Hậu phương người lính đảo - Kỳ 2: Gia đình lớn ở khu căn cứ quân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, năm 2012, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã đầu tư xây dựng Khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh với hệ thống hạ tầng khang trang, hiện đại. Những cư dân ở đây vẫn gọi đó là khu đô thị xanh và yên tĩnh bậc nhất Việt Nam, bởi tính chất đặc biệt của một vùng hậu phương. 

“Lớp học cuối tuần” của cô giáo Thu Huyền.
“Lớp học cuối tuần” của cô giáo Thu Huyền.
Chia ngọt sẻ bùi
Trước đây, nhiều quân nhân công tác tại căn cứ quân sự Cam Ranh phải đi thuê trọ, tuy nhiên do giá thuê nhà trên địa bàn đắt đỏ, không gian chật hẹp, thời tiết nắng nóng nên cuộc sống càng thêm vất vả. Hậu phương vất vả, tiền tuyến cũng khó an lòng. Khu đô thị tại căn cứ quân sự Cam Ranh với hơn 900 căn hộ công vụ đã giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho gia đình các cán bộ, chiến sĩ. Mỗi căn hộ đều được xây dựng rộng rãi, thoáng mát, có từ hai đến ba phòng ngủ, phòng khách, ban-công, nơi phơi đồ, nhà vệ sinh cùng các thiết bị tiện nghi bảo đảm tốt cho cuộc sống gia đình của các quân nhân. Có một nơi an cư an toàn, thuận tiện,  gia đình các quân nhân đang làm nhiệm vụ trong căn cứ quân sự Cam Ranh và huyện đảo Trường Sa cũng yên tâm hơn, vững lòng là hậu phương cho những người lính đảo yên tâm vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió để giữ biển, bám đảo.
Khi nắng chiều dần nhạt nhường chỗ cho không gian dịu mát cũng là lúc các sân chơi trong khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh rộn ràng tiếng nói cười. Trên bãi cỏ nhân tạo, từng nhóm trẻ đùa giỡn, chạy nhảy; sân bóng đá, bóng chuyền vang tiếng hò reo; dưới hàng cây xanh mát, nhiều gia đình cùng nhau tản bộ, thi thoảng có một nhóm trẻ đạp xe vui vẻ chạy qua… Tất cả những hình ảnh, âm thanh đó tạo nên một không gian thanh bình, hạnh phúc. Đặc biệt, các cháu nhỏ được học tập ngay trong khu đô thị với trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở. Những cô giáo nơi đây cũng chính là những người vợ lính, giúp các gia đình quân nhân thêm an tâm khi gửi gắm con em mình. Vì đồng cảnh ngộ, họ gần gũi coi nhau như chị em ruột thịt, còn trường học được những đứa trẻ coi là gia đình.
Đã từ lâu, những ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật, căn nhà nhỏ của cô giáo Trần Thị Thu Huyền (giáo viên Trường mầm non căn cứ Cam Ranh) lại trở thành lớp học cho các bạn nhỏ trong khu chung cư. Chồng cô giáo Huyền hiện đang công tác ngoài đảo nên mọi tình cảm cô đem ra san đều cho bầy trẻ nhỏ và đó cũng là cách sẻ chia với các chị em chung quanh. “Khu đô thị này giống như một đại gia đình lớn vậy! Vừa làm mẹ, vừa làm cha nên chị em chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng chăm lo, dạy dỗ con thật tốt để chồng yên tâm công tác. Có chị có em, có cơ quan đoàn thể và anh em đồng đội luôn sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ nên những khó khăn, vất vả khi chồng vắng nhà rồi cũng qua”, chị Trần Thị Thu Huyền chia sẻ.
Không chỉ có cô giáo Huyền biến nhà thành lớp học, dành tình yêu thương của mình để dạy học miễn phí cho đám trẻ mà sự giúp đỡ lẫn nhau hiển diện ở mọi nơi, với bất cứ ai như những người thân trong gia đình. Nhận công tác tại Vùng 4 Hải quân từ năm 2015, đến năm 2017, Thượng úy Phạm Văn Diệm, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 453, Trung tâm huấn luyện được lãnh đạo vùng tạo điều kiện đưa vợ con vào sinh sống trong khu đô thị. Đơn vị công tác cách nhà chưa đến 10 km nên cuối tuần có thời gian rảnh, anh đều tranh thủ về giúp đỡ vợ con và các gia đình chung quanh. 
“Các quân nhân đến từ rất nhiều vùng miền với những đặc thù sinh hoạt khác nhau nhưng chung sống về đây đã trở thành người một nhà, đùm bọc, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Phần lớn thời gian chúng tôi xa nhà nên những lúc đêm hôm vợ con ốm sốt đều phải cậy nhờ hàng xóm hỗ trợ chăm sóc, đưa đi viện. Còn những công việc của nam giới như sửa điện nước các chị em không làm được thì cuối tuần về chúng tôi sẽ giúp đỡ… Cứ như vậy, các gia đình ở đây san sẻ với nhau mọi việc để vượt qua khó khăn”, Thượng úy Phạm Văn Diệm kể.

 Một góc khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh.
Một góc khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh.
Củng cố vùng hậu phương
Ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141 thành lập Vùng 4 Duyên hải (nay là Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Với nhiệm vụ chính trị xây dựng vùng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, suốt 46 năm qua, những người lính Vùng 4 Hải quân đã anh dũng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ vùng biển đảo mà trọng điểm là bảo vệ, giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa, vùng biển, thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển và đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nên cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ít có điều kiện được sống gần gia đình. Hiểu và chia sẻ với những tâm tư, trăn trở của chiến sĩ về hậu phương nơi quê nhà, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có nhiều chính sách để an lòng quân mà khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh là một trong số đó. 
Đại tá Lã Văn Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Trong những năm qua gắn với nhiệm vụ chính trị, chính sách hậu phương quân đội đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vùng đề cao thực hiện một cách có hiệu quả. Ngoài khu đô thị đã đưa vào sử dụng, thời gian tới, chúng tôi đang đề xuất sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 300 căn hộ nữa để đáp ứng nhu cầu cho các đồng chí còn khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội để tạo điều kiện ổn định chỗ ở, việc làm cho gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Kịp thời động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, như: quân nhân và thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm muộn, gia đình quân nhân vùng thiên tai... Những việc làm thiết thực và tình cảm đó đã góp phần chia sẻ khó khăn, tạo động lực tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ gắn bó với đơn vị, yên tâm công tác, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xác định công tác hậu phương quân đội là một nòng cốt trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với bộ đội Trường Sa, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 - đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển, đảo thuộc quần đảo Trường Sa chia sẻ: Việc khánh thành, đưa vào sử dụng khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh đã giúp giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các sĩ quan trẻ mới lập gia đình. Đây cũng là lực lượng nòng cốt đang chiến đấu, xây dựng và bảo vệ các đảo hiện nay. Ngoài vấn đề nhà ở, đơn vị còn tìm kiếm các nguồn học bổng, kết nối với các nhà hảo tâm giúp đỡ con em bộ đội Trường Sa có điều kiện học tập, phát triển toàn diện hơn. Hiện, chúng tôi đang nhân rộng phong trào mỗi tháng tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để kịp thời động viên, thăm hỏi và giúp đỡ gia đình đồng đội, chiến sĩ vào những dịp hiếu, hỷ, lễ, Tết hay khi gặp khó khăn đột xuất.
“Trong trái tim mỗi người lính, khi đến Trường Sa đều xác định hy sinh và cống hiến. Nhưng khi ở đất liền luôn có đồng đội như anh em thay mặt chăm lo cho gia đình cũng là nghĩa cử cao đẹp của người quân nhân cách mạng vì đồng đội và gia đình đồng đội”, Thượng tá Lương Xuân Giáp cho biết.
Theo Thái Linh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.