay, đất vườn thu hẹp, bắt đầu trồng trong chậu luôn tới giờ.

Hơn 4 năm trời, mới thành công với chủng lan này, kinh tế gia đình cũng khá hơn, mối lái họ đặt hàng nhiều”. Cả vườn lan rộng khoảng 1.000m2, khách từ nhiều tỉnh như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đà Nẵng… tìm đến mua. Những ngày gần tết, lượng đơn hàng đi tỉnh càng nhiều. “Trồng lan thì quanh năm, còn mùa tết tui cũng tranh thủ trồng thêm cúc với hướng dương, mồng gà, vạn thọ. Cái nghề làm quen từ xưa tới giờ, tới tết mà dòm ra vườn không thấy mấy bông này thì buồn lắm”, anh Định cho biết thêm.

Tuy không còn là nơi cung cấp chủ lực hay hàng đầu, nhưng những chậu hoa, cây kiểng từ đây tiếp tục điểm tô cho mùa xuân của thành phố. Dáng bonsai độc đáo hay những giò lan theo chủng loại mới thu hút khách gần xa, dấu ấn làng hoa vàng son thuở nào đã chuyển mình theo nhịp phát triển của đô thị, mang lại những mùa hương sắc riêng trong lòng thị thành.


 


“Làng hoa Gò Vấp là tên gọi nổi tiếng từ xưa đến giờ, nhưng bây giờ nhiều tay chơi kiểng hay nói với nhau là làng bonsai Gò Vấp. Muốn tìm cây gì, uốn dáng nào, kiểu độc lạ hay khó tìm cỡ nào, tới đây kiếm vài ngày, chịu khó đi lùng chừng vài vườn là ra ngay”, anh Việt Hà (32 tuổi, chủ vựa bonsai trên đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp) kể. Các nhà vườn tập trung vào việc dựng bonsai từ những phôi cây mua ở khắp nơi, hoặc tự cấy ghép, sản xuất cây con. “Nhiều dáng bonsai độc đáo, mỗi chậu bán ra có khi vài chục triệu đồng không chừng. Hoặc có cây, mình vừa đăng lên mạng chưa kịp để giá thì có đến 2-3 chỗ hỏi mua”, anh Hà chia sẻ thêm.



Theo Kim Loan (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.