Hà Giang khuyến cáo 'cảnh giác với loài hoa đẹp nhưng gây ngộ độc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 10 tháng qua, tỉnh Hà Giang xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 50 người mắc. Hầu hết các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên, có trong nấm độc, hoa, quả rừng, bột ngô mốc.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hà Giang, trong các vụ ngộ độc ghi nhận tại tỉnh Hà Giang từ đầu năm đến nay, có các trường hợp ngộ độc do ăn hoa, quả rừng.

Trong đó, vụ ngộ độc với 8 người ở H.Xín Mần xảy ra 30 phút sau khi các nạn nhân ăn món hoa chuông xào trứng, với biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, phải đi cấp cứu. Trong đó, 4 người bị ngộ độc nghiêm trọng với các biểu hiện mất ý thức, kích thích vật vã, ảo giác, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng chậm, nhịp tim nhanh, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Xín Mần. Vụ ngộ độc này xảy ra vào tháng 8 vừa qua.

Cán bộ y tế Hà Giang phát tờ rơi hướng dẫn người dân về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại chợ phiên. Ảnh: BÍCH HẠNH
Cán bộ y tế Hà Giang phát tờ rơi hướng dẫn người dân về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại chợ phiên. Ảnh: BÍCH HẠNH

Trước đó, cuối tháng 4, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang cũng ghi nhận 4 người tại thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, H.Yên Minh, bị ngộ độc do ăn hoa chuông.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang, hoa chuông trông giống hoa loa kèn, có màu trắng và vàng, rất được ưa chuộng, trồng ở nhiều nơi. Đây là loại cây lâu năm, rễ mọc ngầm thành cụm dày trong lòng đất.

Tất cả bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố. Nếu ăn phải, bệnh nhân có thể bị ngộ độc với biểu hiện nôn, mệt mỏi, choáng váng. Trường hợp ngộ độc nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy thận, suy tim cấp, ảo giác, hoang tưởng.

Nhiều hình thức tuyên truyền phòng ngộ độc thực phẩm

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang, hằng năm đơn vị này xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các xã xây dựng nông thôn mới và các xã hay xảy ra ngộ độc, thông qua nhiều hình thức với nội dung tuyên truyền đa dạng.

Đồng thời, hướng dẫn trưởng thôn, nhân viên y tế thôn truyền thông trực tiếp tại thôn, bản có nguy cơ cao, truyền thông đến các học sinh tại lớp học; hướng dẫn truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa phát thanh của UBND xã, trạm y tế xã tại chợ phiên hoặc các buổi tiêm chủng.

Chi cục cũng cung cấp tài liệu truyền thông đến các trạm y tế xã để tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các nhóm hộ gia đình sinh sống gần rừng, có phong tục tập quán, thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả rừng làm thực phẩm ăn uống trên địa bàn xã; hướng dẫn cách nhận biết, cách xử trí ban đầu khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm.

Người dân địa phương, du khách đến Hà Giang tuyệt đối không ăn các loại hoa, quả rừng không rõ nguồn gốc, dù chỉ thử một lần, để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra, trong đó có cây hoa chuông.

Người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc; không ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm mọc tự nhiên khi chưa xác định được hoa, quả, nấm lành hay nấm độc; không nên sử dụng bột ngô để lâu ngày, lên nấm men mốc.

Chi Cục ATVSTP tỉnh Hà Giang

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.