Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP), đến cuối tháng 6 đầu tháng 7 do mưa ít nên mực nước tại nhiều trạm đo vùng hạ nguồn sông Mekong ở Campuchia và Việt Nam thấp. Cụ thể, trong tuần từ 26.6 - 3.7, lượng mưa lũy tích trên vùng ĐBSCL ở mức khá thấp (từ 30 - 90mm) và phân bố không đều.
Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở Trung Quốc cũng bắt đầu tích nước. Ảnh: T.L |
Các trạm thượng nguồn sông Cửu Long phía Campuchia mực nước đang ở mức thấp. Tổng lượng dòng chảy từ ngày 1.6 - 4.7 tại Kratie đạt 19,43 tỉ mét khối; so với cùng kỳ nhỏ hơn trung bình nhiều năm (1961 - 2023) khoảng 15,56 tỉ mét khối và nhỏ hơn năm 2023 khoảng 1,13 tỉ mét khối.
Đến ngày 4.7 mực nước tại Kratie là 11,19m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 2,05m nhưng cao hơn năm 2023 là 1,47m.
Mực nước Biển Hồ trong tuần qua có xu thế tăng nhẹ, đến ngày 4.7 đạt 1,56m; so với cùng kỳ nhiều năm thấp hơn 1,17m và thấp hơn năm 2023 là 0,04m. Dung tích Biển Hồ đạt 1,33 tỉ mét khối; so với cùng kỳ nhiều năm nhỏ hơn 4,32 tỉ mét khối và nhỏ hơn năm 2023 là 0,09 tỉ mét khối.
Đối với vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại Tân Châu ngày 3.7, đạt 1,29m; so với cùng kỳ nhiều năm thấp hơn 0,21m và xấp xỉ năm 2023. Mực nước tại Châu Đốc đạt 1,47m; so với cùng kỳ nhiều năm cao hơn 0,07m và xấp xỉ năm 2023.
Dự báo trong tháng 7, trên lưu vực mưa có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm nên khả năng cuối tháng lượng nước thượng nguồn về sẽ cải thiện hơn. Đến ngày 31.7, mực nước trên dòng chính sông Cửu Long được dự báo ở mức cao nhất đạt 2m tại Tân Châu; thấp hơn 0,33m so trung bình nhiều năm cùng kỳ nhưng cao hơn 0,17m so với cùng kỳ năm 2023. Mực nước tại Châu Đốc là 1,95m, thấp hơn 0,12m so với trung bình nhiều năm và cao hơn 0,08m so với năm 2023.