Hbông vươn mình từ gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những trầy trật, gian nan rồi cũng qua. Cây mía giờ đã bám rễ vững chắc trên vùng đất sỏi Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Các tiêu chí khó như hộ nghèo, thu nhập được hoàn thành chỉ trong 1 năm, giúp địa phương này đạt chuẩn nông thôn mới một cách ngoạn mục.  
Hbông lâu nay nổi tiếng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Do vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, nơi này ngày càng trở nên trù phú.
Đất sỏi “nở hoa”
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xã, ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông phấn khởi khoe về thành tích chỉ trong 1 năm mà hoàn thành đến 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong số này có đến 3 tiêu chí khó. Cụ thể, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 8,9%, nhưng chưa hết năm 2021 con số này giảm chỉ còn 6,97% (tương đương 46 hộ nghèo). “Chuyện lạ có thật” này là kết quả của cả một quá trình bám sát thôn, làng để tuyên truyền, vận động. Chỉ đến khi thuyết phục được những hộ nghèo có đất tham gia chuỗi liên kết trồng mía, đời sống bà con mới dần được cải thiện, xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu. Trong số 48 hộ tham gia chuỗi liên kết trồng mía thì có đến 46 hộ thoát nghèo, trả được khoản nợ vay ngân hàng đầu tư trồng mì, bắp trước đó.
Chủ tịch UBND xã Hbông cho hay: Đi đôi với việc xóa hộ nghèo thì tiêu chí thu nhập cũng được nâng lên đáng kể. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân chỉ mới đạt ở mức 37,9 triệu đồng thì nay đã được nâng lên trên 42 triệu đồng/năm. Đó là nhờ người dân chủ động liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 1.000 lao động (chiếm trên 20% lao động của xã) hiện là công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định. “Thu nhập của nhiều hộ dân tộc thiểu số tại địa phương nhiều năm trở lại đây khá cao. Họ xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm phương tiện máy móc phục vụ sản xuất và đời sống gia đình”-ông Viên cho hay.
Người dân làng Kte (xã Hbông) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân làng Kte (xã Hbông) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhắc đến Hbông, hầu như ai cũng đều biết nơi đây từng là vùng đất khát. Chị Kpă H’Dăt (làng Ia Sa) cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng, nhưng vùng đất này có đào sâu mấy thì nước vẫn bị nhiễm vôi. Nhiều hộ không có điều kiện mua nước bình thì đành phải dùng nguồn nước này. Thế nhưng, hơn 3 năm trở lại đây, nhờ hệ thống nước sinh hoạt tập trung được dẫn về từng làng nên người dân đã thoát khỏi cảnh thiếu nước sạch. Từ khi hệ thống nước sinh hoạt tập trung được xây dựng, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Hiện 7 thôn, làng của xã đều được bố trí bể nước sinh hoạt tập trung, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. “Giờ thì không cần phải dậy sớm ra suối lấy nước nữa vì bồn nước sinh hoạt tập trung của làng đặt sát nhà. Được hỗ trợ tiền nước nên bà con rất phấn khởi, ai nấy cũng tự ý thức sử dụng nước tiết kiệm, chỉ lấy đủ để uống”-chị Kpă H’Dăt phấn khởi cho hay.
Gần 30 năm chứng kiến sự đổi thay từng ngày của địa phương, ông Bùi Ngọc Chữ cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà Hbông mới có được sự đổi thay như hôm nay. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, giao thông nông thôn dần hoàn thiện. Vùng đất sỏi trước đây ngay cả cây mì, cây bắp, đậu xanh cho đến cây bông vải cũng không giúp người dân cải thiện được đời sống thì nay là màu xanh bạt ngàn của mía, cây ăn quả hay những trang trại chăn nuôi gia súc lớn. Từ chỗ chắt chiu từng giọt nước, giờ người dân có nước sạch để dùng. Hbông bây giờ không còn là vùng đất khát nữa”.
Những “tỷ phú mía”
Để cuộc sống người dân trở nên khá giả như hôm nay là cả hành trình gian nan, trầy trật thử nghiệm với cây mía. Không phải bây giờ người dân Hbông mới trồng mía, nhưng đến giờ cây mía mới trở thành cây giảm nghèo chủ lực của xã. Cũng từ cây mía, anh Đinh Văn Tạ (làng Kte) hiện là tỷ phú ở vùng đất sỏi này. Vụ mía năm nay, anh có đến 40 ha đang thu hoạch, chỉ nhẩm tính đã có trong tay tiền tỷ. Vụ kế tiếp anh dự kiến trồng thêm 15 ha nữa.
Khi chúng tôi đến nhà, anh đang hỗ trợ những người thợ xây nhà kho để chứa phân bón. Hàng trăm bao phân bón trị giá hơn 1 tỷ đồng vừa nhập về đang được chất quanh nhà. Anh Tạ cho biết: Năm 2011, tôi rời Phú Thiện về xã Hbông khởi nghiệp với cây cao su, hồ tiêu trên diện tích 3 ha. Trong khi chờ cây lớn, tôi trồng mía với mục đích ban đầu là lấp đầy những khoảng đất trống. “Làm chơi, ăn thật”, vụ này, tôi  lãi gần 200 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, vụ kế tiếp tôi mở rộng ra 6 ha, mía được giá nên thu gần 500 triệu đồng. Trải qua nhiều thời điểm thăng trầm, giờ gia đình thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Người dân làng Kte, xã H'Bông cày đất chuẩn bị cho vụ mía mới. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân xã Hbông cày đất chuẩn bị cho vụ mía mới. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông: “Giá mía thu mua ổn định gần 1 triệu đồng/tấn. Vì thế chỉ cần vài ha là người dân bỏ túi cả trăm triệu đồng, trồng nhiều hơn thì thu về tiền tỷ. Nói về đất thì Hbông không thiếu, mỗi hộ ít nhất là 1 ha còn nhiều thì 50 đến 60 ha. Chính vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía. Đến nay, xã đã có khoảng 900 ha mía, dự kiến đến cuối năm nay sẽ phát triển trên 1.000 ha”.
Từ chỗ chặt mía thuê, vợ chồng anh Nay Vang (làng Ia Sa) đã có trong tay 8 ha mía. Trong số này có 5 ha đang thu hoạch, năng suất trên 100 tấn/ha. Với giá gần 1 triệu đồng/tấn, anh Vang lãi gần 300 triệu đồng. Năm sau, khoản thu nhập này tăng thêm khi 3 ha đang trồng sẽ cho thu hoạch. Anh Vang kể: “Năm 2016, tôi trồng 1,6 ha mía nhưng vì không biết cách chăm sóc nên năng suất rất thấp. Từ khi được nhà máy hỗ trợ kỹ thuật và được Nông hội trồng mía của xã “cầm tay chỉ việc” thì năng suất tăng đáng kể. Từ số tiền tích lũy, tôi mua đất và thuê thêm gần 4 ha để mở rộng sản xuất. Nhờ đó, từ hộ khó, gia đình tôi trở nên khá giả, trả được 50 triệu đồng khoản nợ vay ngân hàng đầu tư trồng mì, bắp bị lỗ trước đó.
Người dân xã Hbông thu hoạch mía. Ảnh: Minh Nguyễn
Mía hiện là cây giảm nghèo của xã Hbông. Ảnh: Minh Nguyễn
Để có thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ 20 ha mía, anh Bùi Văn Thơm (cùng làng) cũng đã từng đánh đổi những giọt mồ hôi mặn đắng. Thất bại ban đầu là do đất nhiều sỏi đá, luống cày không sâu nên đến mùa khô ruộng mía bị héo chết hoặc năng suất không cao. Không nản lòng, anh tiếp tục chuyển sang đào hố trồng cho đến khi thành công với việc dùng máy múc để tạo những rãnh trồng sâu hơn, cây mía bám rễ tốt tươi cho năng suất cao. Nhiều người thấy mô hình này hiệu quả nên đã học theo. “Cây mía cải thiện thu nhập đáng kể, trung bình mỗi ha, nông dân thu lãi 35-40 triệu đồng. Bà con dân tộc thiểu số ở địa phương cũng từng bước thoát nghèo”-anh Thơm chia sẻ. 
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Hbông khẳng định: Mía hiện là cây giảm nghèo của xã. Khi tham gia mô hình liên kết trồng mía, người dân không những được ứng kinh phí mua giống, cày đất, phân bón mà còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất bình quân đạt trên 100 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 150 tấn/ha.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.