HAGL đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi hợp tác tỷ phú Trần Bá Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với việc tái cơ cấu mảng nông nghiệp, dồn lực cho trái cây, HAGL đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nợ và thu hẹp những mảng kinh doanh kém hiệu quả.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 cho thấy công ty đã tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ sau khi vay được tiền từ tỷ phú Trần Bá Dương.

Trong quý 3, công ty báo cáo doanh thu đạt 1.520 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng doanh thu trái cây đạt 924 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 3 năm ngoái và đóng góp tới 60,7% doanh thu.

Cùng với đà tăng của doanh thu, lãi gộp của HAGL trong quý 3 cũng đã tăng gần gấp đôi lên 862,2 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận là 57%, cao hơn nhiều so với mức 35% cùng kỳ năm trước. Mảng trái cây tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực khi biên lãi ở mức 60,5%.

Phía HAGL cho biết, mảng trái cây của tập đoàn chuyển biến tích cực là nhờ diện tích thu hoạch trái cây tăng và tập đoàn có thêm nguồn thu từ hoạt động bán trái cây của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng (được mua về từ tháng 3/2018).

Các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp như cây cao su, nuôi bò, HAGL đang thu hẹp dần hoạt động. Doanh thu từ bán bò trong quý vừa qua đã giảm 170 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 41 tỷ đồng. Nguyên nhân là do HAGL không còn ưu tiên nguồn vốn lưu động cho ngành bò, mà tập trung vào mảng trái cây.

 
 HAGL từ bỏ dần mảng chăn nuôi bò sau nhiều năm
HAGL từ bỏ dần mảng chăn nuôi bò sau nhiều năm



Tương tự, bán mủ cao su cũng giảm 120 tỷ đồng doanh thu trong quý vừa qua. Giá cao su thế giới đã giảm mạnh nên HAGL chuyển sang 'án binh bất động', chờ giá cao su tăng trở lại.

Cùng với việc tái cơ cấu mảng nông nghiệp, dồn lực cho trái cây, HAGL cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nợ, thoái dần khỏi những mảng kinh doanh kém hiệu quả.

Doanh thu tài chính trong quý 3/2018 tăng vọt lên 740,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi thanh lý đầu tư 516 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía HAGL, vào ngày 11/5/2016, CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 56 triệu cổ phần cho CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải.

Việc phát hành này đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn trong HAN từ 85,75% xuống còn 68,9% và ghi nhận thêm 426,4 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất.

Tới ngày 12/9/2018, Công ty Nhà Hoàng Anh tiếp tục hoàn tất phát hành thêm 125 triệu cổ phiếu cho một bên thứ 3. Việc phát hành này làm giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn từ 68,9% xuống còn 47,89% và Nhà Hoàng Anh trở thành công ty liên kết. Theo quy định của Thông tư 202, số tiền lãi 426,4 tỷ đồng đã được ghi nhận vào doanh thu tài chính trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 này.

Nhà Hoàng Anh là công ty con của HAGL thực hiện thực hiện đầu tư vào dự án HAGL Myanmar, bao gồm khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê “Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre”.


 

 Khu phức hợp của HAGL tại Myanamar
Khu phức hợp của HAGL tại Myanamar



Hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho “một bên thứ ba” của Nhà Hoàng Anh diễn ra sau buổi lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) ngày 8/8/2018.

Bên cạnh quyết định chi gần 2.200 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai Agrico, một nội dung trong đó là việc Thaco và Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của Dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Quá trình tái cơ cấu, thanh lý tài sản cũng đẩy chi phí của HAGL tăng cao trong kỳ vừa qua. Chi phí hoạt động tài chính trong kỳ tăng 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân được phía HAGL đưa ra là do diện tích vườn cây đưa vào khai thác tăng, dự án thủy điện đã ngưng vốn hóa nên phần lãi vay tương ứng được đưa vào chi phí hoạt động trong kỳ.

Chi phí khác trong kỳ ghi nhận đạt 563 tỷ đồng. Nguyên nhân là do HAG đã thực hiện xóa sổ các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu vào chi phí chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái.

Về các khoản nợ, tính tới cuối quý 3/2018, Tập đoàn HAGL có 21.059 tỷ đồng nợ vay, giảm so với hồi đầu năm nhưng vẫn cao gấp 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Nợ vay dài hạn cuối quý 3 của HAGL là 15.269 tỷ đồng, giảm khoảng 5.000 tỷ so với đầu năm, nhưng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm lên 5.790 tỷ đồng.

Việc dịch chuyển cơ cấu nợ từ nợ dài hạn sang ngắn hạn chủ yếu là do sự gia tăng mạnh từ các khoản Trái phiếu chuyển đổi cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Agrico (ghi nhận 2.218 tỷ đồng) được Thaco mua lại và các khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả.

Ngoài ra, HAGL cũng ghi nhận giá trị lên tới gần 1.000 tỷ đồng vay cá nhân. Đáng chú ý là số dư “nợ” 500 tỷ đồng của ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và 426 tỷ đồng của ông Đoàn Nguyên Đức.

Báo cáo của Tập đoàn HAGL ghi nhận 377,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2018, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ là 403 tỷ đồng, tăng 235%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận 520 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50% so với năm ngoái. Mặc dù vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 200 tỷ đồng thì công ty đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Trần Anh (TheLEADER)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.