Hãy cứu lấy Y Tuấn, H'Quyên!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chồng chết vì ung thư bỏ lại hai đứa con động kinh, thiểu năng trí tuệ, chị H’Elle phải xích con để đi làm kiếm sống.

Bữa cơm chỉ có bắp cải luộc chấm muối. ẢNH: QUANG VIÊN
Bữa cơm chỉ có bắp cải luộc chấm muối. ẢNH: QUANG VIÊN
Ngày chúng tôi gặp, người mẹ bất hạnh này còn cho biết con gái lớn mắc bệnh động kinh vừa bị xâm hại tình dục.
Trên hành trình khám phá Tây nguyên, tôi đến những nơi heo hút, sâu thẳm để gặp đồng bào người Tày, Nùng, M’nông, Ê đê... Nhưng, ngay giữa một thị xã của vùng đất bạt ngàn cà phê, tôi bàng hoàng lặng người khi nhìn thấy cậu bé có gương mặt rất đẹp mang bệnh động kinh bị xích trong nhà để mẹ đi làm thuê, và cô chị gái cũng mang chứng bệnh này lại thiểu năng trí tuệ cứ ú ớ diễn tả cảnh em bị xâm hại tình dục. Chuyện này thôi thúc tôi phải viết ngay.
Đứa trẻ bị xích và bữa cơm muối
Anh Hoài Nhân ở TX.Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk lấy xe máy chở tôi vào tận các bản làng heo hút xa hàng chục cây số rồi cuối cùng quay về thị xã. Người đàn ông chăm làm việc thiện nguyện này tiết lộ: “Ở ngay thị xã này cũng có hai cháu người đồng bào Ê đê sống trong tình cảnh rất đặc biệt”. Tôi hỏi: “Đặc biệt như thế nào?”, anh Nhân bảo: “Đến đó thì biết”.
Vào ngôi nhà tuềnh toàng trong buôn D Lung 1A, thuộc P.Thống Nhất, TX.Buôn Hồ, tôi sững sờ. Trên tấm nệm nhỏ xíu bốc mùi nước tiểu nồng nặc đặt cạnh cửa sổ, một cậu bé không mặc quần, có đôi mắt to đen nhánh với hàng mi cong và gương mặt rất đẹp bị cột chân bằng sợi dây xích sắt. Thấy người lạ, cậu bé hoảng loạn cào cấu, ú ớ hét không rõ lời. Ngồi cạnh cậu là người chị gái nước da đen nhẻm, cũng mắc bệnh động kinh lại thiểu năng trí tuệ.
Chúng tôi muốn trò chuyện nhưng cả hai cháu cứ ú ớ. Thỉnh thoảng cậu bé la hét, vùng vẫy, giật xích... “Thằng em là Y Tuấn (sinh năm 2010), cô chị là H’Quyên (2001). Cha mất vì bệnh ung thư. Hai cháu đều mắc bệnh động kinh nên mẹ phải xiềng thằng em lại để đi làm kiếm sống. Tội lắm!”, anh Hoài Nhân cho hay.

Chị H'Elle thường xuyên phải xích con để đi làm kiếm sống
Chị H'Elle thường xuyên phải xích con để đi làm kiếm sống
Khoảng giữa buổi chiều, những tia nắng chói chang vô tình cứ chiếu vào chỗ bé Y Tuấn ngồi. Cậu bé không thể di chuyển đi đâu để tránh nắng được vì sợi dây xích. Cũng có thể thằng bé đã quen với chuyện như vậy rồi. Nhưng nắng cũng được việc là giúp nước tiểu cậu bé tè trên nệm mau khô, đỡ mùi xú uế hơn.
Khi những tia nắng cuối ngày dịu xuống và tắt dần, chị H’Elle mẹ của Y Tuấn, H’Quyên cũng về. Thằng em mừng một cách rất đặc biệt. Nó gào lên, lắc lư đầu và cơ thể liên tục. Biết con đói, chị H’Elle liền xuống bếp lấy cơm. Tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn chén cơm của chị em H’Quyên. Chỉ có bắp cải luộc chấm muối ớt. “Bữa cơm của các cháu thiếu chất như thế này sao?”, tôi hỏi. Chị H’Elle nói: “Dạ, thường xuyên ăn như vậy chứ đâu có tiền mua thịt cá”.
Chị H’Elle kể, từ ngày anh Y Biêr K’ha chồng chị mất vì bệnh ung thư (năm 2017), chị phải để hai đứa con động kinh ở nhà để đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình. Y Tuấn tăng động mạnh nên buộc lòng phải xích lại. Nếu không xích, Y Tuấn sẽ đập hết đồ đạc trong nhà, giật tất cả các ổ điện, chạy lung tung rất nguy hiểm.
“Thương con mà chẳng biết làm sao. Ở nhà thì ba mẹ con chỉ biết ôm nhau chết đói. Cuộc đời mẹ con em quá khổ. Làm sao giúp em với”, chị H’Elle buồn rầu tâm sự. Trong đôi mắt sâu hun hút của người đàn bà bất hạnh, nghèo khổ này như dồn hết nỗi niềm u uẩn. Nó buồn diệu vợi, thảng thốt và chịu đựng.

Y Tuấn luôn có biểu hiện kích động
Y Tuấn luôn có biểu hiện kích động
Quả thật cuộc đời của người phụ nữ sinh năm 1974, dân tộc Tày này bất hạnh đến thế là cùng. Lấy chồng, H’Elle sinh 5 đứa con thì 3 đứa đã mất vì các lý do khác nhau (đứa động kinh, đứa chết lưu trong bụng, đứa mắc bệnh không xương). Còn Y Tuấn và H’Quyên đang sống lại mang bệnh động kinh ngày càng trầm trọng vì không có tiền chữa trị đến nơi đến chốn theo yêu cầu của bác sĩ.
Ngay cả chuyện kiếm miếng ăn để tồn tại cũng trở nên quá đỗi nhọc nhằn với chị H’Elle. “Ai kêu làm thuê gì cũng làm nhưng không phải ngày nào cũng có việc. Nhiều ngày không có việc làm thuê phải nhận sửa áo quần kiếm ngày 30.000 - 40.000 đồng để nuôi con”, người mẹ nghèo trải lòng.

H'Quyên diễn tả cảnh mà chị H'Elle đang nghi ngờ con gái bị xâm hại tình dục
H'Quyên diễn tả cảnh mà chị H'Elle đang nghi ngờ con gái bị xâm hại tình dục
Bé H’Quyên bị xâm hại tình dục ?
Ngay trong ngày chúng tôi đến, chị H’Elle thảng thốt vừa nói vừa khóc: “H’Quyên bị người hàng xóm xâm hại tình dục hôm qua”. Theo lời kể của chị, 5 giờ chiều ngày 2.4.2021 khi vừa đi làm về chị nghe đứa cháu gái H’Lysa (22 tuổi) con chị ruột H’Sơmít báo lại có ông hàng xóm người Ê đê tên là Y.T đã sàm sỡ H’Quyên khi em qua bên nhà chị H’Sơmít chơi.
Ngay sau đó, chị đã nhờ thầy giáo Nguyễn Phỉ Đính - Phó trưởng phòng Giáo dục TX.Buôn Hồ - cùng chị đưa bé đi kiểm tra tại trạm xá P.Thống Nhất. Tuy nhiên, bác sĩ K.L trưởng trạm y tế nói tại đây không có thiết bị khám nên yêu cầu đưa bé về khám tại nhà riêng của bác sĩ này. Sau đó thì bác sĩ kết luận là cháu không có màng trinh. Khi chúng tôi nhờ chị H’Elle hỏi chuyện H’Quyên thì em lấy tay chỉ vào các vùng ngực, vùng háng, vùng mông vừa ú ớ nói gì không rõ nhưng trông gương mặt rất lo lắng, hoảng sợ.
Liên hệ với thầy Nguyễn Phỉ Đính, ông cho biết: Hôm đấy tầm 16 - 17 giờ tôi có nghe chị H’Elle gọi điện báo sự việc, nhờ tôi giúp đỡ. Tôi bảo, trước tiên trình báo sự việc cho công an, chính quyền địa phương; đồng thời tôi có gọi cho giáo viên ở gần đó nhờ công an can thiệp. Sau đó, tôi chạy xuống nhà thấy hai công an phường đang làm việc, nắm thông tin.
Tiếp đến tôi chở công an, mẹ bé Quyên và người làm chứng về trụ sở công an phường lấy lời khai. Một lát sau, công an bảo chở cháu Quyên lên trạm y tế khám sơ bộ. Khi đến trạm, không gặp trưởng trạm, chỉ có nhân viên trực. Một lát sau bác sĩ L. trưởng trạm đến và bảo ở đây không có thiết bị nên chở cháu Quyên về nhà khám (có mẹ và giáo viên đi cùng)... Ngày hôm sau tôi gọi lại cho chị H’Elle thì được biết hôm ấy làm việc đến quá 12 giờ đêm, và trước khi về nhà công an có dặn không tắm rửa cho cháu để ngày mai giám định. Tôi chỉ biết thông tin đến đấy thôi.
Trong buổi chiều 3.4.2021, chúng tôi đã đến Công an P.Thống Nhất, TX.Buôn Hồ để tìm hiểu sự việc liên quan đến bé H’Quyên bị nghi ngờ xâm hại tình dục, nhưng Công an P.Thống Nhất cho biết hồ sơ vụ việc đã chuyển lên Công an TX.Buôn Hồ. Cũng trong buổi chiều 2.4.2021, chúng tôi đến Công an TX.Buôn Hồ để nắm thông tin thì trực ban nói lãnh đạo đi vắng nên không có thẩm quyền cung cấp thông tin. Ngày 21.4.2021, chúng tôi liên lạc lại với thượng tá Trần Văn Thịnh, Phó trưởng công an TX.Buôn Hồ. Ông Thịnh cho biết: “Vụ việc về bé H’Quyên đang xác minh, điều tra, khi nào có kết luận chúng tôi sẽ thông tin cho báo”.
Chia sẻ của Y Muel - buôn trưởng D Lung 1A
Ở đây ai cũng biết gia đình của H’Elle nghèo khổ, khó khăn dữ lắm. Chồng chết, một mình chị H’Elle nuôi con mà đứa nào cũng khuyết tật, nó có nên người giúp đỡ được mẹ đâu. Người mẹ này phải bỏ con bệnh tật ở nhà đi làm kiếm tiền sinh sống chứ hiện nay địa phương cũng không giúp được gì cho chị H’Elle, chỉ cho hộ đó là hộ cận nghèo thôi.
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.