Hồng treo gió kể chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ một loại cây có hiệu quả kinh tế thấp, được xem cây thứ yếu, thông qua áp dụng kỹ thuật treo gió, quả hồng được “ướp” sương, nắng và gió của cao nguyên tạo ra sản phẩm hồng treo gió thơm, dẻo, có vị ngọt tự nhiên.

1/Những năm trước, hồng giòn được trồng đại trà tại Lâm Đồng. Cây hồng giòn vươn cao, được trồng xen vào giữa những đồi cà-phê hoặc làm ranh giới tự nhiên giữa những lô đất sản xuất liền kề. Cây hợp thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển mạnh và cho năng suất cao nhưng ngặt nỗi giá trị thấp.

Trước đây, hồng tại vườn chỉ có giá khoảng 2.000 đồng/kg, theo đó, nhiều diện tích trồng cây hồng giảm mạnh vì không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ năm 2012, khi những nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến Đà Lạt hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên không dùng than đá, than củi.

Cái tên hồng gió (hồng hoshigaki) ra đời như vậy. Đây là phương pháp sấy hồng truyền thống của Nhật Bản. Quy trình làm hồng treo gió gồm nhiều bước, mỗi bước đều tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn đề ra của chuyên gia Nhật Bản.

Trái hồng được chọn treo gió phải đủ độ chín, đều đặn, tươi, không bị bầm dập. Sau khi thu hoạch, hồng được rửa sạch, gọt vỏ, giữ cuống để treo lên giàn. Hồng gió được treo trong một mái vòm, phía trên có mái che nắng, hai bên được phủ bởi lớp màng mỏng để đón khí trời.

Thời điểm treo hồng thường từ tháng 9 đến trước Tết âm lịch, sau khi hồng được treo lên giàn, tỷ lệ đậu cũng như chất lượng phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Nếu thời tiết có độ ẩm cao, hồng dễ bị bung cuống, tỷ lệ rụng sẽ cao. Nếu thời tiết nóng quá nhiều thì hồng sẽ nhanh khô, không đủ thời gian để đượm mật dẫn đến trái hồng kém chất lượng, tươi không tự nhiên, mẫu mã không đẹp, giá trị thấp.

2/Khách du lịch đến Đà Lạt thường dành trọn một buổi để đi mua sắm trước khi rời khỏi đây. Chợ Đà Lạt tập trung đầy đủ hương, vị và sắc của cao nguyên Lâm Viên, tụ đủ ba yếu tố đó có thể kể đến các hàng đặc sản mứt, có đủ loại, mứt trái cây, mứt củ, mứt hoa...

Nổi bật và chiếm số lượng nhiều hơn cả có lẽ là mứt hồng treo gió. Lần nào đến Đà Lạt, cô Nguyễn Thị Thanh cũng ghé chợ đặc sản, cô chọn hồng treo gió về làm quà tặng, bạn của cô ở Thành phố Hồ Chí Minh ai cũng biết đến hồng treo gió. “Trái hồng ngọt dịu, dẻo, cả chồng và bạn cô đều thích ăn, cô mua về gọi bạn bè tới thưởng thức, món này với trà xanh hợp lắm”, cô Thanh chia sẻ. Bình quân giá 1kg hồng treo gió dao động từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng.

Chị Võ Thị Như Trinh, xã Trường Xuân (TP Đà Lạt) là một trong những nông hộ đầu tiên tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Chị Trinh cho biết, vườn nhà chị có nhiều cây hồng tuổi 40-50 năm đang cho thu hoạch tốt.

Nói về giá hồng tươi năm nay, chị Trinh cho hay, hồng nguyên liệu mua tại vườn khoảng 15-18 nghìn đồng/kg. Vì thế nên diện tích cây hồng trong địa bàn tăng nhanh.

Theo số liệu thống kê diện tích hồng hiện tại khoảng 100ha. Năm 2014 con số này là 40 ha, sản lượng hơn 5.000 tấn. Giá trị trái hồng được tăng, bà con phấn khởi, mỗi mùa hồng, tính từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, gia đình chị Trinh luôn thường xuyên có 6 đến 8 lao động, bình quân mỗi tháng bao ăn, ở chị trả mỗi người 8 triệu đồng.

“Mỗi lứa hồng treo gió có thời gian khoảng 25 ngày. Nhưng chỉ có khúc ở thôn Xuân Sơn này là tỷ lệ treo đạt cao, trái kết mật tự nhiên, khi ăn thì có vị ngọt thanh”, chị Trinh cho biết.

Cứ bảy tấn hồng nguyên liệu cho ra 1 tấn hồng treo gió. Nhưng mỗi một người treo hồng gió lại có bí quyết riêng, tùy vào duyên. Có một người phụ nữ ở TP Đà Lạt, mà nhắc đến hồng treo gió là nhắc đến bà, như một duyên lành. Người ta vẫn kháo nhau: “Muốn gặp nông dân sản xuất giỏi thì đến gặp bà Hồng”.

Bà Hồng, tên đầy đủ là Xuân Thị Hồng (xã Trường Xuân, TP Đà Lạt) - tên vận vào nghiệp. Bà Hồng có diện tích 4 ha, vườn cây đa tầng gồm phía trên là bơ sáp, hồng giòn, tầng giữa đến chuối, tầng dưới cùng là cà-phê Arabica.

Mùa nào, quả nấy, thu nhập từ làm vườn đủ để bà cảm thấy hạnh phúc khi an hưởng tuổi già. Bà Hồng tâm sự, trước đây bà có trồng thử mận, đào, nhưng qua thời gian biến đổi khí hậu thì không còn phù hợp với địa phương nên đã bị chặt bỏ, chỉ còn cây hồng là tồn tại cho đến bây giờ.

“Cây hồng đã bị mai một trong thời gian dài, không ai còn để ý, bà còn chỉ xem là cây trồng phụ, đem lên chợ bán tươi thì mất công hái, bỏ thì thương, vương thì tội. Chỉ từ khi làm theo công nghệ Nhật Bản, trái hồng đã trở thành một loại đặc sản, người dân ở đây ai cũng vui”, bà Hồng khẽ khàng nhắc lại quá khứ chưa xa. Trái ngon, vật lạ nhưng làm sao để người tiêu dùng biết đến, có thể nói thương hiệu hồng treo gió bay xa như ngày hôm nay. Theo đại diện Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt, đến nay đã đưa sản phẩm hồng treo gió Xuân Trường đi khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, có mặt trong 600 cửa hàng, siêu thị.

Hồng treo gió đã trở thành một đặc sản quen thuộc ở Đà Lạt.

Hồng treo gió đã trở thành một đặc sản quen thuộc ở Đà Lạt.

3/Theo ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, thì trên các địa bàn Đơn Dương, Lạc Dương, TP Đà Lạt, diện tích hồng đã được khôi phục. Nhiều giống hồng có giá trị đã được nhập về để trồng. Chúng tôi đang làm một mô hình trồng hồng Fuji, là loại trồng ăn trực tiếp không cần phải qua ủ như trước đây.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông cũng đang đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến từ Israel, Nhật Bản để chế biến ra sản phẩm hồng giữ được chất lượng, thương hiệu của hồng Đà Lạt. “Mứt hồng, hồng treo gió chỉ có một vụ, nhưng trên thị trường hiện tại thì có quanh năm là vì công tác chế biến, bảo quản hiện nay được các doanh nghiệp, nhà buôn thu mua, có kho bảo quản lạnh hoặc hút chân không, sử dụng các công nghệ sau thu hoạch. Hồng bán tại Đà Lạt thì hầu như được sản xuất tại địa phương là chính”, ông Trần Văn Tuận phân tích.

Hồng treo gió, nhờ thế, được hưởng khí trời Đà Lạt, kết tinh mật ngọt từ bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của người nông dân.

Qua câu chuyện hồng treo gió có thể thấy, khâu chế biến nông sản có vai trò quan trọng như thế nào trong việc nâng cao giá trị, định hình thương hiệu nông sản. Từ một loại cây từng bị lãng quên, thậm chí là chặt bỏ..., nay hồng Lâm Đồng không chỉ là thứ trái cây “ăn ngay cho giòn” mà nó đã biến thành đặc sản nhờ nắng và gió nơi đây. Quả hồng treo gió cũng trở thành món quà của người địa phương cũng như khách du lịch khi đến Lâm Đồng.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.