Hoang sơ Hòn Chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rất gần đất liền nhưng Hòn Chùa (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là một điểm khám phá khá mới mẻ đối với nhiều người trẻ. Với nét hoang sơ, lạ lẫm, Hòn Chùa vẫn đầy hấp dẫn kể cả với những người đã đôi lần đến.
Chiều xuống, chúng tôi có mặt tại làng chài Mỹ Quang để đợi thuyền của ngư dân đưa sang đảo Hòn Chùa. Thủy triều đang dần lên, gió bắt đầu thổi mạnh, nước biển đập tung tóe vào mạn làm cho con thuyền chòng chành mãi. “Hôm nay sóng biển lớn, thuyền có phao cho khách, nhưng liệu có an toàn nếu chúng ta cố sang?”-anh Trần Văn Thành đi cùng chúng tôi lộ vẻ lo lắng. Chị Dương Thị Tuyết-người hướng dẫn chúng tôi chuyến đi này-động viên: “Không sao. Chỉ ở đoạn gần bờ. Do chúng ta đi muộn nên chiều về gió mạnh, sóng đẩy lên cao thôi”. Cuối cùng, mọi người cũng lên thuyền. Chưa đầy 2 phút, sóng êm dần. Và, hơn 5 phút sau, chúng tôi đã có mặt bên kia bờ với hải trình chỉ… 1 hải lý. Khuất gió, biển lặng nên mọi người dễ dàng xuống thuyền để lên đảo.
 Biển buổi sáng trên Hòn Chùa. Ảnh: L.V.N
Biển buổi sáng trên Hòn Chùa. Ảnh: L.V.N
Hòn Chùa rộng chưa đến 100 ha. Có lẽ vì diện tích khá nhỏ nên mọi người thường gọi là “hòn”. Tương truyền, trên đảo xưa kia có một ngôi chùa do bà phi của chúa Nguyễn Ánh xây nên đảo được đặt tên là “Hòn Chùa”. Tuy nhiên, hiện nay, dấu tích của ngôi chùa không còn nữa. Cảnh vật ở đây thật hoang sơ với nhiều loại cây bụi, cây gai nhưng không khí vẫn thật trong lành, mát mẻ dù lúc này đang là cuối hè oi ả. Trên đảo trồng khá nhiều phi lao và một ít dừa, bàng do người dân đem từ đất liền sang. Hầu hết mọi người ra đảo đều ở phía Tây vì bên này bãi cát mịn và thoai thoải chạy dài ra xa theo làn nước mát.
Trên đảo không có nước ngọt. Anh Phạm Văn Cư-người lái thuyền-cho biết: Trước đây, nhiều người thử đào giếng nhưng chỉ gặp toàn nước mặn. Do đó, nước ngọt phải đem từ đất liền ra. Trên đảo cũng không có dân sinh sống. Từ khi Hòn Chùa trở thành điểm du lịch sinh thái tự phát, đã có 5-6 hộ ra đây xây dựng các căn chòi để kinh doanh. Chúng tôi ra Hòn Chùa trên con thuyền của anh Cư với giá 400.000 đồng/người bao cả ăn, ngủ vào buổi chiều hôm trước và buổi sáng hôm sau. Bữa tối hôm ấy thật ngon lành với các món luộc, hấp, xào, lẩu đều được chế biến từ hải sản tươi roi rói như: mực, ốc hương, cá các loại… Hôm chúng tôi ra đảo cũng là dịp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu tổ chức giao lưu nên không khí đêm lửa trại trên biển đảo càng thêm nhộn nhịp. 
Buổi sáng ở Hòn Chùa mặt trời lên khá muộn vì bị khuất sau vách núi đá dựng đứng. Mặt biển lăn tăn những con sóng nhỏ, khác với những gì buổi chiều trước đó chúng tôi chứng kiến khi ra đảo. Mọi người thỏa thích bơi lặn trước khi chia tay Hòn Chùa trở về đất liền. Chia sẻ với chúng tôi, anh Cư cho hay gia đình anh đã sống nhiều đời ở xã An Chấn này. Nhờ đưa đón khách du lịch qua đảo mà anh có thêm thu nhập. “Hiện nay, chính quyền địa phương đã thực hiện đền bù cho những người kinh doanh tự phát trên đảo để lập dự án phát triển du lịch bài bản hơn. Chắc cũng không xa nữa, Hòn Chùa sẽ được nhiều người biết đến hơn”-anh Cư vui vẻ nói lúc chia tay.
 LÊ VĂN NHUNG

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.