Hành trình trở thành thầy giáo của cậu bé Mông 12 tuổi bị bắt cưới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mới học đến lớp 6, cậu bé người Mông ở bản Tà Cóm Sùng A Chai đã bị bố mẹ bắt cưới vợ. Hơn 10 năm sau, Sùng A Chai đã là thầy giáo dạy chữ cho chính các em nhỏ ở bản Tà Cóm.

Mong rằng đôi chân của thầy giáo Sùng A Chai sẽ mãi vững chãi để nâng bước những đứa trẻ ở Tà Cóm thoát khỏi đói nghèo, ma túy
Mong rằng đôi chân của thầy giáo Sùng A Chai sẽ mãi vững chãi để nâng bước những đứa trẻ ở Tà Cóm thoát khỏi đói nghèo, ma túy
Mới học đến lớp 6, Sùng A Chai đã bị bố mẹ bắt cưới vợ, nhưng không vì gánh nặng gia đình mà cậu bé người Mông ở bản Tà Cóm (xã Trung Lý, H.Mường Lát, Thanh Hóa) từ bỏ con chữ. Hơn 10 năm sau, Sùng A Chai đã là thầy giáo dạy chữ cho chính các em nhỏ ở bản Tà Cóm.
Sự học của Sùng A Chai là cả một hành trình đầy nỗ lực mà không phải ai cũng đi được đến đích. Đôi lần con chữ bị đứt gãy, nhưng rồi Chai biết chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ ở Tà Cóm - bản người Mông xa xôi và khó khăn nhất nhì tỉnh Thanh Hóa.
Vác gạo đi bộ 50 km để học chữ
Bản Tà Cóm hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những người Mông ở tỉnh Sơn La di cư vào khu vực hẻo lánh, chênh vênh trên những sườn núi của xã Trung Lý dựng nhà sinh sống. Từ vài hộ dân ban đầu, đến nay, sau hơn 30 năm, bản Tà Cóm đã có hơn 100 hộ, đều là đồng bào người Mông.
Tà Cóm cũng là bản đặc biệt nhất ở miền tây biên giới của Thanh Hóa, vì từ bản đến trung tâm hành chính (UBND xã) là con đường dài tận 50 km, đất đá lởm chởm, vặn qua nhiều sườn núi, con suối.
Mất gần 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy từ trung tâm xã Trung Lý mới đến được Tà Cóm. Điểm Trường tiểu học Trung Lý 2 đặt ở bản Tà Cóm là khu nhà 3 phòng học nằm chênh vênh trên đỉnh núi, biệt lập với khu dân cư, nơi 84 học sinh Tà Cóm học chữ.
Thầy Sùng A Chai là một trong 5 thầy cô giáo được phân công dạy ở Tà Cóm, cũng là người bản địa duy nhất ở đây làm thầy giáo. Dáng người nhỏ thó nhưng trông rất già dặn khiến ít ai nghĩ rằng thầy Sùng A Chai năm nay mới 26 tuổi đời. Có lẽ con đường đến với cái chữ quá dài, vì khi mới 12 tuổi đã có vợ, nên thanh xuân của thầy Chai không được như người khác.
“Bố mẹ đẻ được 6 anh em, mình là con đầu. Ở đây, núi đá hoang sơ, không có ruộng, công việc làm thuê cũng không có nên nghèo mãi từ xưa đến giờ. Học hết tiểu học ở trong bản, mình phải ra Táo (bản Táo, trung tâm xã Trung Lý) học cấp 2. Bố mẹ có biết đường ra Táo đâu, mình cùng mấy đứa bạn tự rủ nhau đi, rồi rủ nhau dựng lán ở cạnh trường để học. Mà từ nhà ra Táo những 50 km, ngày đó phải đi bộ mất nửa ngày mới tới trường. Thế mà cứ mỗi tuần mình lại về nhà lấy gạo, rồi bố mẹ cho thêm 20.000 đồng ra để mua muối, cá khô ăn”, thầy Chai kể.

Một góc bản Tà Cóm
Một góc bản Tà Cóm
Lấy vợ từ năm lớp 6
Không chỉ nhà Chai nghèo khó, mà cả bản Tà Cóm hầu hết đều là hộ nghèo. Người dân ở đây chủ yếu vào rừng kiếm nguồn sống, chỉ có dăm hộ trong bản vỡ được ít ruộng cạnh các con suối để trồng lúa. Cho đến nay, ở Tà Cóm vẫn chưa có điện lưới, không có sóng điện thoại, không chợ… Đã thế, Tà Cóm còn là “điểm đen” về tệ nạn ma túy. Có thời điểm, trong bản có đến hàng chục hộ gia đình có người nghiện, nên những thanh niên trai tráng trưởng thành mà không bị “nàng tiên nâu” cám dỗ đã là phúc nhà lớn rồi.
Không bị “nàng tiên nâu” cám dỗ, mở lối đi tìm con chữ để thoát khỏi nghèo khó, túng quẫn ở Tà Cóm, con đường đó không hề bằng phẳng với Sùng A Chai. Mới bước sang kỳ 2 của năm học lớp 6, bố mẹ đã cưới vợ cho Chai. Vợ kém Chai 1 tuổi, là một cô gái người Mông ở tận xã Hua Nhàn của huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La).
“Đang đi học thì bố mẹ gọi về cưới vợ. Khi đó mới có 12 tuổi thôi, chưa hiểu lấy vợ là gì. Hồi đó bố mẹ mất 5 triệu đồng để cưới vợ cho tôi. Tôi theo bố mẹ đến Hua Nhàn lấy vợ. Lấy vợ xong, tôi bỏ học luôn vì bố mẹ bảo phải lên rừng, làm rẫy để nuôi vợ nuôi con. Bỏ học hết kỳ 2 năm lớp 6 thì tôi thấy nhớ trường, nhớ bạn, với lại nếu không học thì không thay đổi được cuộc đời, ma túy, nghèo khó sẽ đeo bám mãi ở Tà Cóm thôi. Thế là tôi lại vác gạo, đi bộ 50 km đến trường học tiếp, may được nhà trường tiếp tục cho học”, Sùng A Chai kể.

Thầy giáo Sùng A Chai dạy học cho học sinh lớp 2 ở bản Tà Cóm. ẢNH: MINH HẢI
Thầy giáo Sùng A Chai dạy học cho học sinh lớp 2 ở bản Tà Cóm. ẢNH: MINH HẢI
Khi Chai quay lại với con chữ, thì vợ Chai đã trở thành điểm tựa để anh tiếp tục hành trình bước ra thế giới bên ngoài. Vợ Chai là Hặng Thị Giang đã trở về quê mẹ (ở xã Hua Nhàn) đi trồng ngô thuê trên nương, rẫy lấy tiền gửi về cho chồng đi học. Đằng đẵng từ cấp 2 đến cấp 3 rồi xong đại học, phần lớn chi phí Chai đi học từ tiền của người vợ đi làm thuê. Cũng nhường ấy thời gian, vợ chồng Chai sinh đến 4 người con. Đứa lớn nay đang học lớp 6 ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, ngôi trường ngày trước Chai theo học; đứa nhỏ năm nay mới sang 4 tuổi.
Trở về bản dạy chữ cho trẻ
Thầy giáo Sùng A Chai cho biết suốt hơn 10 năm (từ lớp 6 đến hết 4 năm đại học) vợ nuôi cho đi học. Vợ thầy Chai khi đó cũng hay than phiền không biết học rồi có làm được gì không, hay lại quay về Tà Cóm sống cuộc sống nghèo khổ, bần cùng không lối thoát... Giờ thì vợ thầy Chai đã tin chồng. Thầy Chai không lựa chọn rời xa nơi mình sinh ra, mà quay về Tà Cóm, và đã trở thành thầy giáo dạy chữ để thực hiện mong ước mở lối cho những đứa trẻ của bản, chỉ đến với con chữ mới thoát nghèo được.

Vợ chồng thầy giáo Sùng A Chai hạnh phúc bên con gái sau những năm tháng vất vả
Vợ chồng thầy giáo Sùng A Chai hạnh phúc bên con gái sau những năm tháng vất vả
“Từ cuộc đời mình mà nghĩ ra thôi. Ở Tà Cóm nếu không đi học thì không thoát được nghèo đâu. Tôi thường nói với bọn trẻ, hãy nhìn vào cuộc đời tôi đã đi qua, đừng lấy vợ quá sớm như tôi, đừng rời xa trường lớp. Có chăng chỉ nhìn vào sự nỗ lực của tôi, dù khó khăn vẫn không từ bỏ con chữ”, thầy Sùng A Chai nói.
Trưởng bản Tà Cóm Thào A Thái khi nói về Sùng A Chai đã luôn nhắc về nỗ lực vượt khó. “Chai nó giỏi đấy, nó là một trong 4 người đầu tiên của Tà Cóm cho đến nay học hết đại học. Nhưng Chai là người duy nhất mang con chữ về bản. Bản còn nghèo lắm, có 104 hộ thì có tới 95 hộ nghèo. Ở nơi đã khó khăn về kinh tế, lại là điểm đen ma túy nữa, nên người như Chai chỉ có một từ khi lập bản đến nay”, Trưởng bản Thào A Thái nói.
Cuộc sống vợ chồng thầy giáo Sùng A Chai nay đã khấm khá, thuộc tốp đầu của bản. Ngoài khoản tiền lương giáo viên (thầy Sùng A Chai đã là viên chức ngành giáo dục H.Mường Lát từ năm 2020) hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng thầy Chai còn tích góp, mua được 7 con bò để nuôi. Vợ thầy Chai hằng ngày chăm sóc con cái và lo hết việc nhà để anh tiếp tục thực hiện ước nguyện mang ánh sáng về bản, đẩy lùi đói nghèo đã đeo bám Tà Cóm bao năm qua.
Hành trình đến trường và những lần vượt qua khó khăn của thầy giáo Sùng A Chai xứng đáng là tấm gương sáng ở nơi nghèo khó nhất nhì miền tây xứ Thanh. Hy vọng rằng đôi chân của thầy giáo Sùng A Chai sẽ vững chãi để nâng bước thế hệ trẻ ở Tà Cóm bước ra khỏi nghèo khó, vượt qua mối nguy ma túy luôn rình rập bản người Mông này.
Theo Minh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...
Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.
Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.