Hâm nóng thị trường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm thị trường du lịch vốn giàu tiềm năng bị sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, các doanh nghiệp, địa phương và ngành du lịch cần có cách làm mới để hâm nóng thị trường này sau đại dịch.

Hướng vào thị trường khách Việt

Hiện các địa phương trong nước đều tập trung vào thị trường khách nội địa, nhưng để trở thành điểm đến được du khách lựa chọn thì cần có cách làm khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Theo anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Du lịch Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist), thói quen du lịch của du khách đã thay đổi sau dịch bệnh “Sau 2 đợt dịch liên tiếp, nhiều người đã cảm thấy cuồng chân, muốn được xê dịch. Mặc dù vậy, tâm lý của du khách vẫn chưa ổn định. Các điểm đến an toàn sẽ là lựa chọn hàng đầu của họ trong thời điểm này”-anh Phương nhận định.

Núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: Phan Nguyên
Núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Gia Lai. Ảnh: Phan Nguyên


Gia Lai là điểm đến an toàn trong cả 2 đợt dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, do đó có nhiều lợi thế để kích cầu du lịch. Theo đại diện của Vietjoy Tourist, mặc dù đã qua mùa cao điểm du lịch nhưng Gia Lai đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Đây là thời điểm rất thích hợp để trekking leo núi, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên vào lúc trăm hoa đua nở. Khách du lịch ở các thành phố lớn hiện có tâm lý tìm đến những thắng cảnh tự nhiên để tránh xa ồn ào, khói bụi, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Nắm bắt cơ hội này, các công ty lữ hành cũng có nhiều gói khuyến mãi đa dạng, lịch khởi hành linh hoạt với hành trình phong phú để kích thích, “phá băng” tâm lý cho du khách. Anh Nguyễn Thanh Trung-quản trị trang Vntrek, chuyên hướng dẫn các tour trekking, hiking-cho biết: “Để tham gia kích cầu du lịch sau đại dịch, chúng tôi đã giảm 40-50% giá tour. Các tour leo núi hoặc vào rừng ngắm thác hiện chỉ có giá trọn gói 1,5-2,7 triệu đồng tùy điểm khởi hành. Với mức giá này, chúng tôi chỉ đủ chi phí, thậm chí là lỗ nhưng vẫn phải duy trì để hâm nóng thị trường du lịch, tạo sự tương tác với du khách”.

Anh Trung nhận định, trong bối cảnh các công ty đều hướng vào thị trường khách Việt, ngành du lịch cần tạo ra những sản phẩm phù hợp. “Trước đây, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm thường thu hút khách Tây hơn khách Việt. Nhưng vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch, xu hướng du lịch trải nghiệm của người dân tăng lên rõ rệt. Đây là yếu tố rất thuận lợi để Gia Lai tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm trekking, hiking vì du lịch của tỉnh có thế mạnh về loại hình này. Nếu làm tốt, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh, thu hút khách nội địa”-anh Trung cho biết.

Ngoài sự chung sức của các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng dành sự quan tâm đầu tư cho hoạt động du lịch. Mới đây, UBND huyện Ia Grai đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II, diễn ra từ ngày 13 đến 15-11 tại làng Dăng (xã Ia O) với nhiều hoạt động văn hóa-thể thao, liên hoan cồng chiêng, ẩm thực truyền thống.

Sau thành công của Hội đua thuyền độc mộc lần thứ I, hy vọng du khách và người dân sẽ tìm đến với vùng đất biên giới giàu tiềm năng du lịch của tỉnh. Không chỉ thỏa mãn khi chứng kiến một cuộc đua mang tính thể thao, du khách còn mãn nhãn với hình ảnh những con thuyền độc mộc thanh thoát lướt trên dòng Pô Cô. Hình ảnh đó còn chở bao câu chuyện văn hóa, lịch sử về những người lái đò anh hùng, về những “báu vật nhân văn sống” của nghề đẽo thuyền độc mộc nơi vùng đất biên cương này.

Bên cạnh hoạt động lễ hội, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết thêm: “Chủ trương phát triển du lịch đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Sắp tới, huyện sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại thác Mơ, Lệ Kim, thác Chín Tầng, các điểm du lịch lòng hồ Sê San 3A, 4A. Vừa qua, huyện đã được tỉnh công nhận 2 di tích lịch sử gồm “Chiến thắng Chư Nghé” và “Bến đò A Sanh”. Đây là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, qua đó tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng của địa phương, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân và thế hệ trẻ. Với tiềm năng này, chúng tôi hy vọng sẽ kết nối với các địa phương trong tỉnh, góp phần phát triển “ngành công nghiệp không khói”, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tăng cường kết nối

 Huyện Ia Grai sẽ kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng vào thác Mơ (xã Ia Khai). Ảnh: Hương Thảo
Huyện Ia Grai sẽ kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng tại thác Mơ (xã Ia Khai). Ảnh: Hương Thảo


Để vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch thì vấn đề liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tiếp tục triển khai các gói kích cầu, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá được ngành du lịch chủ động triển khai. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Ngành du lịch tiếp tục duy trì kết nối du lịch rừng-biển đã ký kết trước đó với các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng. Ngoài ra, ngay sau khi dịch Covid-19 đợt 2 được khống chế, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch Gia Lai tại 2 tỉnh Quảng Nam, Đak Lak để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh. Bởi hiện nay, các địa phương đều tập trung vào thị trường khách nội địa, các sản phẩm du lịch phải phù hợp với thị hiếu khách trong nước và đảm bảo an toàn”. Ngoài ra, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak còn phối hợp đón đoàn famtrip của tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh khảo sát vào đầu tháng 11 năm nay.

Việc hồi sinh và phát triển du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của tỉnh, bởi đây là một trong những trụ cột kinh tế. Ngành du lịch có trách nhiệm sát cánh cùng các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp như tổ chức cho doanh nghiệp khảo sát các điểm đến của tỉnh để kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch mới; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ công chức ngành du lịch, hướng dẫn viên du lịch; khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích cũng như các tiêu chí du lịch an toàn cho du khách.

Đối với các sự kiện văn hóa dự kiến diễn ra trong dịp cuối năm, ngành phối hợp hỗ trợ các địa phương trong tỉnh chuẩn bị kế hoạch chi tiết, tăng cường và quảng bá, nhất là hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, ngày hội hoa muồng vàng, chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh…

 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.