Hành trình niềm tin của cô và trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một lần đi để hiểu, con đường đến điểm trường vùng cao của các cô giáo dù rất đẹp - núi non trùng điệp và mây bay vờn đỉnh núi như bức tranh sơn thủy hữu tình - nhưng hành trình đến được nơi dạy các học trò nhỏ thực sự là một hành trình đầy vất vả.

Thiếu thốn “là chuyện thường ngày”

Điểm trường vùng cao thôn Là Lũng, xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang ở nơi lưng chừng núi. Dịp hè vừa qua, Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã phải trải qua nhiều thiệt hại mất mát do thiên tai, lũ lụt khiến các trường học cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Là một thành viên đoàn thiện nguyện LuckyHouse - nhóm thiện nguyện 3 năm qua đã quyên góp sách vở, chăn màn, quần áo ấm cho các em học sinh Lao Và Chải - dịp đầu năm học mới này, tôi quay trở lại đây để cùng các tấm lòng thiện nguyện quyên góp xây lại phòng học cho học sinh, phòng lưu trú cho giáo viên và tặng các em học sinh áo ấm, ủng và sách vở cho năm học mới.


 

 Đoàn thiện nguyện vượt qua những đoạn bùn lầy, dốc cao đến điểm trường
Đoàn thiện nguyện vượt qua những đoạn bùn lầy, dốc cao đến điểm trường


Điểm trường vùng cao thôn Là Lũng cách trung tâm xã khoảng 6km đường bộ. Thôn nằm trên sườn đồi cao, đường sá đi lại khó khăn, nhất là sau đợt mưa lũ quét vừa qua, nhiều đoạn đường bị chia cắt. Toàn thôn có 103 hộ với khoảng 500 nhân khẩu; hộ nghèo chiếm khoảng 60%; điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, cây lương thực chính là ngô và đậu tương; nguồn lương thực thực phẩm chủ yếu tự cung, tự cấp.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải, người thường xuyên liên lạc với chúng tôi để cùng vận động quyên góp ủng hộ các em học sinh của mình, cho biết: “Dù được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhưng với hàng trăm học sinh vùng cao khó khăn như Yên Minh thì tình trạng sách vở, truyện, áo ấm luôn thiếu thốn đã là chuyện “thường ngày”.

Dân trí thấp, còn hạn chế trong nhận biết, phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội. Người dân trên địa bàn 100% là người dân tộc Mông. Vì vậy, để học sinh đến điểm trường Là Lũng học con chữ, không bỏ học giữa chừng, các thầy cô giáo phải vận động, giải thích. Nhờ sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm mà các em có phòng học mới khung thép, mái nhôm kiên cố, thay cho gian phòng gỗ ọp ẹp, dột nát gió lùa; có thêm áo ấm, ủng, sách vở cho năm học mới”.

 Muốn lên tận điểm trường vùng cao đó cần có niềm tin, bởi phải vượt qua chặng đường hiểm trở hàng chục cây số, nhiều đoạn phải cuốc bộ vì không xe máy nào có thể “tăng bo” được. Trong khi chúng tôi “thở ra đằng tai”, thì người dẫn đường là cô giáo Bích Đào vẫn thoăn thoắt vì “leo núi đi dạy học hàng ngày quen rồi”.

Ở nhiều đoạn đường dốc cao, trơn như đổ mỡ, tôi bị ngã, bùn lấm lem, định đầu hàng, nhưng nghĩ đến xung quanh còn bao nhiêu người hộ tống và trên điểm trường là bao nhiêu em học sinh đang chờ, tôi lại lên đường với niềm tin phía trước. Điều tôi muốn nói là hành trình lên lớp học vùng cao của chúng tôi chỉ có 1 lần, để tổ chức chương trình trao phòng học, quà thiện nguyện cho các em học trò và cho các cô giáo điểm trường vùng cao, với sự phối hợp tích cực, đồng bộ của chính quyền địa phương. Còn 3 cô giáo: cô Đào, cô Mai, cô Nguyệt, suốt chục năm qua, vẫn ngày ngày 2 buổi vượt 5-6km đường núi này để đến dạy con chữ cho 60 em học sinh trên bản - đó là hành trình mà tôi hết sức khâm phục!

 

Với hành trình đến điểm trường vùng cao, đoàn thiện nguyện đã quyên góp được hơn 250 triệu đồng để xây dựng phòng học mới, phòng lưu trú cho giáo viên, tặng cho thư viện trường gần 1.000 sách giáo khoa, sách truyện mới, cũ, 2.000 vở mới, 1 tivi cho các em học sinh bán trú và tặng áo khoác ấm, ủng, sách vở cho các em học sinh tiểu học trên bản Là Lũng, tặng quà cho các học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Đào, người chở xe “tăng bo” cho tôi lên trường kể, hàng ngày cô đi xe máy, đến chặng nào không đi được thì vứt xe lại, leo bộ lên trường. Cách đây 3 năm, cô từng bị gãy tay vì xe lao dốc. Tay lành, cô lại tiếp tục lên điểm trường dạy các em học sinh.

Còn cô giáo Mai, cân nặng có 34kg, không biết đi xe máy và người nhỏ đến nỗi không dựng nổi xe thì bao năm nay chỉ cuốc bộ, leo núi lên điểm trường dạy học... Ngày nắng, các cô đi tầm 40 - 50 phút đến điểm trường, nhưng những ngày mưa như suốt hơn 1 tháng qua thì có khi mất hơn 2 giờ mới đến nơi. Nhưng bất chấp thời tiết như thế nào, các cô đều 6 giờ 30 - 7 giờ sáng là có mặt tại lớp học, vì không muốn học sinh phải chờ, không muốn bố mẹ các em trên bản lại hỏi sao cô đi muộn...

Hành trình ngày 2 buổi đến điểm trường với các học trò vùng cao của 3 cô giáo thực sự là hành trình của niềm tin. Chỉ có niềm tin là những con chữ mà các cô dạy sẽ mang đến cuộc sống đỡ cơ cực hơn cho học trò mới khiến các cô hàng ngày vượt đèo, băng nương, qua suối để đến với các em học sinh nghèo, cơm không đủ ăn, trên bản Là Lũng.

Nguồn động viên

Cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở điểm trường Là Lũng, nơi lưng chừng núi, mây bay vào tận sân trường thật đẹp, dù bao quanh sân trường chỉ là những vách tre đan, dù trường thiếu cả nước ngọt để cô giáo và học sinh uống hàng ngày. Tôi nói với cô Bích Đào, giáo viên “cắm” bản Là Lũng: “Chị cho em xem mấy tấm ảnh các con khai giảng với sách, vở mới và phòng học mới”.

Cô Bích Đào cười ngượng ngùng, rồi trả lời: “Trên bản, điểm trường núi cao, có bao giờ học trò có khai giảng đâu. Cứ thế học thôi em ạ. Nhưng từ hôm thấy phòng học mới khung thép mái tôn được xây lại, thay cho phòng gỗ lụp xụp, các em đi học sớm hơn, đủ hơn, các cô không lo đi vận động các trò lên lớp như trước.


 

 Rồi đây phòng học mới khung thép, mái tôn sẽ thay cho phòng gỗ lụp xụp
Rồi đây phòng học mới khung thép, mái tôn sẽ thay cho phòng gỗ lụp xụp



Ngoài vật chất, các thầy cô và học sinh còn được nhận những món quà tinh thần ý nghĩa, những điệu múa, những bài hát và đặc biệt là màn ảo thuật đã để lại bao cảm xúc, bao tình cảm lưu luyến..., giúp các thầy cô và các em học sinh thêm nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Thật cảm động khi các em học sinh nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng vẫn reo lên tán thưởng khi được xem tiết mục ảo thuật trực tiếp do bạn học sinh Hoàng Thủy Vân, lớp 11 Anh 2 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, đi theo đoàn lên điểm trường biểu diễn”.

Thủy Vân cho biết: “Dù biết điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng khi được đến tận nơi, thấy các em học sinh tiểu học ở đây thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần như thế này thì vẫn vượt ngoài sức tưởng tượng của em. Đây là lần đầu tiên em diễn ảo thuật cho các em học sinh mà không có bất cứ hệ thống âm thanh nào để bật nhạc, đành bật nhạc điện thoại cầm tay làm nền để diễn. Đây là lần đầu tiên các em được xem diễn ảo thuật”.

Thế đó, trong khi ở Hà Nội, khai giảng từ mầm non đến cấp 1, 2, 3 thì các em nhỏ lớp trên vùng cao phải đến tận lớp 4, lớp 5 khi xuống núi, về học tập trung tại trường chính, mới có cái gọi là ngày khai giảng. Nhìn các em học sinh lớp 1, 2, 3 mà còi cọc, nhỏ bé chỉ bằng các bé mẫu giáo lớn ở thành phố, mắt ánh lên rạng ngời khi được tặng vở, áo, ủng đi học ngày mưa, mới hiểu cuộc sống còn nhiều điều để suy ngẫm. Cô Nguyệt kể, dù đường đi dạy học của các cô giáo “cắm bản” khá gian nan, nhất là mùa mưa lũ, nhưng mỗi khi đến điểm trường, nhìn thấy ánh mắt học sinh, mọi vất vả như tiêu tan, các cô lại vui quên mệt mỏi.

Cô giáo Đào tâm sự, dù cuộc sống các cô giáo “cắm bản” cũng còn khó khăn nhưng khi nhiều học sinh nghèo còn không có đủ cơm ăn, áo mặc, các cô vẫn bớt tiền lương, mua thêm sách bút, áo quần cho các con.

Thầy giáo Phạm Nhật Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lao Và Chải, tâm sự: “Đầu năm học mới, cùng với phòng học mới thay cho phòng học dột nát, còn có một phòng lưu trú cho 3 cô giáo nghỉ trưa, hoặc nghỉ lại đêm khi bất chợt mưa bão không về nhà dưới núi được, thực sự mang lại nguồn động viên lớn cho các thầy cô vùng cao. Thầy trò điểm trường thực sự cảm ơn các thành viên nhóm Thiện nguyện LuckyHouse và các nhóm thiện nguyện Hội đồng niên Mậu Ngọ Việt Nam 1978, Hội đồng niên Mậu Ngọ Hưng Yên cùng các tấm lòng hảo tâm đã mang đến niềm vui cho thầy cô và học trò vùng cao Lao Và Chải”.

Hải Thanh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.