TRƯỜNG SA! TIẾNG GỌI THẲM SÂU NƠI LÒNG BIỂN - BÀI 3:

Hậu trường bếp núc trên tàu Kiểm ngư 491

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lênh đênh suốt một tuần trên biển, vượt qua cả ngàn hải lý, tàu Kiểm Ngư 491 trở thành ngôi nhà của chúng tôi. Hôm qua còn xa lạ nay đã thấy thân gần. Mỗi sớm mai hay khi chiều buông, gặp ai trên boong tàu đều đọng lại những nụ cười.

Có nhiều cảm xúc khi ra Trường Sa lắm, có những bữa ăn đêm muốn kéo dài mãi. Có bữa tiệc chạy mưa ướt hết áo quần…

Tàu Kiểm ngư KN-491 rời đất liền ra Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tàu Kiểm ngư KN-491 rời đất liền ra Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Cơm giữa đại dương

Vì tò mò nghề nghiệp, tôi hay lẩn thẩn đến mọi ngóc ngách trên tàu Kiểm ngư 491 từ buồng lái, khu vực boong tàu khu bếp... Chiều hôm ấy, anh em tổ phục vụ đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Bếp trưởng Trần Đức Hưng (sinh năm 1981) tay thoăn thoắt xào, nấu các món theo thực đơn. Hưng là nhân viên báo vụ nhưng lại có nhiều năm kinh nghiệm nấu ăn. Cứ có lệnh là anh lên tàu nhận nhiệm vụ bếp trưởng. Cạnh Hưng, một “anh nuôi” đang rang chảo lạc thơm lừng! Mấy ngày trên tàu tôi chẳng thèm gì, bỗng đâu mùi lạc rang khiến lòng cồn cào, nhớ những bữa cơm trưa trên đất liền luôn có bát lạc rang ngâm mắm!

Thiếu tá Trần Trung Trường, Trưởng Ban Quân nhu Chi đội Kiểm ngư số 4 - Tổ trưởng tổ phục vụ được giao đảm bảo hậu cần cho chuyến hải trình. Tất cả 17 thành viên trong tổ do anh lựa chọn đều là cán bộ quân nhân chuyên nghiệp, nhiều người chưa có vợ, đều nhiệt tình, yêu “nghề” nấu ăn! Vào tổ này phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực, nên dù đứng bếp, nhặt rau, rửa bát, bê mâm, đều phải do các chàng trai đảm nhiệm.

Khách đi tàu ra Trường Sa, nhà giàn DK1 được phục vụ 4 bữa/ngày, thực đơn ít khi trùng lặp, ngoài ra có món riêng cho người say sóng, có sữa tươi, trái cây, mỳ tôm để dùng khi cần.

Với khoảng 250 suất ăn mỗi bữa trong suốt chuyến đi, lượng thực phẩm cần đảm bảo không hề nhỏ.

Bếp trưởng Trần Đức Hưng (bìa trái) và tổ phục vụ đang nấu ăn. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Bếp trưởng Trần Đức Hưng (bìa trái) và tổ phục vụ đang nấu ăn. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Mỗi ngày, tổ trưởng, bếp trưởng, bếp phó thức dậy từ 3 giờ sáng để trù tính, xuất kho các loại thực phẩm. Nghe thì đơn giản, nhưng ngày nào các anh phải vào kho lạnh mấy lần. Đang ở ngoài 37, 38 độ vào kho lạnh âm 15, 16 độ rồi lại chạy ra, cơ thể không kịp thích nghi. Mấy ngày đầu giọng nói của Trường còn trong, đến cuối hải trình thì đã rè đi vì viêm họng! Đúng 4 giờ sáng tổ bếp “nổi lửa” để kịp có bữa sáng vào lúc 5 giờ 30. Ngay sau đó, các anh lại khẩn trương chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều. Vừa nấu vừa bưng bê kê dọn nên anh em ít khi được nghỉ ngơi thoải mái. Buổi tối lại càng vất vả vì bữa ăn đêm khách hay ngồi lại giao lưu, có khi đến 1 giờ khuya. Bàn này xin thêm bát cháo, chỗ kia nhờ nướng con mực, thêm đồ uống, mấy quả ớt, âu trà đá… Vất vả thế nhưng anh em luôn làm hết mình, đáp ứng mọi nhu cầu của khách, thậm chí hơi quá đà, “đòi hỏi” cả những món không có trong thực đơn!

Ở trên tàu mấy ngày, thú thực không hiểu sao tôi quên hết mọi khái niệm về ngày tháng. Nhu cầu cũng khác trong đất liền. Tôi chỉ thèm đúng có hai thứ: Đó là lạc rang và trà đá! Hôm ấy tôi được anh em pha cho một âu trà đá mát lạnh, uống liền một mạch thật đã! Có những thứ khi ở trên bờ bình thường, nhưng trên tàu ra Trường Sa, bỗng trở nên rất lạ. Người ta dễ bỏ qua cả những gì chưa vừa ý, để chờ đón những điều lung linh và đẹp đẽ hơn!

Trường cho hay: Anh em tổ phục vụ hoàn toàn không qua đào tạo nghiệp vụ nấu ăn, vì nhiệm vụ và tâm huyết nên sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn. Các anh đã góp phần để người ra đảo dù ở vị trí, cương vị nào cũng đều cảm thấy hài lòng với những bữa cơm trên tàu, có sức khỏe để hoàn thành tốt đẹp chuyến hải trình đầy ý nghĩa.

Chuyện gì lần đầu cũng khiến người ta nhớ. Với tôi bữa cơm đầu tiên trên tàu KN491 giữa trùng khơi sẽ là một kỷ niệm. Lúc mới lên tàu tôi và nhiều đại biểu còn nôn nao say sóng, nhưng bảo nhau ăn nhiều hơn để có sức khỏe và không phụ công người nấu.

Chiều hôm ấy, tôi và Tổng biên tập Báo Quân Khu Hai Đào Đức Hanh đến thăm hỏi, chuyện trò với anh em tổ bếp. Vào bếp mới cảm nhận được cái nóng, mùi thức ăn, những giọt mồ hôi và sự vất vả. Anh em chia sẻ: “Chúng em mong được gặp các anh, các chị, các em yêu mến chiến sĩ, yêu nghề nấu nướng, nếu có thời gian rảnh rỗi thì xuống hỗ trợ, chia sẻ với chiến sĩ tổ phục vụ trên Tàu kiểm ngư 491!...”.

Chị Lệ Hoa, cảm động chia sẻ nỗi vất vả của với Tổ trưởng phục vụ Trần Trung Trường (bìa trái) và Tổng biên tập báo QK2 Đào Đức Hanh

Chị Lệ Hoa, cảm động chia sẻ nỗi vất vả của với Tổ trưởng phục vụ Trần Trung Trường (bìa trái) và Tổng biên tập báo QK2 Đào Đức Hanh

Mưa vàng

Trường Sa đang vào cuối mùa khô. Nhưng thời tiết Trường Sa thật kỳ lạ. Khi chiều xuống, có những đám mây đùn lên, trời sầm xịt tưởng mưa sẽ trút xuống, nhưng rồi lại tan ra, bầu trời trong xanh như cũ. Những ngày lênh đênh trên sóng đại dương, tôi đã quen với những đám mây kỳ thú, lúc đen sẫm, khi vàng đỏ mỗi hoàng hôn, có lúc mây trắng muốt như cục bông giữa nền trời xanh thẳm. Mấy cô gái trẻ trong đoàn thường lên boong tàu chụp ảnh, ngắm hoàng hôn trên biển. Tôi thích những cơn gió biển mặn mòi mát lạnh về đêm.

Vụ “thâm nhập” nhà bếp được tôi và Đại tá Hanh ghi nhanh phát ở bản tin 22 giờ trên tàu. Không biết có phải vì nghe được bài viết ấy không mà hôm sau rất nhiều chị em xuống bếp, trong đó có chị Vân Anh - Phó Tổng biên tập báo Nam Định, NSND Hồng Phong - Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và rất nhiều ca sỹ, diễn viên giúp nhặt rau, dọn dẹp, hỗ trợ tổ phục vụ trong suốt hải trình.

Tối hôm ấy, cả tàu được mời ăn tiệc ngoài trời (trên sân trực thăng). Khi cỗ bàn nấu xong, chuẩn bị bày ra thì cơn mưa ập đến. Mưa ngoài dự tính khiến cho bữa tiệc phải lùi lại cả giờ đồng hồ mà vẫn chưa dứt. Lúc sau, tôi thấy Trường quần áo ướt sũng thông báo: Phải thay đổi phương án! Thế là cả tàu xúm lại, hỗ trợ tổ phục vụ chuyển bàn ghế, chuyển đồ ăn về các phòng ăn như mọi ngày. Trong lúc “chạy” mưa, có chiến sỹ bị té trượt cầu thang từ tầng trên xuống, may không việc gì. Tuy phải chờ đợi, không được dự tiệc ngoài trời nhưng mọi người đều cảm thấy thật ấm áp, vui vẻ.

Cuối ngày hôm ấy, nhiều thành viên đã đến chia sẻ, động viên anh em tổ phục vụ. Nhớ lại hình ảnh các chiến sỹ vất vả ban chiều, chị Lệ Hoa (Bộ LĐTB&XH) xúc động rơi nước mắt, chị nói “thương anh em quá!”.

Tôi hỏi Thiếu tá Trần Trung Trường: Suốt cả buổi chiều nấu nướng phục vụ tàu, vì cơn mưa bất chợt mà phải dọn ra dọn vào, các anh có thấy vất vả không? Câu trả lời của Trường khiến tôi ngỡ ngàng: “Vất vả nhưng chúng em lại rất vui anh ạ!”.

Trường bảo, anh em vui vì được đón cơn mưa đầu tiên - mưa vàng ở Trường Sa. “Mưa như thế đảo mới đỡ khát, bộ đội mới có thêm nước để tắm rửa, sinh hoạt. Mưa càng to chúng em lại càng thấy vui!” - Trường nói với chúng tôi.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Để hỗ trợ, tiếp sức lực lượng thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn, những ngày qua tuổi trẻ Nghệ An đã chung sức, chung lòng đồng hành với đội ngũ thi công. Dù nắng, dù mưa, màu áo xanh tình nguyện vẫn có mặt tại các công trường để hỗ trợ, góp phần đưa dự án đường điện quốc gia sớm về đích.
Rủi may nghề xoi trầm

Rủi may nghề xoi trầm

“Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trăm năm xe nước bên sông

Trăm năm xe nước bên sông

Gần 50 năm vắng xa, bây giờ bờ xe nước - cỗ máy bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng sông một thời ngày đêm quay đều mang nước tưới cho ruộng đồng xanh tốt, vẫn có một người ngày đêm dựng tạo lại, để một“kỳ quan đồng ruộng” không biến mất.
Nón ngựa miền di sản

Nón ngựa miền di sản

Mấy trăm năm thịnh suy, những đôi tay gầy guộc của người làng đã cần mẫn tạo nên một di sản. Một di sản bằng sự giữ gìn truyền thống và sáng tạo, mang nét cũ xưa và cả hơi thở hiện đại của thời cuộc vào trong chiếc nón mỏng manh, nhẹ nhàng ấy.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

“Đến giờ tôi vẫn tự hào mình là người ngành điện, để được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ nguồn điện trên khắp chiều dài đất nước. Cái duyên với đường dây 500kV và những kỷ niệm về nó sẽ theo tôi suốt đời”, ông Trần Khương Tâm - cán bộ Điện lực Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc, dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu. Trung tâm công tác của ta là đó. Trung tâm tư tưởng cụ thể của ta là đó.