Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc: Đậm tính sáng tạo, kế thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 3 ngày diễn ra Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc tỉnh lần thứ III-2019 (từ 24 đến 26-4), Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) ngập tràn sắc màu thổ cẩm, rộn vang tiếng cồng chiêng, tiếng đàn trưng, klong put, kní... níu chân đông đảo người dân Phố núi và du khách dừng lại thưởng thức.
Nhiều đổi mới
Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc tỉnh năm nay có sự tham gia của 17 đoàn với hơn 1.200 vận động viên, nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 7 môn thi thể thao truyền thống gồm: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ (nam, nữ), chạy cà kheo (nam, nữ), chạy việt dã (nam, nữ), bóng đá nam, bóng chuyền nam. Phần thi văn hóa gồm các nội dung: trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Mặc cho thời tiết nắng nóng, các vận động viên vẫn thi đấu hết mình, cố gắng đem về kết quả cao nhất. Anh Rơ Châm Kim (đoàn nghệ nhân huyện Đức Cơ), vận động viên thi chạy cà kheo cho biết, anh có nhiều năm kinh nghiệm ở môn thi này nên cảm thấy tự tin với khả năng của mình. “Với môn cà kheo, nếu biết cách chia lực sẽ thấy không khó để giữ thăng bằng và di chuyển. Một đôi cà kheo chắc chắn sẽ quyết định tốc độ. Cùng với đó, vận động viên cũng cần chọn điểm tựa, vững tay thì mới có thể đi nhanh được”-anh Kim chia sẻ bí quyết.
 Các nghệ nhân biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại hội thi. Ảnh: Đ.T
Các nghệ nhân biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại hội thi. Ảnh: Đ.T
Điểm mới của hội thi năm nay chính là sự thay đổi không gian phần thi văn hóa. Theo đó, địa điểm được chọn làm nơi diễn ra các phần thi trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ nằm ngay dưới tán cây xanh mát của Quảng trường Đại Đoàn Kết, bên cạnh biểu tượng cột đá 54 dân tộc anh em. Sân khấu gần như được loại bỏ, điểm nhấn duy nhất chính là cây nêu truyền thống, nơi các đoàn nghệ nhân dàn dựng, biểu diễn tiết mục xung quanh đó. Khung cảnh ấy phần nào tái hiện được không gian vốn có của lễ hội trong cộng đồng dân tộc Jrai, Bahnar. Những điệu dân vũ cũng được trả về với nguyên bản, không bị sân khấu hóa hay ảnh hưởng phong cách múa hiện đại. Điều đó giúp khán giả có cái nhìn chân thật về văn hóa của các dân tộc thiểu số địa phương. Chăm chú theo dõi tiết mục cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân, ông Đoàn Châu (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) tỏ ra rất thích thú. Ông Châu bày tỏ: “Việc tổ chức cho các nghệ nhân biểu diễn ở Quảng trường, ngay giữa thiên nhiên theo tôi là rất thú vị, rất gần gũi với khung cảnh buôn làng. Càng xem, tôi càng hiểu rõ hơn nét văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.
Sự đổi mới cũng thể hiện ngay từ ý thức của các đoàn nghệ nhân khi đến tham gia hội thi. 17 đoàn nghệ nhân đều có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt là trang phục, đạo cụ. Họ mặc trang phục truyền thống đặc trưng của cộng đồng; các đạo cụ như: mô hình nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, con trâu, con rối… cho đến lễ vật trong các lễ cúng đều được chuẩn bị đầy đủ, chân thực nhất. Ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: “Không còn giới hạn trong các bài chiêng quen thuộc như đâm trâu, mừng lúa mới, pơthi, các đoàn đã chịu khó tìm tòi, thể hiện các bài chiêng độc đáo gắn với phục dựng nhiều nghi lễ. Điều này cho thấy tư duy sáng tạo, sự tận tình của đội ngũ làm văn hóa ở các địa phương khi có sự đào sâu tìm hiểu và nỗ lực khôi phục”.
Kế thừa xứng đáng
Điều đáng chú ý ở cả phần thi thể thao và văn hóa năm nay chính là sự góp mặt của thế hệ trẻ ở các buôn, làng. Giữa lúc văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, hình ảnh thế hệ trẻ khoác lên mình những bộ thổ cẩm, hòa cùng nhịp chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca trong không gian hội thi là tín hiệu đáng mừng về sự khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa trong cộng đồng các dân tộc bản địa. Bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi, sự xuất hiện của các vận động viên, diễn viên nhí khiến cho hội thi thêm phần mới mẻ, hấp dẫn và sôi nổi.
Khá dạn dĩ, cô bé Kpă HNhem (14 tuổi, buôn Banh, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi sau khi hoàn thành phần thi chạy cà kheo. Trong lượt thi đầu, HNhem gặp chút trục trặc kỹ thuật bởi một bên cà kheo bị tuột khiến tốc độ không được như mong muốn. Dù vậy, HNhem vẫn lọt vào vòng chung kết của môn thi. HNhem khoe: “Cả gia đình em đều tham gia Hội thi Thể thao-Văn hóa các dân tộc nhiều năm nay rồi. Cha mẹ đều là vận động viên bắn nỏ, em chạy cà kheo. Em vui lắm vì được đến đây để thi cùng các bạn. Những lần thi trước em đều đạt giải, hy vọng năm nay sẽ tiếp tục đem thành tích về cho đội nhà”.
Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T
Tương tự, anh Siu Teng (làng Quen, xã Ia Me, huyện Chư Prông) và cậu con trai 8 tuổi cùng tham gia biểu diễn trong đội cồng chiêng đại diện cho huyện nhà. Cậu bé Rơ Lan Khế được giao nhiệm vụ “đóng vai” pơtual, đi đầu và thể hiện các động tác biểu cảm gây hài. Dù nhỏ tuổi nhưng Khế đã hoàn thành xuất sắc vai trò trước sự theo dõi đầy thích thú của Ban giám khảo và khán giả. Anh Teng cho hay: “Lúc mình tập cồng chiêng, Khế thường hay đi theo. Thấy con ham thích, các già trong làng mới chọn để tham gia biểu diễn. Cả 2 cha con cùng được tham gia hội thi này nên mình thấy vui lắm. Hy vọng sau này con càng yêu thích cồng chiêng, giữ gìn được văn hóa của cộng đồng mình”.
Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Trưởng ban giám khảo hội thi-cho biết, ông đánh giá cao tính kế thừa văn hóa trong cộng đồng các buôn, làng. Ông Hoan chia sẻ: “Bên cạnh số lượng tiết mục đăng ký nhiều, chất lượng được đầu tư, nâng cao thì thành phần các đoàn tham gia hội thi thể hiện sự kế thừa, tiếp nối rất tốt giữa các thế hệ. Nếu như các năm trước, các nghệ nhân đều lớn tuổi, có người 80-90 vẫn tham gia biểu diễn thì năm nay họ đã lui về với vai trò cố vấn, truyền dạy; những người trực tiếp tham gia hội thi là thế hệ trẻ hơn, mới hơn. Có những cô cậu mới 7-15 tuổi đã tấu chiêng, hát dân ca rất hay. Tôi thấy hội thi là một trong những cách làm thiết thực giúp văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy xứng đáng”.
PHƯƠNG VI-HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.