Họ đã trở thành nhân vật của tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu tôi không làm báo thì có thể tôi sẽ chẳng bao giờ gặp họ. Hoặc giả, nếu có gặp thì cũng sẽ thông thường như với trăm, ngàn người khác. Cuộc đời họ sẽ chẳng bao giờ ở lại trong ký ức của tôi và tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp có ích từ những câu chuyện của họ. Thế nên, nếu được nói lời tri ân với nghề báo, thì với tôi, đó là sự biết ơn vì những cơ hội mà nghề nghiệp mang lại cho mình.
Người lặng lẽ ở nhà số 7
Anh là nhân vật báo chí đầu tiên của tôi khi tôi bắt đầu nghề báo tại Hà Nội ở tờ báo đình đám thời ấy - tờ An ninh thế giới - bây giờ là Chuyên đề của Báo Công an nhân dân. Ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang, cũng là cơ sở đầu tiên tôi tiếp cận để thu thập thông tin với vai trò là phóng viên của tờ An ninh thế giới. Đó là một ngôi biệt thự Pháp cổ, nép mình trong con phố nhỏ với khoảng sân đủ rộng, rợp bóng hoàng lan. Sau này, khi quen dần với Công an Hà Nội, tôi mới biết, ngôi nhà mang tên “số 7 Thiền Quang” ấy là “thương hiệu” của Công an Thủ đô, là trụ sở của một đơn vị cảnh sát mà chỉ nghe thấy tên, tội phạm đã bạt vía kinh hồn - Phòng Cảnh sát hình sự.
Anh ngồi trên tầng 2, trong một căn phòng bình thường, ít tiện nghi. Lúc ấy anh đeo hàm đại tá, trưởng phòng, gầy gò, dong dỏng cao, nói năng nhỏ nhẹ, không hề có dáng dấp gì của một sĩ quan cảnh sát cao cấp, phụ trách một đơn vị cảnh sát hình sự lẫy lừng ở một địa bàn trọng yếu nhất trong các địa bàn trọng yếu. Và, tôi, lúc ấy cũng không hề biết rằng, người đàn ông trung niên giản dị đang tiếp tôi kia là một người nổi tiếng. Sau này tôi mới biết anh từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ khi còn rất trẻ và anh chính là nguyên mẫu của anh trinh sát hình sự, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà tôi từng say mê đọc khi còn học trung học ở Hải Phòng.

Cuộc trò chuyện của tác giả với một tử tù.
Cuộc trò chuyện của tác giả với một tử tù.
Cuộc làm việc với tôi diễn ra rất nhanh. Anh ghi vào bên lề tờ giấy giới thiệu của tôi đại ý đồng ý cho tôi tiếp cận với tất cả các đội nghiệp vụ.
Suốt gần một tháng trời tôi đã làm việc với tất cả các đội nghiệp vụ. Có lẽ, phần vì thương hiệu của tờ báo, phần vì tôi, một phụ nữ đang nuôi con nhỏ nhưng không quản ngại vất vả mà một số đội công tác đã đồng ý cho tôi được đi cùng họ, được tận mắt chứng kiến cuộc đấu tranh với tội phạm vô cùng phức tạp và hiểm nguy của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô.
Rồi những cuộc trò chuyện trong suốt cả tháng trời ấy còn cho tôi biết cả những góc khuất trong đời sống riêng tư của những trinh sát bề ngoài nom bình thản và dũng mãnh kia. Câu chuyện một trinh sát hình sự vợ bỏ một mình nuôi con nhỏ, tôi không chỉ được nghe kể mà còn tới tận nơi ở của hai cha con. Những tháng lương gần như không còn đồng nào vì đã tạm ứng trước để đi công tác của các trinh sát trẻ còn đang phải ở nhà thuê hoặc nằm bàn ở đơn vị, ăn cơm bụi hằng ngày cũng được tường tận. Những buổi chiều mùa đông Hà Nội lạnh giá, tôi từng lặng lẽ đứng ở cổng nhà số 7, nhìn các trinh sát tiễn nhau đi làm án và rồi thót tim dõi theo tin tức hằng ngày, để mừng vui khi họ trở về an toàn.
Khi loạt bài viết 5 kỳ về cảnh sát hình sự lên An ninh thế giới chỉ với một phần tư liệu mà tôi thu thâp được nhưng đã gây xúc động mạnh trong bạn đọc. Không chỉ nhận được giải thưởng cao ở cuộc thi viết “Vì bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức, tôi còn nhận được phần thưởng lớn hơn thế. Đó là rất nhiều thư của bạn đọc gửi tới cảm ơn tòa soạn vì đã phản ánh được đời sống chiến đấu của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô. Các nhân vật trong bài viết của tôi cũng nhận được sự ngưỡng mộ của bạn đọc. Thậm chí, có bạn đọc còn ngỏ ý được... về chung nhà với anh chàng trinh sát đang làm bố đơn thân kia.
Còn anh, chỉ tiếc, trong tất cả các bài viết của tôi không có anh, người chỉ huy cao nhất ở nhà số 7, người duyệt tất cả các kế hoạch đánh án nhưng luôn luôn đứng ở đằng sau. Anh không cho tôi viết về anh.
Mãi sau này, dù đã trở nên thân thiết và anh được phong hàm tướng, được giữ trọng trách cao hơn nữa nhưng tôi vẫn chưa bao giờ được viết về anh, trừ những trích dẫn ngắn gọn của anh trong các cuộc họp báo.
Giờ anh đã về hưu với hàm trung tướng, vẫn lặng lẽ như xưa và bình yên trước biết bao biến động. Hôm rồi, anh nhắn mời tôi qua nhà chơi - “và không phỏng vấn chứ” - tôi đùa.
Trong khu giam tử hình
Khi ấy, tôi và những nhà báo nổi tiếng khác của tòa soạn như Hồng Lam, Phạm Ngọc Dương, Đỗ Doãn Hoàng... được giao nhiệm vụ đứng trang phóng sự với các loạt bài hằng tuần. Mỗi loạt chừng 3-4 kỳ, loạt nọ gối loạt kia, chưa hết loạt này đã có “góc bao diêm" in trên báo giới thiệu loạt khác. Cái “góc bao diêm” có mấy chục chữ mà áp lực ghê lắm, giống như nghìn lời hối thúc.
Công an TP Hà Nội khi đó đã tạo điều kiện cho tôi và phóng viên ảnh Trang Dũng được sống trong khu giam riêng dành cho các phạm nhân tử hình ở Trại tạm giam Hà Nội mà tên dân dã là “Hỏa Lò” để tôi thực hiện loạt bài viết "Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình". Cho dù, thủ tục để được vào "trỏng" sống khá phức tạp. Tôi đã ở đó với họ, những bị án tử hình đang trong những ngày sống cuối cùng đợi thi hành án. Và, mãi sau này tôi mới biết chúng tôi là những phóng viên đầu tiên có cơ hội được “sống” trong khu giam đặc biệt này.
Hà Nội khi đó tiết tháng 3, đã không còn lạnh. Ngoài đường, xống áo đã phong phanh. Nhưng, khi bắt đầu bước chân vào khu biệt giam thì bỗng nhiên, một cảm giác ớn lạnh từ đâu xộc tới. Trong các buồng giam tử tù sau nhiều lần cửa, tôi vào, ngồi lên bệ ximăng và co ro trong chiếc áo vest đen mà lúc đi chỉ cốt mặc để cho trông nghiêm túc. Sau này về, tôi viết: "Bốn cuộc trò chuyện trong loạt bài dưới đây được phóng viên An ninh thế giới thực hiện ngay trong khu giam tử hình, giữa bốn bề là song sắt, lạnh lẽo và u buồn. Cuối tháng 3, hoa gạo trên đường ngoài cổng trại đã nở đỏ rực, còn ở trong này, dường như mùa đông vẫn chưa qua".
Tất cả những tử tù lần đó tôi gặp, đều là những người "quen". Quen không phải là bạn bè hay dây mơ rễ má gì mà quen là do tôi đã từng gặp họ ở phiên tòa sơ thẩm hoặc gặp ở số 7 Thiền Quang lúc họ bị bắt giam. Đ. cũng vậy. Khi Đ. bị bắt, một điều tra viên đã gọi điện báo tin cho tôi. Anh bảo, Đ. nghiện ma túy, cậu ấy giết người, cướp tài sản một cách cực kỳ dã man cũng là vì ma túy. Nhưng, cậu ấy là một người con hiếu thảo và là một người cha tốt của hai đứa con gái, lúc ấy vẫn chưa trưởng thành. Cha Đ. bị liệt, sáng nào Đ. cũng cõng cha từ tầng 3 xuống tầng 1, dìu cha tập đi rồi lại cõng cha lên. Xong xuôi rồi mới đi chích ma túy. Hai đứa con gái Đ., mẹ bỏ đi từ lúc còn tấm bé, Đ. vừa làm cha lại vừa làm mẹ, chăm sóc con kỹ càng.
Khi Đ. bị bắt cũng là lúc chỉ còn hai hôm nữa là khai giảng, một điều tra viên ở số 7 Thiền Quang đã cho con gái lớn của Đ. 500 nghìn đồng để cháu thêm vào mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới.

Tử tù gặp mặt gia đình.
Tử tù gặp mặt gia đình.
Sau này, trong cuộc trò chuyện với tôi ở khu giam tử hình, Đ. cứ nhắc mãi chuyện đó với tất cả sự hàm ơn. Người cán bộ điều tra đó giờ đã không còn ở số 7 Thiền Quang, anh cũng đã được phong hàm tướng và trở thành chỉ huy của một đơn vị quan trọng.
Như một sự tình cờ của số phận, ngày Đ. gặp tôi cũng chính là ngày cưới của đứa con gái lớn. Đ. ngồi với tôi, trong một căn phòng nhỏ cách khu giam chỉ một hành lang hẹp và khóc như mưa khi nói về hai đứa con, những đứa trẻ mà số phận dường như đã ràng buộc chúng vào những đớn đau của cuộc đời Đ.
Khoảng cách giữa tôi và Đ. rất gần, chỉ cách một cái bàn nhỏ. Anh ta dù đang bị tạm giam, vẫn thoáng ngần ngại khi tôi là phụ nữ mà mở nước Lavie cho Đ. uống, châm thuốc cho Đ. hút. Đ. kể chuyện đời mình, một cuộc đời bị tan tành vì ma túy. Đ. kể chuyện về cuộc sống trong khu biệt giam, nơi ngày nào anh ta cũng tụng kinh, niệm Phật để sám hối, những mong gột rửa được tội lỗi tày đình mình đã gây ra. Nhưng, nhiều nhất vẫn là về mẹ và những đứa con. Đ. dằn vặt và ân hận với mẹ, với các con, với người bị hại. Và, Đ. khóc. Tôi cũng khóc.
Sau này về, tôi viết: "Rất nhiều nước mắt đã rơi trong cuộc trò chuyện này. Cửa buồng giam tử tù ở ngay phía sau lưng nơi Đ. ngồi trò chuyện cùng tôi. Đ. trở về phía đó và bảo rằng, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với những tử tù như Đ. rất gần, chỉ là một buổi sáng thôi khi lệnh thi hành án được bắt đầu. Vì thế mà bây giờ, sám hối đã là quá muộn nhưng rất cần để được ra đi thanh thản".
Cùng với Đ., tôi còn gặp thêm 3 tử tù nữa. Những câu chuyện đời, buồn nhiều hơn vui, nuối tiếc, ân hận, dằn vặt nhiều hơn là trông mong, hy vọng.
Và, tôi đã có một ngày sống trọn vẹn ở nơi cuộc sống khác, ở nơi mà bốn bề, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, chỗ nào cũng là song sắt.
Đ. giờ đã về với đất. Cuộc thi hành án diễn ra sau cuộc trò chuyện đó nhiều tháng. Những đoạn video quay toàn cảnh cuộc trò chuyện của tôi và Đ. trong khu giam tử hình cũng mãi nằm lại, ở yên trong bộ nhớ máy tính của phóng viên ảnh. Những bức hình cũ, thi thoảng tôi xem lại, chỉ thấy toàn nước mắt. Nhưng, nước mắt sám hối của Đ., tôi nghĩ cũng thật cần, bởi nó là bài học có ích cho nhiều người. Cuộc đời Đ. với những sa ngã phải trả giá bằng mạng sống chính là bằng chứng đầy đau đớn về hậu quả kinh hoàng của ma túy. Tôi hạnh phúc vì tờ báo của tôi đã chuyển tải được những điều có ích đó đến công chúng, bằng cách kể chuyện những phận người...
Theo Đặng Huyền (cand.com.vn)
 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.