Hồi ức chiến tranh kỳ 2: Chuyện trong căn cứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi đó, nhiều người sốt nặng, phần vì cơ quan thường đóng trong các hẻm núi rất dốc của vùng rừng già Quảng Nam, phần vì ăn uống thiếu thốn. Người khỏe thì ăn củ mì với rau rừng, người đau mới được ăn cháo nấu gạo “bọc thép” (một giống lúa địa phương có hạt gạo màu nâu rất cứng, nấu cháo cũng không mềm được). 
Một lần, tôi bị sốt rét ác tính, y tá cơ quan tiêm Quinine thấy không giảm sốt lại cho uống tiếp 2 lần Viên phòng II, thế là tôi bị ngộ độc Quinine co giật sùi bọt mép. Nửa đêm, anh em cơ quan phải khiêng võng băng rừng đưa tôi lên trạm xá. Sau đó là một thời gian dài sốt liên miên. Do hồng cầu bị phá hủy nên cơ thể tôi suy nhược nặng. Không ít trường hợp đi đường bị sốt rét, mắc võng giữa rừng nằm nghỉ và cứ thế lặng lẽ ra đi. Sau đợt sốt ác tính, tôi dần dần hồi phục. Trong suốt những năm chiến tranh sau đó, tôi không có lần nào bị tái nhiễm sốt rét nữa.
Thời gian này đang là giai đoạn rất khó khăn của lực lượng cách mạng Khu 5. Quân Mỹ rải chất độc hóa học hủy diệt toàn bộ nương rẫy. Mỗi khi thấy máy bay rải chất độc, anh em lại phải nhanh chóng chặt hết cành lá mì. Thế mà những củ mì đào lên vẫn đắng ngắt vì nhiễm độc. Các đường dây tiếp tế lương thực từ đồng bằng lên bị phong tỏa. Kho Khâm Đức tiếp vận hàng từ miền Bắc vào cũng bị đánh. Máy bay Mỹ mà phát hiện nơi nào làm rẫy là kéo tới dội bom liền, vì vậy phải hết sức giữ bí mật nơi đóng quân. Có khi, nửa đêm cơ quan phải chuyển nơi ở tới 2 lần. Bây giờ thì đã rõ, nhưng hồi đó, tôi cứ thắc mắc là tại sao chúng ta lại biết chính xác thời gian, địa điểm máy bay Mỹ đến ném bom căn cứ.
Trong căn cứ rất đói vì không có nguồn lương thực tiếp tế. Anh em các cơ quan chỉ có thể đi kiếm rau rừng, chuối nước (dong riềng) về ăn vì những loài cây này sau khi bị chất độc hóa học có thể tái sinh ngay. Có một lần cơ quan hết lương thực, tôi và anh Phan Bon được phân công đi nhận gạo ở Quảng Ngãi. Đi 3 ngày tới nơi thì kho đã chuyển đến nơi khác, hỏi đồng bào dân tộc nhưng họ bí mật không nói. Tìm mãi không ra nên đành quay về, nhưng lương thực mang theo thì đã hết. Anh Phan Bon là bạn học đại học và cùng đợt đi B với tôi, quê gốc vùng núi Tây Sơn (tỉnh Bình Định) nên rất thông thạo cây rừng. Chúng tôi tìm hái đầy ba lô những trái găng rừng để luộc ăn. Mấy ngày đầu thấy cũng đỡ cơn đói, nhưng sau đó thì bụng cồn cào không chịu nổi, phải đổ hết rồi tìm măng le ăn chống đói. Lần khác, tôi đi Quảng Ngãi công tác, những người cùng đi không quen nhau nhưng kết thành đoàn. Cùng trong cảnh đói, mọi người hái măng rừng rồi vào làng mượn cái bảy (nồi đồng to) của đồng bào dân tộc để luộc. Vì nồi cũ rửa không sạch nên bị thôi đồng, nửa đêm tất cả ngộ độc đau bụng, nôn gần chết.
Năm 1970, khi đang công tác tại Ban Sản xuất Khu 5 (lúc đó đóng ở Trà My, tỉnh Quảng Nam), tôi nhận được quyết định bổ sung cho Ban Sản xuất tỉnh Gia Lai. Từ Quảng Nam vào Gia Lai phải đi bộ tới 7 ngày trên đường giao liên. Không có lương thực mang theo, anh em cơ quan nạo củ mì thành sợi phơi khô cho tôi làm lương thực đi đường. Dọc đường ăn toàn củ mì khô, rau thì lấy măng le, môn thục, môn tróc, lá tàu bay kiếm được trên đường. Ngày thứ 7, tôi tới trạm giao liên đóng trên bờ sông Ba, đây là trạm đầu của tỉnh Gia Lai. Tối hôm đó, tôi được ăn một bữa bắp thật ngon. Đặc biệt là lần đầu tiên được ăn một bữa rau cải luộc, sau thời gian rất lâu không được ăn rau trồng. Ở ngoài Khu 5 khi đó chỉ được ăn rau rừng thôi.
Chuyển hàng ra tiền tuyến qua cầu khỉ trên tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN
Chuyển hàng ra tiền tuyến qua cầu khỉ trên tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN
Hôm sau, anh em giao liên đưa tôi tới Trạm thư của tỉnh Gia Lai đóng gần Đê Slam. Nói là “trạm” nhưng thực ra chỉ là một địa điểm giữa rừng có mấy chiếc ghế ngồi được ghép bằng những cành cây. Hàng ngày, vào buổi sáng, các cơ quan cử người tới để gửi và tiếp nhận công văn. Một thiếu niên tên Đại ra đón tôi. Đại đưa tôi về cơ quan. Trên đường đi, tôi được Đại đưa vào Đội Sản xuất của anh Bích nghỉ uống nước. Anh Bích cụt một tai. Sau này tôi mới biết sự tích về cái tai cụt của anh Bích: Trong một trận bị địch càn, rất nhiều người chết. Anh Bích khi đó chưa chết, nhưng cũng giả nằm chết. Địch tới, cắt tai tất cả những người chết làm “chiến lợi phẩm”. Anh Bích giả chết, bị địch cắt mất tai. Và cái tên “ông Bích cụt tai” gắn cả đời với anh Bích.
Cơ quan Ban Sản xuất đóng trên vùng núi cao thượng nguồn sông Ba. Mấy căn nhà lợp tranh nằm sâu dưới tán rừng già, đứng trên sườn núi dốc. Gần bờ sông là nhà bếp với một dãy bếp đào theo kiểu Hoàng Cầm để tránh khói. Năm 1969, Ban Sản xuất bị máy bay B57 ném bom ban đêm, nhiều đồng chí hy sinh và bị thương ngay tại cơ quan. Khi tôi đến, anh em đã đi công tác hết, nghe nói khoảng 1 tuần nữa sẽ về. Ở cơ quan chỉ còn 4-5 người. Cơ quan có anh Dưới là người dân tộc Bahnar nổi tiếng là tay thiện xạ. Chỉ với một khẩu carbin tối tối đi săn, nếu nghe tiếng súng nổ thì chắc chắn hôm sau cơ quan sẽ có thịt rừng ăn. Mùa mưa nước lũ cuồn cuộn đổ về sông Ba, một mình anh vác 2 cây gỗ trên 2 vai, băng trên các mỏm đá và khúc cây nổi để bắc cầu qua dòng sông đang chảy xiết.
Tôi còn nhớ hồi đó, rừng Kon Hà Nừng đẹp lắm, cây ngút ngàn, rất nhiều cây đường kính trên dưới 1 m, ngửa mặt lên mới nhìn thấy ánh mặt trời. Thú rừng thì nhiều vô kể. Có lần tôi đi công tác một mình. Trời mưa, tôi phủ tấm áo mưa kín đầu, nhìn qua thấy một chú nai rừng thật to không hề biết sợ cùng đi theo một đoạn khá xa. Lại một lần về Khu 2 công tác, nửa đêm thấy anh Tuyển (khi đó làm Phó Chủ tịch UBND Cách mạng Khu 2) đánh thức dậy ăn thịt mang. Tôi hỏi sao nửa đêm mà có thịt mang ăn? Anh nói đang ngồi sưởi trong nhà bếp, một chú mang thấy ánh sáng liền chui vào, anh em đóng cửa lại bắt sống.
Anh em trong Ban đi công tác mỗi lần vài ba tháng. Đến mùa rẫy thì tập trung về để làm rẫy tự túc lương thực. Tôi thường đi công tác các huyện phía trước. Mỗi lần về cơ quan là một dịp hiếm có để anh em hàn huyên tâm sự. Cuộc sống trong kháng chiến tuy gian khổ, nhưng thật vui vì anh em thương nhau như ruột thịt. Về đêm trong rừng rất lạnh và yên tĩnh. Mỗi người đều tự làm cho mình một chiếc đèn dầu hỏa bằng một cái ve nhỏ để có thể ghi chép ban đêm. Chiếc đèn dầu có nắp đậy, có thể để trong ba lô đi công tác mà không sợ chảy dầu. Những đêm mùa mưa, anh em ngồi quây quần quanh đống lửa nướng củ mì, chia nhau ăn thật ngon lành, cùng kể chuyện gia đình, quê hương.
Trong chiến tranh, cơ quan thường tìm đóng gần một nguồn nước vừa để có nước sinh hoạt, vừa để xóa dấu chân trên đường vào cơ quan. Thời kỳ đầu, Ban Sản xuất đóng quân trên vùng rừng già, núi cao để tránh địch phát hiện. Từ sau năm 1970, cơ quan đã 2 lần di chuyển xuống thấp dần: Từ thượng nguồn sông Ba ở Khu 1 chuyển xuống suối Hro gần làng Hà Nừng nhỏ. Năm 1973, khi tình hình chiến trường có nhiều cải thiện, cơ quan lại chuyển xuống nước Niar thuộc Khu 2. Cơ quan có một rẫy sản xuất bên bờ sông Ba để làm lúa cạn, trồng bắp và rau màu. Những buổi chiều làm rẫy xong, anh em thanh niên xuống sông Ba tắm. Sông Ba mùa cạn rất đẹp với những bãi đá trải dài và dòng nước trong suốt, mát lạnh.
Thường cứ đến cuối năm, các cơ quan lại cử người xuống đồng bằng mua hàng về chuẩn bị ăn Tết. Năm 1971, tôi cùng một số đồng chí trong Ban xuống Cửa khẩu Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Nghe địch sắp càn, ngay đêm đó, chúng tôi vội gom hàng và lương thực cho đủ rồi rút về hang. Sáng sớm hôm sau nghe tiếng động cơ, từ trên hang đá nhìn xuống thấy máy bay Mỹ đang đổ quân ngay dưới chân núi, anh em tìm đường chạy ngược lên.
Hang ở miền Bắc thường là những động đá vôi. Còn hang ở miền Nam là những tảng đá granite tròn rất lớn xếp lên nhau, không có đường ra vào. Muốn lên khỏi hang phải dựa một cây gỗ vào vách rồi bám cây leo lên. Lúc đó, 1 đồng chí bộ đội vai đeo gùi nặng, khi leo lên bị trượt xuống, nằm ngất xỉu. Một đồng chí nữa ở lại cùng bạn tử thủ. Khi chúng tôi đi xa, nghe tiếng súng nổ dữ dội. Chắc cả hai đã hy sinh.
Trời mưa to, nước lũ đổ về, đường đi nhiều nơi nước ngập quá đầu gối, địch đuổi theo sát từng giờ. Sau đợt đi đồng bằng về do phải lội nước nhiều nên vết thương cũ bên chân phải tôi nhiễm trùng nặng. Cô Vân y tá phải dùng dao khoét sâu để loại bỏ tế bào chết rồi rắc kháng sinh. Lúc đó, cũng không có thuốc tê nữa, đau cứng hàm cũng phải gắng chịu.
BÙI KẾ NGHIỆP

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.