Hàng lậu qua sông Sê Pôn giữa mùa dịch: 'Bí ẩn' sau các rào chắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lực lượng biên phòng Quảng Trị đang hướng sự theo dõi về phía những hàng rào đáng ngờ dọc sông Sê Pôn, vì gây cản trở công tác tuần tra, canh gác ở khu vực biên giới và không loại trừ việc tiếp tay cho nạn buôn lậu.

 Nhiều đoạn hàng rào được dựng lên dọc bờ sông Sê Pôn, ở nhiều vị trí nhạy cảm, gây khó khăn cho lực lượng biên phòng. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Nhiều đoạn hàng rào được dựng lên dọc bờ sông Sê Pôn, ở nhiều vị trí nhạy cảm, gây khó khăn cho lực lượng biên phòng. Ảnh: Nguyễn Phúc


Hôm qua 15.9, PV Thanh Niên trở lại khu vực nóng về buôn lậu dọc sông Sê Pôn (TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), sau khi lực lượng biên phòng đặt vấn đề nghi vấn về những “bí ẩn” bên trong các hàng rào dọc sông. Khu vực này vừa rộ lên nạn buôn lậu mùa dịch Covid-19 (Thanh Niên  phản ánh trong bài Hàng lậu qua sông Sê Pôn giữa mùa dịch, số ra ngày 15.9).


Đi trên tuyến đường bê tông chạy song song với sông Sê Pôn thuộc khóm Tân Kim (TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa), chúng tôi ghi nhận hàng loạt hàng rào được dựng bằng nhiều loại vật liệu, gồm tường gạch, tường chắn tôn, tường giăng bằng thép B40. Những hàng rào này được xây dựng khá cao, hơn 2 m và được khóa cẩn thận. Dù đến rất gần hàng rào nhưng PV không thể quan sát được những gì ở phía sau các bức tường; nhiều chỗ chỉ thoáng thấy một vài cây cối, nhà cửa qua những kẽ hở nhỏ...
 

Ca nô biên phòng tuần tra trên sông Sê Pôn
Ca nô biên phòng tuần tra trên sông Sê Pôn.


Vành đai bảo vệ của giới buôn lậu ?

Ông Lê Văn Sơn (khóm Tân Kim, TT.Lao Bảo) có 2 ha đất ở khu vực dọc sông Sê Pôn, hàng rào tôn được gia đình ông mới dựng lên và quả quyết dựng với mục đích bảo vệ cây ăn quả, hoa màu. “Việc dựng hàng rào có thể làm mất mỹ quan, hoặc có nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, xuất nhập cảnh trái phép... Nhưng gia đình vẫn đang hợp tác tốt với chính quyền và lực lượng chức năng của địa phương”, ông Sơn giải thích. Cũng với lý do “bảo vệ tài sản”, cả chục hộ dân khác ở khu vực này dựng hàng rào rất cao, ở những vị trí hết sức đáng ngờ.

Theo số liệu của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chỉ trong khoảng 2 km (tính từ chốt biên phòng số 20 đến chốt biên phòng số 24), có đến 366 m hàng rào tôn, 434 m hàng rào lưới B40, 385 m tường bê tông và 100 m hàng rào bằng lưới...

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhân, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết trước đây người dân địa phương làm hàng rào thô sơ bằng dây thép gai, che chắn phòng trâu bò vào phá phách. Nhưng đầu năm 2021, người dân cho xây dựng những hàng rào cứng dọc sông Sê Pôn và điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng trong tuần tra, canh gác, phát hiện truy đuổi những người vi phạm pháp luật.

Thiếu tá Nhân cho rằng những hàng rào đáng ngờ này giống như vành đai bảo vệ từ xa cho buôn lậu. Lực lượng biên phòng rất khó tiếp cận, đặc biệt vào ban đêm khi hàng lậu được bốc lên từ sông Sê Pôn. “Đất là của dân, hàng rào của dân nhưng họ dựng lên quá sát khu vực trọng yếu phòng chống buôn lậu. Thứ nhất, chúng quá cao và che khuất tầm nhìn bao quát của biên phòng. Hay trong quá trình đấu tranh, phát hiện đối tượng thì tính cơ động của lính biên phòng cũng rất khó khi gặp hệ thống hàng rào ngáng đường”, thiếu tá Nhân nhấn mạnh. Tuy nhiên, thiếu tá Nhân thừa nhận không phải buôn lậu gia tăng chỉ vì lý do hàng rào, mà đây chỉ là một trong những nguyên nhân.

Qua nắm tình hình, lực lượng biên phòng vùng biên cũng không loại trừ khả năng một số người dân dựng hàng rào lên để buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. “Thực tế, đã có nhiều trường hợp chúng tôi truy đuổi bắt hàng lậu ở khu vực này. Người ta vận chuyển hàng lậu từ sông Sê Pôn lên và đi vào trong khu vực hàng rào để tẩu tán hàng, đặc biệt là vào ban đêm... Chúng tôi vây trên bộ thì vướng hàng rào, mà chạy ca nô dọc sông Sê Pôn để lên tới nơi thì người và hàng đã mất dạng”, thiếu tá Nhân nói.

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND TT.Lao Bảo, cũng thừa nhận có tình trạng người dân ở khu vực dọc sông Sê Pôn có xu hướng xây dựng hàng rào cao một cách đáng ngờ ở những vị trí nhạy cảm. Trước diễn biến bất thường này, chính quyền địa phương đã tổ chức họp với 124 hộ dân có đất trên tuyến vành đai biên giới và yêu cầu người dân ký cam kết không được xây dựng thêm hàng rào tương tự, cũng như không tự ý mở đường xuống sông Sê Pôn làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch Covid-19 cũng như phòng chống buôn lậu.


“Trong thời gian tới, chính quyền sẽ cùng với lực lượng biên phòng tiến hành tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ dần những đoạn hàng rào nhạy cảm này”, ông Hùng khẳng định.
 


Vì sao buôn lậu dọc sông Sê Pôn nóng trở lại ?

Đại úy Nguyễn Đức Chiến, Đội trưởng Đội trinh sát đặc nhiệm (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị), lý giải vì sao nạn buôn lậu dọc sông Sê Pôn nóng trở lại trong những tháng gần đây, nhất là những mặt hàng như đường kính, bia, sữa… “Với đường kính, giá chênh lệch rất lớn, nếu tuồn được về xuôi giá có thể tăng lên 30%, từ 15.000 đồng/kg thành 22.000 đồng/kg. Trong khi sữa, bia sắp hết hạn sử dụng, nếu không nhập lậu về, sẽ hết hạn”, đại úy Chiến nói và nhận định: “Sắp tới là thời gian mưa lũ trên sông Sê Pôn, nên đầu nậu đã tập kết hàng ở các kho ở phía nước bạn từ trước đó, tìm mọi cách tuồn hàng qua sông để vừa tránh hàng hư hỏng vừa không bị hết hạn sử dụng”.


Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.