HAGL Agrico lỗ ròng thêm 252 tỷ đồng nếu hạch toán theo ý kiến kiểm toán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu hạch toán theo ý kiến của kiểm toán, HAGL Agrico sẽ lỗ ròng trên 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, thay vì mức lỗ ròng 751 tỷ đồng như công bố trong báo cáo tài chính.
 
HAGL Agrico lỗ ròng thêm 252 tỷ đồng nếu hạch toán theo ý kiến kiểm toán
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2019 đã kiểm toán.
Đáng chú ý nhất trong báo cáo lần này là ý kiến kiểm toán của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) về vấn đề hạch toán các khoản mục liên quan đến thuế của HAGL Agrico.
E&Y cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, HAGL Agrico đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) tại ngày 31/12/2018 với tổng số tiền là 192 tỷ đồng.
Việc trích lập này đã được thực hiện trong các năm trước căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, được Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017 (NĐ 20).
HAGL Agrico cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN tương tự cho kỳ kế toán sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2019 với số tiền là 59,8 tỷ đồng.
 
6 tháng đầu năm 2019, HAGL Agrico bất ngờ ghi nhận khoản hoàn nhập lên đến 192 tỷ đồng
E&Y cho rằng nếu HAGL Agrico thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế TNDN theo hướng dẫn của NĐ 20 cho kỳ kế toán sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2019, chỉ tiêu "Thu nhập khác" sẽ giảm với số tiền là 192 tỷ đồng, chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN hiện hành" sẽ tăng 59,8 tỷ đồng, lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng tương ứng là 192 tỷ đồng và 252 tỷ đồng.
Đồng thời, chỉ tiêu "Lỗ lũy kế" và chỉ tiêu "Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước" tại ngày 30/6/2019 sẽ tăng với cùng số tiền là 252 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hạch toán theo ý kiến của kiểm toán, HAGL Agrico sẽ lỗ ròng (lỗ sau thuế) trên 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, thay vì mức lỗ ròng 751 tỷ đồng như công bố trong báo cáo tài chính.
Giải thích về việc hoàn nhập dự phòng trên, phía HAGL Agrico cho biết: "Trong các năm trước, do NĐ 20 mới được ban hành và Nhóm Công ty cũng chưa làm việc cụ thể với các cơ quan Nhà nước, do đó theo nguyên tắc thận trọng, Nhóm Công ty đã tạm trích trước thuế TNDN theo các hưởng dẫn của Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 để xác định thu nhập chịu thuế bao gồm số tiền lãi vay phát sinh trong kỳ mà vượt 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ".
Trong kỳ kế toán sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2019, Ban Giám đốc HAGL Agrico đã quyết định hoàn nhập số tiền đã ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất của các năm trước với giá trị lũy kể đến ngày 31/12/2018 là 192 tỷ đồng và cũng không ghi nhận thêm chi phí thuế TNDN ước tính kỳ này với số tiền là 59,8 tỷ đồng nếu áp dụng NĐ 20.
Theo đánh giá của Ban Giám đốc HAGL Agrico, quy định tại Khoản 3, Điều 8 của NĐ 20 còn nhiều điểm chưa rõ, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá.
"Ban Giám đốc vẫn đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Văn Phòng Chính phủ và Bộ Tài chính xễm xét việc ban hành quy định khác thay đổi NĐ 20. Tại ngày của báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, NĐ 20 vẫn chưa được sửa đổi hoặc thay thế và Ban Giám đốc Nhóm Công ty vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan Nhà nước về vấn đề này", phía HAGL Agrico cho hay.
Có phần giống với HAGL Agrico, công ty kiểm toán E&Y Việt Nam cũng đưa ra ý kiến tương tự đối với báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2019 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) - công ty mẹ của HAGL Agrico.
Theo đó, nếu hạch toán theo hướng dẫn của NĐ 20, chỉ tiêu "Thu nhập khác" của HAGL sẽ giảm với số tiền là 335 tỷ đồng, chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN hiện hành" sẽ tăng 155 tỷ đồng.
Chỉ tiêu "Lỗ trước thuế" và "Lỗ sau thuế" theo đó sẽ tăng số tiền lần lượt là 335 tỷ đồng và 490 tỷ đồng. Đồng nghĩa, HAGL sẽ lỗ ròng trên 1.000 tỷ đồng nếu hạch toán theo ý kiến của kiểm toán, thay vì mức lỗ ròng 516 tỷ đồng như công bố trong báo cáo tài chính.
Thanh Long (VNF)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.