Hương chè Bàu Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ngoại truyện” thú vị trên dòng chảy trăm năm của cây chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) như góp thêm hương cho những câu chuyện dẫn dắt du khách bước vào tiệc trà đầy cảm xúc.
Đồng chè của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Đồng chè của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Trong cơn sốt lập đồn điền của tư sản Pháp những năm đầu thế kỷ XX, cao nguyên Gia Lai có 3 đồn điền được thành lập. Sở chè Bàu Cạn được hình thành sau đồn điền chè Kon Tum (vùng Đak Đoa ngày nay) và đồn điền chè Biển Hồ nhưng lại phát triển mạnh và làm ăn phát đạt hơn cả. Riêng đồn điền chè Đak Đoa thất bại nên ít được nhắc tên.

Trăm năm sở chè
Trên Nam Phong tạp chí số 182 tường thuật chuyến “Ngự giá Nam tuần hành” của Vua Bảo Đại (năm 1933). Trong chuyến đi này, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam đã đến thăm sở chè Bàu Cạn.
Tác giả tường thuật: “…3 giờ 15 ngự giá đến sở chè “Catecka”, tục kêu là Bàu Cạn. Ông Choisnel quản lý sở ấy nghinh giá cung đạo ngự lãm. Sở này lập ra từ tháng October 1925. Toàn sở rộng 3.500 mẫu Tây, trồng chè được 700 mẫu Tây, mà chè hái được là 400 mẫu Tây, lại có 30 mẫu Tây trồng café, nhưng phải bỏ đi vì không tốt. Trong sở có nhà máy làm chè… Nói tóm lại, là từ khi hái chè xanh bỏ vào máy cuốn, cho đến khi chè khô đóng thùng gửi đi, nhất thiết đều dùng máy cả”.
Theo bài viết trên, sở chè Bàu Cạn (nay là Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn) được thành lập tháng 10-1925. Tuy nhiên, trên tấm bảng giới thiệu của Công ty lại ghi dòng chữ Since 1923-khớp với nhiều tài liệu của Pháp còn lưu lại đến ngày nay.
Hộp chè thời Pháp (ảnh Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).
Hộp chè thời Pháp (ảnh Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).

Qua những hình ảnh, tư liệu mà ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) sưu tầm được về sở chè Bàu Cạn nhiều năm qua, người Pháp có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ để đưa chè Bàu Cạn ra thế giới, đặc biệt là tại chính quốc.

Xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo là hình vẽ một phụ nữ bản địa lưng đeo gùi, tay hái chè, một bên địu con, miệng ngậm tẩu. Trên đôi tay đang hái chè là bộ trang sức gồm nhiều chiếc vòng đồng đeo đến gần khuỷu tay. Ngoài ra, để giữ mùi hương và chống mốc khi đưa chè từ vùng nhiệt đới về xứ lạnh, các sản phẩm chè được đóng gói trong giấy bạc và đựng trong hộp thiếc. Trên thân hộp vẽ hình ảnh người đàn ông đóng khố, đeo gùi hái chè.

Dù thể hiện rõ bản chất thực dân, nhưng người Pháp vẫn dành sự tôn trọng văn hóa nước thuộc địa. Hình ảnh sử dụng để quảng cáo hay trên bao bì sản phẩm đều khái quát những đặc trưng văn hóa của người bản địa Tây Nguyên.

Ông Hiền cho biết thêm, cùng với chính sách miễn thuế, chè Bàu Cạn đã tấn công thị trường chính quốc và chiếm đến 99% thị trường chè trong những năm đầu thế kỷ XX. Hương chè Bàu Cạn còn lấn sân sang thị trường Anh quốc và được giới quý tộc rất yêu thích, nhất là loại chè đen.

Con đường của chè từ vùng cao nguyên Gia Lai đến những bàn trà phương Tây đã mang lại nguồn lợi khổng lồ cho những ông chủ Pháp. Ông Nguyễn Quang Hiền cho biết thêm, vì nguồn lợi to lớn đó nên đây cũng là đồn điền quy mô, đặc biệt là có nhà máy thủy điện từ rất sớm: “Do địa hình đặc trưng của cao nguyên Pleiku nên ý tưởng làm thủy điện đã có từ khi hình thành các đồn điền chè. Từ năm 1927, bên phía đồn điền chè Biển Hồ, người Pháp đã có ý định xây thủy điện chứ không phải ở đồn điền Bàu Cạn. Nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng này không thực hiện được. Đến năm 1950, thủy điện Bàu Cạn được người Pháp xây dựng bên dòng suối Ia Púch cách đồn điền chè vài trăm mét, trở thành công trình thủy điện đầu tiên ở Bắc Tây Nguyên và thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau thủy điện Suối Vàng (xây dựng năm 1943 ở tỉnh Lâm Đồng).
Sau hơn 70 năm, nếu thủy điện Suối Vàng đã qua sửa chữa, thay thế máy móc thì đến nay, thủy điện Bàu Cạn là công trình cổ nhất của Việt Nam vẫn đang vận hành tốt bởi các loại máy móc từ thời Pháp. Do đó, công trình này xứng đáng là một kỷ lục của Việt Nam. Không chỉ cung cấp điện cho hoạt động của đồn điền, từ năm 1951, thủy điện này còn bán điện cho đô thị Pleiku suốt một thời gian”.
Bản đồ quy hoạch Sở chè Bàu Cạn có từ thời Pháp hiện vẫn được lưu giữ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bản đồ quy hoạch sở chè Bàu Cạn có từ thời Pháp hiện vẫn được lưu giữ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bản đồ lưu giữ tại trụ sở Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn hiện nay cho thấy, dù đã hàng trăm năm nhưng nhìn cách phân khu quy hoạch của người Pháp vẫn rất khoa học, từ khu vực đồn điền, khu dân cư, trường học đến sân bay, hệ thống nước sinh hoạt, tưới tiêu…

Đáng nói là trước năm 1961 khi chưa có Sân bay Cù Hanh (Sân bay Pleiku ngày nay), máy bay muốn hạ cánh xuống Pleiku đều phải đáp nhờ xuống sân bay ở đồn điền chè này. Do đó, trong ngót 1 thế kỷ hình thành, từ đồn điền chè Bàu Cạn nhìn về sự phát triển của đô thị Pleiku (hình thành tháng 12-1929) có những tương quan thú vị.

Dư hương của chè
Sau ngày giải phóng Gia Lai, khi sở chè Bàu Cạn được giao về cho chính quyền địa phương quản lý, trở thành nông trường điểm của cả khu vực, từng vinh dự đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch nước Trường Chinh về thăm. Trải qua bao thăng trầm, những cây chè cổ thụ vẫn tỏa hương trên vùng đất đỏ bazan mỡ màu, đồng thời tạo nên một vùng thắng cảnh đẹp mê hồn ở phía Tây Nam của Phố núi Pleiku. Những điều kể trên đều là những “ngoại truyện” của cây chè.
Nhưng theo ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông-Du lịch Le Pleiku thì đó cũng chính là “tài sản” quý của du lịch Gia Lai, làm tăng sức hút trong tour du lịch chè. Khi thưởng thức một ly trà ngon, người ta không chỉ cảm thấy thanh tĩnh bởi hương thơm mà còn ngây ngất bởi dòng chảy văn hóa lịch sử hàng thế kỷ đã tạo nên thứ đồ uống yêu thích trên toàn thế giới. Nhưng để kết nối một tour du lịch đồn điền hay du lịch chè, liệu có khả thi? 
Công nhân thu hoạch chè. Ảnh: Hoàng Ngọc
Công nhân thu hoạch chè. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Nguyễn Ngọc Minh-Trưởng phòng Kế hoạch-Nông nghiệp (Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn) cho biết: Ngành du lịch tỉnh đã khảo sát khu vực trồng chè và cơ sở vật chất của nhà máy để tìm hướng phát triển ngành “công nghiệp không khói” và làm tăng giá trị cho cây chè.

“Mùa hái chè cao điểm là từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Mùa này thời tiết mát mẻ, cũng là mùa loài hoa a sia (hay còn gọi là hoa muồng vàng) nở rộ, điểm tô sắc vàng cho những ruộng chè xanh trải dài bát ngát. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực trồng chè hiện có 5 hồ nước tạo nên cảnh quan thiên nhiên và điều hòa khí hậu lý tưởng.

Cây chè sau đó sẽ được cho ngủ đông, chỉ hái tạo tán và chăm sóc. Mùa khô là mùa cao điểm của du lịch nhưng lại nghịch với mùa hái chè. Do đó, để tạo tour du lịch chè thì cần tính toán làm sao để du khách có thể đến trải nghiệm việc thu hái, đưa vào nhà máy chế biến, tham quan các công đoạn cho đến khi ra thành phẩm, cuối cùng là thưởng thức các loại trà tại nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty”-ông Minh nói.

Trên những đồng chè mênh mông với tổng diện tích hơn 400 ha của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, vài năm trở lại đây diễn ra “Ngày hội hoa muồng vàng”-loài cây được trồng để vừa che nắng, chắn gió vừa tạo nguồn phân xanh cho cây chè. Loài hoa này nở rộ vào tháng 10, tháng 11 hàng năm trên những đồng chè cổ thụ như khoác lên vùng đất chiếc áo vàng rực rỡ.
Ông Minh cho biết thêm: “Để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, cây chè Bàu Cạn được trồng và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt. Do đó, môi trường tự nhiên ở vùng trồng chè rất trong lành, đáp ứng được các tiêu chí về du lịch xanh”.
Những cây hoa asia đồng loạt khoe sắc vào tháng 10, 11 hàng năm tạo cho vùng trồng chè cảnh sắc rực rỡ, thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những cây hoa asia đồng loạt khoe sắc vào tháng 10, 11 hàng năm tạo cho vùng trồng chè cảnh sắc rực rỡ, thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc

Du lịch đồn điền là loại hình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới và đang trở thành xu hướng ở các quốc gia nông nghiệp phát triển.

“Ở Israel, nơi có các mô hình nông nghiệp trên sa mạc khô cằn, người ta khai thác du lịch dựa trên những gì sẵn có. Ở đây, ngành công nghiệp dịch vụ còn mang lại lợi nhuận cao hơn chính các sản phẩm nông nghiệp. Với các đồn điền chè xanh rộng hàng trăm héc ta, chúng ta có thể khai thác dịch vụ du lịch mang lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần công nghiệp chế biến nếu có mô hình phù hợp”-chị Trần Thị Thúy An (người Gia Lai, sinh viên năm cuối Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ sau 1,5 năm là thực tập sinh tại đất nước Israel.

Chị An cũng cho rằng, cần tạo thêm nhiều sản phẩm từ cây chè để du khách có nhiều lựa chọn bởi không phải ai cũng thích uống trà và là “tín đồ” của trà đạo.

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.