Ở khu vực Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam), ngoài vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ hành chính, du lịch thì vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng cấm, rộng hơn 20 ha) là nơi hệ sinh thái biển được giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối. Tại Hòn Lá, Hòn Dài đến bãi Bắc, bãi Nần, bãi Tra…, các tập đoàn san hô được đảm bảo điều kiện lý tưởng nhất để phục hồi sau những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, được hỗ trợ ươm nuôi, cấy trồng để phát triển.
PGS-TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nguồn lợi thủy sinh (Viện Hải dương học), người có thâm niên nhiều thập kỷ quan sát hệ sinh thái san hô Cù Lao Chàm, đánh giá Cù Lao Chàm là môi trường lý tưởng để san hô phát triển khỏe mạnh, phát triển cả chủng loài, tăng độ phủ qua từng năm. Từ khi Ban Quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm ra đời gần 2 thập kỷ qua, câu chuyện dự trữ sinh quyển, bảo vệ các hệ sinh thái biển cũng được ghi nhận bởi giới chuyên gia lẫn cộng đồng cư dân.
XEM SAN HÔ Ở ĐỘ SÂU 15 M
Đi cùng các thành viên KBTB Cù Lao Chàm đến "vùng cấm" Hòn Lá, chúng tôi hiểu vì sao nơi đây được xem là "cái rốn của bảo tồn biển". Đây là nơi san hô được bảo tồn gần như tuyệt đối, kể cả công tác nghiên cứu cũng rất thận trọng. Khi mang bình dưỡng khí lặn dần xuống độ sâu gần 15 m nước, chúng tôi choáng ngợp trước độ kỳ vĩ, đa dạng chủng loài của san hô. Những tập đoàn san hô phiến lên đến 5 - 6 tầng, cộng với thế giới đa dạng sinh vật rạn đầy màu sắc…
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó giám đốc Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm, cho biết nhiều năm qua, tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan như siêu bão, nhiệt độ nước biển tăng khiến san hô bị gãy đổ, tẩy trắng. Tuy nhiên, qua các đợt khảo sát cho thấy khả năng phục hồi trở lại của rạn khá nhanh, chứng tỏ điều kiện môi trường sống hiện tại của san hô Cù Lao Chàm rất tốt. Diện tích rạn san hô 2 thập niên trước gần 300 ha, nay đã tăng lên 356,4 ha với gần 300 loài. Độ phủ một số khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và ươm tạo để phục hồi như bãi Hương, bãi Bắc từ 8% tăng lên 40%.
"So với nhiều nơi trong cả nước thì Cù Lao Chàm có thể xem là một trong những nơi có tính đa dạng khá cao về san hô. Đặc biệt là ở vùng rạn ngầm, độ sâu từ 15 đến hơn 20 m, có những quần xã sinh vật rạn đặc trưng cho vùng nước sâu mà những nơi khác rất hiếm có được. Đây là nơi lưu giữ nguồn giống bố mẹ khá tốt để tái tạo tài nguyên và đảm bảo nguồn lợi thủy hải sản. Một trong những hoạt động mà chúng tôi đánh giá rất cao đó là phối hợp tuần tra, hạn chế được các tàu khai thác kiểu tận diệt đi vào vùng bảo tồn, duy trì sinh thái ổn định để sinh vật rạn phát triển tốt nhất", PGS-TS Nguyễn Văn Long nhận định.
Đo tốc độ tăng trưởng và ghi chép lại kích thước tăng trưởng của các tập đoàn san hô. Ảnh: BQL KBTB Cù Lao Chàm cung cấp |
"THĂM" VƯỜN ƯƠM SAN HÔ
Sau khi đi vào vùng rạn ngầm, chúng tôi tiếp tục đến "thăm" các vườn ươm san hô ở độ sâu khoảng 7 m trong khu vực vùng cấm. Ông Lê Vĩnh Thuận, cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng, cho biết san hô ở đây được chiết và cấy thuộc dạng phiến và dạng cành. "Từ vườn ươm ở bãi Bắc, bãi Tra..., san hô sẽ được đưa đến cấy phục hồi ở bãi Nần, bãi Bò, Hòn Tai, Hòn Dài", ông nói.
Tại KBTB Cù Lao Chàm hiện có gần 40 vườn ươm san hô với tổng diện tích gần 4.000 m2. Đây là cấu phần quan trọng góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển rạn san hô. Vườn ươm sử dụng công nghệ ươm cấy san hô được chuyển giao từ Viện Hải dương học, gồm chiết tách, di dời các tập đoàn san hô và cố định chúng ở những vùng suy thoái, giám sát, đo tốc độ tăng trưởng, kiểm tra tỷ lệ sống khỏe của rạn…
San hô Cù Lao Chàm được các chuyên gia đánh giá có tính đa dạng cao, đặc biệt ở vùng rạn ngầm. |
Theo các chuyên gia, cần 2 - 3 năm để các nhánh, phiến san hô được ươm phủ kín khung ươm trồng. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy những phần san hô vừa nhú, điều này khiến chúng tôi thực sự xúc động với nỗ lực vì tự nhiên của con người dù bé nhỏ.
Trong suốt 2 thập kỷ qua, các chuyên gia phục hồi san hô rất tâm đắc khi có sự ghi nhận và đồng lòng từ phía cộng đồng cư dân trên đảo. Hơn ai hết, cộng đồng nơi đây là người hưởng lợi trước tiên từ đa dạng sinh học, từ nguồn tài nguyên biển. Cơ hội phát triển du lịch sinh thái bền vững và bài bản cũng mở ra, khi du khách cùng lặn biển ngắm san hô, cùng nhặt rác, bắt sao biển gai là loài thiên địch của san hô. Sau tất cả, hệ sinh thái rạn san hô chính là tập đoàn "vệ binh" giúp giảm sức tác động của gió bão để giữ bờ, phần san hô gãy tấp lên bãi cát cũng tạo nên tính liên kết giữa các phân tử cát để giữ bãi...
Các chuyên gia bảo tồn luôn đau đáu tìm cách bảo vệ san hô, bảo vệ biển trước những tác động tiêu cực của thiên tai và nhân tai. Tiếp sau nỗ lực nhỏ bé của con người, họ đặt niềm tin vào "trách nhiệm" sắp xếp và chu toàn của thiên nhiên…