(GLO)- Vừa qua, những hiệp định thương mại đa phương, song phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng nông sản. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với tỉnh ta khi các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là nông sản. Song đồng thời, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.
Theo cam kết cắt giảm thuế mở cửa thị trường của ATIGA, năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông-thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng thuế ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm. Đối với cam kết trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), năm 2015, có 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20%, 80 dòng ở mức thuế 5%, 46 dòng chưa cam kết cắt giảm.
Doanh nghiệp cà phê đầu tư cà phê sạch để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh trạnh với sản phẩm của nước ngoài. Ảnh: Hà Duy |
Các cam kết thương mại này sẽ góp phần tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng suất chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trên thực tế, từ khi hội nhập sâu rộng với thị trường khu vực nói riêng và thế giới nói chung, xuất khẩu nông sản tỉnh ta đã giành được nhiều thành tích đáng kể. Hiện, ta đã có gần 10 sản phẩm xuất khẩu với kim ngạch trung bình khoảng trên dưới 330 triệu USD/tháng. Kể từ khi tham gia hội nhập, tỉnh ta đã có quan hệ thương mại ổn định với khoảng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ta trong quá trình hội nhập là giữ vững thị trường xuất khẩu, bởi lâu nay, hàng Việt vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài. Trong khi trong tương lai gần, hàng ngoại sẽ tràn vào, nếu chất lượng, mẫu mã và các chế độ hậu mãi kèm theo của sản phẩm nội vẫn giẫm chân tại chỗ, e rằng ta sẽ mất luôn thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu tỉnh ta chưa cao một phần do quan hệ sản xuất trong nước, giá thành sản xuất ra sản phẩm bị đội lên đáng kể khi khâu trung gian quá nhiều. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải thể hiện rõ vai trò của mình, góp phần lành mạnh hóa thị trường, triệt tiêu lợi ích nhóm để sản xuất và tiêu thụ được thông suốt. Và phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất thông tin về hội nhập, nếu không, việc thiếu thông tin sẽ làm mất đi nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã ký duyệt kế hoạch hội nhập quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015-2020 nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung về hội nhập quốc tế đã được đặt ra trong Nghị quyết số 31/NQ-CP nhằm chủ động công tác hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, đảm bảo tính thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, hạn chế tối đa những tác động bất lợi và khai thác triệt để những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Trong đó, nội dung được coi là quan trọng nhất là triển khai các chiến lược, nghị quyết, chương trình hành động về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ hội nhập.
Theo đó, các sở, ngành chủ động triển khai thực hiện kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát và xây dựng, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch ngành, lập đề án tồng thể, trên cơ sở đề án tổng thể lập đề án riêng cho cho từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực là lợi thế của tỉnh để tập trung chỉ đạo phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Ngoài ra, cần tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2015-2020, kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy lợi đến năm 2020. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, chương trình giống, công nghệ bảo quản và công nghệ chế biến nông-lâm sản vào sản xuất nông-lâm nghiệp.
Và phần rất quan trọng nữa là xây dựng phương án nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông-lâm sản, cụ thể hóa chính sách phối hợp 4 nhà (nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học), xúc tiến mạnh liên kết trong sản xuất, đảm bảo sản xuất hàng hóa có địa chỉ, từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản có thế mạnh trên địa bàn tỉnh. Từng bước đưa kinh tế hợp tác chiếm ưu thế trong nông nghiệp nông thôn; đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, có hiệu quả kinh tế cao.
Hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài, không thể xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không có mở cửa hội nhập. Bởi vậy, để thực hiện được mục tiêu đề ra, có lẽ nên tập trung làm tốt công tác tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở đó lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên thực hiện.
Hà Duy