Họa sĩ Nguyễn Gia Trí: Bùng cháy ngọn lửa sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm và tọa đàm nhằm tôn vinh, tưởng niệm ông - một trong những họa sĩ đi đầu tìm tòi sáng tác, đưa chất liệu sơn ta truyền thống thành chất liệu hội họa sơn mài. Ông cũng là người cách tân xuất sắc, đưa sơn mài lên vị trí đỉnh cao của mỹ thuật.

 
Một số tác phẩm nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí
Một số tác phẩm nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí



1. Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là họa sĩ hàng đầu làm tranh sơn mài Việt Nam. Ông cũng là họa sĩ vẽ minh họa và biếm họa nổi tiếng. Ông học Khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa IV (1928 - 1933). Vì lý do riêng, ông nghỉ học giữa chừng rồi tiếp tục theo học và tốt nghiệp khóa VII (1931 - 1936) cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn. Năm 1939, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng của mình.

Ngoài sáng tác, họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn đưa ra ý kiến nhận xét về nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Những ý kiến này đã được họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi chép, tập hợp và in thành sách Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, mang giá trị nghiên cứu nghệ thuật. Họa sĩ tài danh này cũng được suy tôn là người đứng đầu bộ tứ nổi tiếng của hội họa Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 gồm: “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn”. Thế giới sơn mài của ông vừa thực, vừa ảo, ánh lên những chất màu quý giá, gợi niềm khát khao vô tận về cái đẹp...


Tại lễ kỷ niệm, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí tiên phong và sự gắn bó với nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí: “Ông đã dành cả cuộc đời cho sáng tạo nghệ thuật, tìm tòi, phát triển nghệ thuật sơn mài. Những tác phẩm của ông đã trở thành mẫu mực của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Ông cũng là họa sĩ hàng đầu, nổi tiếng nhất của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại với bút pháp bay bướm, màu sắc táo bạo, dung hòa hai dòng văn hóa Đông - Tây bằng kỹ thuật điêu luyện. Con người và phong cảnh miền Bắc luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của ông trong nhiều tác phẩm. Có thể nói rằng Nguyễn Gia Trí là họa sĩ suốt đời sống với đam mê sáng tạo nghệ thuật, chính nghệ thuật đã đặt ông vào vị trí những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam”.

Cùng chung nhận định này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ: “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người tài năng, ông có tác phong, cá tính mạnh mẽ. Ông đã góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại bằng chính tài năng, tình yêu nghệ thuật, khát vọng cách tân, xử lý chất liệu, sáng tạo ngôn ngữ tác phẩm sơn mài theo cách riêng. Nói tới sơn mài Việt Nam, ông chính là người tạo dấu ấn độc đáo, sâu sắc nhất...”.

2. “Học phương pháp tạo hình Âu Tây, ông còn hướng vào khai thác truyền thống, vượt qua ảnh hưởng, tìm tòi sáng tạo gắn với hiện thực đất nước. Phong cách sáng tạo của ông độc lập, bộc lộ cái nhìn, cách nghĩ của họa sĩ Việt Nam”, họa sĩ Nguyễn Văn Chiến nhận xét. Qua các tác phẩm của ông như Vườn xuân và thiếu nữ,  Thiếu nữ bên hoa phù dung, Thiếu nữ bên hồ Hoàn Kiếm… cho thấy khả năng diễn tả sơn mài với chất trong sâu, lộng lẫy, óng ánh, bao trùm hình tượng con người và phong cảnh. Thế giới sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vừa thực, vừa huyền ảo, ánh lên những chất màu quý giá, trong đó gợi niềm khát khao vô tận về cái đẹp mà ông luôn hướng tới là hoàn mỹ nghệ thuật.

Lúc đương thời, quan niệm của danh họa Nguyễn Gia Trí về tranh sơn mài trừu tượng - một trong những thể loại ghi dấu ấn của ông với nhiều tác phẩm được các nhà sưu tập trên thế giới tìm kiếm, đã khá rõ ràng. Theo ông, bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào bên trong chứ không nhìn cái vỏ bên ngoài của sự vật… Sáng tác có lúc như trong mơ. Người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng thì bức tranh lại không còn không còn trừu tượng nữa. Lúc sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh… Dù chưa chính xác về số tranh sơn mài trừu tượng mà Nguyễn Gia Trí vẽ, nhưng theo quan sát của bạn bè, đồng nghiệp thì có thể nhiều hơn 30 bức và đó là một trong những đối tượng được giới sưu tập quốc tế tìm kiếm. Năm 2015, tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong, bức Abstract Composition của Nguyễn Gia Trí được bán với giá hơn 96.000USD.

Theo nhận định của những người trong giới hội họa, sơn mài trong xưởng họa Nguyễn Gia Trí không chỉ là nơi sáng tác mà ở đó ông còn truyền thụ nghệ thuật. Ông hướng dẫn học trò biết nhìn cái đẹp, dạy kỹ thuật thể hiện, thậm chí có lúc cho học trò tham dự thể hiện phác thảo tranh ông. Những học trò được học tại xưởng của ông là niềm vinh dự và thu hoạch được rất nhiều. Sơn mài trong xưởng họa của ông còn cho thấy quan niệm, phương pháp sáng tác và thể hiện tranh của Nguyễn Gia Trí. Đó là “hậu trường” của những tác phẩm sơn mài nổi tiếng của ông. Ngọn lửa sáng tạo theo ông đến cuối đời.

Ông sáng tác không nhiều, phải chăng tính kỹ càng, cầu toàn cao độ để có những tác phẩm hoàn hảo đã quyết định những số lượng tác phẩm của ông. Nhưng không thể không nhắc tới những tác phẩm đã làm nên tên tuổi danh họa này, như: Chợ Bờ, Bên hồ Gươm, Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Thiếu nữ bên hoa phù dung, Thiếu nữ bên bờ suối, Thiếu nữ trong vườn, Hoài niệm xứ Bắc… Ghi nhận những cống hiến của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Nhân dịp này, triển lãm “Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức sẽ khai mạc ngày 26-6 tại Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của danh họa, thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Các phác thảo có kích thước khác nhau và được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau: bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… trên giấy; chia thành các tiểu đề về phong cảnh, nhân vật, chi tiết trang trí và đề tài lịch sử. Triển lãm sẽ mở cửa đón công chúng yêu mỹ thuật tới tham quan thưởng lãm đến hết ngày 10-7.

Mai An (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.