Hơn cả sự sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Hôm tựu trường, mẹ của hai em đến 'tiền trạm' coi con học ở đâu rồi báo với nhà trường cả hai không di chuyển nhiều được, ngỏ ý xin cho con học tầng trệt. Hai em sinh đôi, cùng mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh cũng nghèo, trụ bám con chữ tới giờ là quý lắm rồi. Nhà trường chẳng có cớ gì mà không giúp các em cả', cô Bùi Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phú Hường (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cởi mở.

Vậy là cả lớp 6/3 cùng “đi xuống” để hai anh em bị bệnh máu khó đông Lê Văn Vinh Sang, Lê Văn Vinh Trọng cùng theo học.

Chuyển cả lớp trong “một nốt nhạc”

Chị Nguyễn Thị Thân, mẹ của Sang, Trọng kể năm học nào chị cũng phải tới trường trước ngày khai giảng để biết lớp con được sắp xếp học phòng nào. Năm nay hai anh em chuyển cấp, chị càng lo vì sợ thầy cô chưa biết tình trạng của các con, bố trí trên tầng. “Hai cháu bị bệnh máu khó đông từ nhỏ. Ngoài chảy máu khó cầm được thì khi vận động hơi nhiều, các khớp tay chân của cháu bị sưng phù lên, đau đớn, không đi lại được và phải nhập viện”, chị xót xa. Cuối tháng 8, tựu trường, chị chở con tới mới hay lớp 6/3 của con được phân học trên tầng hai. Vừa hụt hẫng vừa lo, chị tìm cô hiệu phó trình bày sức khỏe của hai cháu, nghe xong cô trấn an cứ yên tâm. “Lúc đó chẳng chần chừ, nghĩ ngợi gì cả, các em đi lại khó khăn thì mình tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể theo học. Lớp có mấy chục học sinh, một người vì mọi người, nhưng mọi người cũng sẵn sàng vì hai bạn, nhất là hai bạn mang bệnh hiểm nghèo. Tôi quyết cả lớp 6/3 chuyển phòng, xuống tầng 1 học”, cô khẳng khái.

Sang và Trọng được bố trí ngồi dãy bàn trên để thuận lợi di chuyển, hoạt động nhóm. Ảnh: Thanh Trần

Sang và Trọng được bố trí ngồi dãy bàn trên để thuận lợi di chuyển, hoạt động nhóm. Ảnh: Thanh Trần

Giáo viên chủ nhiệm, cô Lê Thị Thu Thảo hay tin, lập tức thông báo qua Zalo cho các phụ huynh trong lớp, “họ gật đầu cái rẹt”. Cả lớp cùng nhau “đi xuống”, học ở tầng 1, đổi cho lớp khác lên học tầng 2. Phòng học ở tầng trệt nằm ngay sảnh, lối ra vào rộng rãi. Vinh Sang và Vinh Trọng được xếp ngồi ở bàn nhì để tiện đi lại và không phải xê dịch, xoay chuyển nhiều khi hoạt động nhóm.

Hôm tôi đến, vào tiết tiếng Anh, nghe tiếng trống giục thùng thùng, cả lớp kéo nhau ùa ra sân chạy sang dãy nhà khác học. Lúc các em chuẩn bị leo lên tầng, cô giáo gọi với theo: “Học tầng một, tầng một. Bữa ni giờ Anh học dưới ni nghe!”. Phía sau, hai anh em sinh đôi khó nhọc cất bước, cô Thảo và giáo viên bộ môn đỡ hai em chập chững đi. Tới gần phòng, cô bảo các bạn vào trong hết, ổn định chỗ ngồi, chừa cái bàn đầu lại rồi dẫn Sang và Trọng vào sau vì sợ “tụi nhỏ chạy va vào hai đứa”. Không chỉ Tiếng Anh mà những môn khác cần phòng chức năng, nhà trường đều để tâm sắp xếp cho lớp 6/3 học ở dưới. Cả lớp sẵn lòng di chuyển vì bạn.

Cũng vì mang bệnh, trường đã miễn cho Vinh Sang và Vinh Trọng môn Thể dục, còn đặc cách cho ba mẹ được chạy xe máy vào sân trường, dừng ngay trước hành lang để hai em không phải đi bộ lúc đưa đón.

“Bảo vật” không được sờ

Bước đi khó nhọc nhưng hai em vẫn đến lớp đều đặn, năm lớp 5 còn được học sinh giỏi. Ảnh: Thanh Trần

Bước đi khó nhọc nhưng hai em vẫn đến lớp đều đặn, năm lớp 5 còn được học sinh giỏi. Ảnh: Thanh Trần

Vinh Sang, Vinh Trọng chào đời ít lâu thì gia đình phát hiện hai em mắc bệnh máu khó đông. Kể từ đó, mẹ em gắn với những chuỗi ngày bỏ ăn bỏ làm để chăm con, canh con và…chở con đi viện. Bệnh của hai em, cứ vận động nhiều là chảy máu khớp, sưng phù lên rồi nhập viện. Lúc chưa đi học, chị canh ngày canh đêm để hai đứa đừng chọc ghẹo, đuổi bắt, đánh nhau. “Nhiều bữa nửa đêm tụi nó kêu đau chân, khớp sưng to như cái chén. Sợ quá mới chịu khai tranh thủ lúc mẹ sơ hở quậy quá đà. Thành thử tui cứ phải ngó chừng suốt ngày. Mấy năm học cấp 1, vợ chồng tui thay nhau chở hai đứa tới trường sát giờ học, đợi vô lớp mới quay xe về. Giờ ra chơi ngày nào tui cũng lên ngồi giữa sân canh không cho tụi nó chạy nhảy. Miết rứa đó”, chị hồi tưởng. Làm vậy, người mẹ như chị cũng quặn cả ruột gan vì chẳng khác gì trói chân tay tụi nhỏ lại. Nhưng đành phải thế, bởi một lần phát bệnh là phải nhập viện 3-5 ngày. Một đứa còn đỡ, cả hai cùng nằm viện khó trăm bề. Vừa vất vả, vừa tốn kém khi chồng chị là lao động chính với nghề sửa xe máy. Nói đoạn, mặt chị bỗng sáng lên, miệng cười khoe: “Năm lớp 5 tụi nó được học sinh giỏi!”.

Lớp 6/3 hôm thấy hai anh em Sang, Trọng đến ai cũng mắt tròn mắt dẹt, vì vừa giống nhau như đúc, vừa trông “tội tội” khi nhích từng bước khó khăn giữa sân trường. Đúng ngày 5/9, Trọng dự lễ khai giảng xong thì lên thẳng bệnh viện. Do cả sáng ấy vận động hơi nhiều. Chị Thanh xua tay, bảo chuyện ấy thường lắm. Không biết bao nhiêu lần đang học cô gọi như đứt hơi lên chở con đi cấp cứu, bữa thì chảy máu răng không cầm được, bữa thì sưng chân đau quá lả đi…

Cô Kim Anh giờ đã thuộc làu làu lịch “công tác” bệnh viện của hai học trò đặc biệt: cứ 3 tuần sẽ đi lên viện một lần để tiêm thuốc, thăm khám…., mỗi lần từ 3 – 5 ngày. Chưa kể những khi phát bệnh phải lên điều trị. “Trước đây trường cũng có học sinh khuyết tật, đau ốm nhưng chưa có trường hợp nào dễ tổn thương như Sang và Trọng. Hai em không chỉ là học trò cần được chở che và hỗ trợ, mà còn là tấm gương sáng để những em khác biết vươn lên, vượt qua nghịch cảnh bước tiếp trên con đường tri thức”, cô Bùi Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phú Hường.

Qua ô cửa sổ, hai anh em nhìn các bạn nô đùa vui vẻ giữa sân trường trong giờ ra chơi. Trọng không giấu lòng rằng muốn được lao ra sân chạy nhảy cho thiệt đã. Nhưng sợ bệnh tái phát, đành ngồi trong lớp đọc truyện. Kim Ngọc, Gia Huy và rất nhiều bạn khác vây quanh, cùng ngồi xuống lật từng trang xem cùng với Sang và Trọng. Những cô cậu học trò lớp 6 rất thấu hiểu, cảm thông và biết sẻ chia.

Cô Thu Thảo mỉm cười, bảo ngay buổi học đầu tiên đã quán triệt cả lớp về tình trạng của hai bạn, nhắc đi nhắc lại không được xô đẩy, đùa giỡn quá đà, va chạm mạnh, đi đứng phải cẩn thận hết sức để không tổn thương Sang và Trọng. Cô nửa đùa nửa thật: “Hai em như “bảo vật” không được sờ vậy đó. Tôi còn giao cho mấy bạn trong lớp “canh” Sang và Trọng, không để hai em vận động quá nhiều. Mọi hoạt động trong lớp đều phải để tâm tới hai em. Bây giờ đã thành quen, chào cờ cả lớp ra trước đến khi nào ổn định trật tự hai em mới ra. Còn tan học thì Sang với Trọng về trước, trống đánh là ra ngay hành lang lên xe ba mẹ, hai bạn xuất phát cả lớp mới được về”, cô nói.

Biết thầy cô và các bạn thương mình, Sang và Trọng luôn chăm ngoan, chịu khó, hòa đồng. “Lúc nằm viện em chỉ muốn mau khỏi để về đi học. Dù không được chơi đùa thoải mái nhưng em thấy vui khi tới trường, mọi người ai cũng yêu thương, giúp đỡ em”, Trọng cảm kích. Còn chị Thanh, tới giờ vẫn nguyên cảm xúc, lòng mang ơn khi cả cô trò trường Nguyễn Phú Hường hết lòng vì hai đứa con không may mắn của chị.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.