(GLO)- Trong giai đoạn 2016-2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-khẳng định: “Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội. Trong giai đoạn 2016-2021, Hiệp hội đã thiết lập được các kênh thông tin điện tử kết nối giữa Văn phòng Hiệp hội với doanh nghiệp hội viên. Cùng với đó là phối hợp, hỗ trợ Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp nghe ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để UBND tỉnh có những chỉ đạo giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Cùng với đó, Hiệp hội phổ biến, tuyên truyền cho hơn 20.000 lượt doanh nghiệp/năm qua hộp thư điện tử về chính sách, pháp luật và thông tin liên quan”.
Hai lĩnh vực có ảnh hưởng nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là thuế và tín dụng ngân hàng. Hàng năm, Hiệp hội tiếp nhận nhiều kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp liên quan tới 2 lĩnh vực này. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, thông qua việc ký kết chương trình “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp” với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh và kết nối thông tin với lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, Hiệp hội đã kịp thời làm việc với 2 cơ quan trên để tìm phương án xử lý. Bình quân mỗi năm có khoảng 40-45 kiến nghị được tháo gỡ, giải quyết, riêng năm 2020 có tới 53 kiến nghị liên quan tới 2 vấn đề này được giải quyết kịp thời. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2021, thông qua kiến nghị của Hiệp hội, UBND tỉnh quyết định giảm tỷ lệ phần trăm tiền thuê đất nhà nước xuống mức thấp nhất.
|
Năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Atalink (TP. Hồ Chí Minh) về triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Hà Duy |
Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai-cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, doanh thu giảm đến 90%. Trong hoàn cảnh đó, Hiệp hội đã phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành để có những hỗ trợ kịp thời. Hiệp hội cũng thường xuyên thông tin những chính sách mới liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp thông qua email, Zalo để chúng tôi nhanh chóng nắm bắt”.
Còn ông Trần Anh Tuấn-Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Gia Lai thì chia sẻ: “Hiệp hội không chỉ là tổ chức kết nối doanh nghiệp với chính quyền địa phương mà đã trở thành người bạn thân thiết, luôn đồng hành, lắng nghe và kịp thời chia sẻ trong mọi hoàn cảnh. Đó là lý do mà bất cứ doanh nghiệp nào vào Hiệp hội đều gắn bó tới cùng”.
Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã phát triển được 265 doanh nghiệp hội viên, nâng tổng số hội viên chính thức lên tới 560 người; 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định có kết nối với Hiệp hội qua hộp thư điện tử (email). Việc vận động phát triển hội viên gắn với xúc tiến các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
Tích cực tham gia xây dựng chính sách
Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận định: “Cùng với hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Hiệp hội tích cực phối hợp cùng với Sở đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Trong giai đoạn 2016-2020, Hiệp hội đã được mời tham gia ý kiến trên 160 văn bản pháp luật, bình quân mỗi năm 30-40 văn bản, riêng năm 2020 tham gia 48 văn bản. Cụ thể như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Lao động (sửa đổi), các bộ luật về thuế và nhiều văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành và của UBND tỉnh”. Đặc biệt, được Tỉnh ủy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) yêu cầu, Hiệp hội đã tham gia ý kiến vào các văn bản của Bộ Chính trị như: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 về phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội đã tham gia ý kiến 37 văn bản, trong đó có 1 luật, 2 nghị định, 1 thông tư và 33 văn bản của tỉnh.
Cùng với đó, Hiệp hội thường xuyên quan sát, nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp, dự báo tình hình để đề xuất, góp ý cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ trong triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính. Trong 2 năm (2019-2020), Hiệp hội được UBND tỉnh giao trực tiếp tổ chức khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương.
“Hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật chiếm khoảng 35% quỹ thời gian của Văn phòng Hiệp hội. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 và 2020, Hiệp hội được xếp thứ 2 toàn quốc tại nội dung “Hiệp hội Doanh nghiệp-vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách, quy định của tỉnh”. Đây chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Hiệp hội trong thời gian qua”-ông Nguyễn Tuấn cho biết thêm.
Chăm lo an sinh xã hội
Tham gia đóng góp an sinh xã hội cũng là hoạt động mang tính thường xuyên của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu, kinh doanh hiệu quả. Cùng với sự khuyến khích của Hiệp hội, các doanh nghiệp đã tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Hàng năm, các hội viên của Hiệp hội đóng góp cho công tác an sinh xã hội 50-70 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020, các doanh nghiệp đã đóng góp trên 100 tỷ đồng, trong đó, khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước góp 40,5 tỷ đồng, Tổng Công ty 15 góp 54 tỷ đồng, các doanh nghiệp khác khoảng 3 tỷ đồng.
“Ngoài ra, Hiệp hội vận động các doanh nghiệp hội viên đóng góp trên 1,2 tỷ đồng tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi nhân ngày khai giảng; xây nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo... Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Bảo trợ trẻ em 600 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội vận động các doanh nghiệp đóng góp 105.000 chiếc khẩu trang, trên 300 triệu đồng ủng hộ công tác phòng-chống dịch Covid-19 đợt 1; hỗ trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ trên 6,5 tỷ đồng vào Quỹ vắc xin và Quỹ hỗ trợ phòng-chống dịch Covid-19 đợt 2”-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin thêm.
|
Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi ủng hộ công tác phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Hà Duy |
Vừa qua, Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng 1.200 suất quà trị giá 500 triệu đồng giúp người dân TP. Pleiku gặp khó khăn do đại dịch. Một thành viên khác của Hiệp hội là Công ty TNHH Bệnh viện Bình An cho tỉnh mượn cơ sở để làm bệnh viện dã chiến tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng tích cực tham gia đóng góp tiền, hàng hóa phục vụ phòng-chống dịch.
Nhiệm kỳ 2016-2021 đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, với sự năng động, đổi mới, sáng tạo trong cách thức hoạt động, Hiệp hội đã đóng góp đáng kể trong công tác hoạch định chính sách của tỉnh, sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh của hội viên cũng như tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động xã hội, đóng góp nhân lực, vật lực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp.
HÀ DUY