Gương sáng người thầy - Kỳ 2: Gieo tình yêu Toán học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những lúc Thạc sĩ Toán học Phạm Văn Vỹ (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) tưởng phải gác lại giấc mơ “trồng người” bởi sức khỏe không cho phép anh đứng quá lâu. Nhưng rồi giấc mơ quá lớn đã khiến anh bền bỉ gieo tình yêu Toán học cho học trò.
Vượt lên những cơn đau
Từ năm lớp 8, những cơn đau khớp gối bắt đầu hành hạ cậu bé Phạm Văn Vỹ. Cơn đau cứ bùng lên từng đợt, từng đợt và trở nặng khi anh học lớp 12. “Ban đầu, mình vẫn đi lại được, vẫn đạp xe đến trường. Nhưng sau đó đầu gối không gập lại được và chân trái trở nên rất yếu. Từ lúc ấy mình chấp nhận sống chung với bệnh tật”-thầy Vỹ kể lại. Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, khớp gối của anh lại trở nên đau nhức khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn.
Sau khi học xong lớp 12, anh Vỹ thi vào Khoa Điện tử của một trường Trung cấp tại TP. Hồ Chí Minh. Ngành học đòi hỏi phải ngồi thực hành quá nhiều khiến lưng đau nhức không sao chịu được và anh quyết định nghỉ học lúc vừa bước vào năm học thứ 2. Năm 2005, anh tiếp tục thi đậu khoa Sư phạm Toán-Trường Đại học Quy Nhơn. 4 năm theo học tại trường là cả một thử thách. Sau tốt nghiệp, gia đình đưa anh đi khắp các bệnh viện từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội để chữa bệnh. “Đỉnh điểm là khi mình phải nằm liệt trên giường bệnh suốt 7 tháng liền. Bác sĩ chẩn đoán mình bị trượt đốt sống chèn lên dây thần kinh, vì vậy, hễ đứng lâu quá là không chỉ lưng đau mà chân cũng đau nhức”-anh Vỹ tâm sự. Sau khi kết thúc điều trị, năm 2011, anh thi đậu Cao học Toán tại Trường Đại học Quy Nhơn và năm 2013 lấy bằng Thạc sĩ. Dù rất muốn được đứng trên bục giảng, song lúc này anh Vỹ chưa thể thực hiện giấc mơ đời mình vì những cơn đau.
 Thầy Phạm Văn Vỹ ân cần giảng bài cho học trò. Ảnh: P.L
Thầy Phạm Văn Vỹ ân cần giảng bài cho học trò. Ảnh: P.L
“Không thể nghĩ quẩn, không thể đầu hàng, mình tìm cách mở lớp dạy kèm tại nhà”-anh Vỹ cho hay. Từ vài học sinh, sau 5 năm, hiện tại anh đang dạy kèm cho 13 nhóm học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, trung bình khoảng 15 em/nhóm.
Gieo mầm tình yêu Toán học
Chúng tôi đến nhà khi thầy Vỹ đang say sưa giảng bài cho các em học sinh lớp 9. Ở tuổi 35, dáng người nhỏ bé của anh lọt thỏm giữa lớp học, nếu chỉ nhìn lướt thì khó có thể phân biệt được đâu là thầy, đâu là trò. Lớp học khá đơn sơ với 4 dãy bàn ghế xếp trong căn phòng rộng chừng 30 m2. Hơn 10 học sinh chăm chú giải từng đề Toán mà thầy Vỹ đã cẩn thận soạn và in sẵn. Thỉnh thoảng, một vài em lại đem bài lên tận chỗ thầy nhờ hướng dẫn những chỗ chưa hiểu. Hầu như suốt cả buổi học, thầy Vỹ chỉ ngồi trên ghế, tận tình giảng bài cho từng học sinh. Chỉ những phần lý thuyết hay những bài toán hóc búa, anh mới sử dụng đến bảng viết.
Tranh thủ trò chuyện với khách, cứ vài phút, anh Vỹ lại đổi tư thế vì mỏi lưng, mỏi chân, duy nụ cười hiền hậu lúc nào cũng thường trực. Anh tâm sự: “Lúc mới mở lớp có ít học sinh lắm, khoảng 2-3 em thôi và đều là con em người quen. Kiến thức thì thầy cô nào cũng như nhau, cái quan trọng là phương pháp truyền tải, giúp cho các em hiểu, tiếp thu và vận dụng học tập hiệu quả. Sau thời gian học với mình, nhiều em tiến bộ rõ rệt trong môn Toán. Từ đó càng có nhiều phụ huynh tin tưởng giao con em cho mình kèm cặp”. Tùy theo sức học của từng học sinh mà thầy Vỹ có phương pháp giảng dạy khác nhau, từ bám sát chương trình sách giáo khoa để các em theo kịp bài trên lớp đến các bài tập nâng cao. Riêng với các em ôn thi học sinh giỏi, thầy Vỹ dành thêm buổi riêng để ôn tập, luyện đề, hệ thống kiến thức. Em Trần Như Hòa (lớp 9, Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: “Em theo học môn Toán tại nhà thầy Vỹ được 5 năm rồi. Thầy Vỹ dạy rất dễ hiểu, thầy lại vui tính, thường xuyên hỏi thăm, quan tâm đến tụi em nên ai cũng quý thầy. Cứ có chỗ nào em không hiểu thì thầy đều tận tình giảng giải lại cho đến khi nào hiểu mới thôi. Nhờ vậy mà tụi em nhớ bài lâu hơn”.
Tiếng tăm thầy Vỹ dạy Toán giỏi ngày càng đồn xa, thu hút không chỉ học sinh ở xã Ia Boòng mà còn ở các xã lân cận như: Ia Drăng, Ia Phìn, Ia Tôr, thị trấn Chư Prông tìm đến đăng ký theo học. Đa số học trò của thầy Vỹ đều thi đậu đại học. Em Đỗ Trung Tân (sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) là một trong số ấy. Tân cho hay: “Thầy Vỹ dạy Toán cho em suốt những năm cấp III. Trước đó em học Toán không tốt lắm và cảm thấy rất chán. Nhưng từ khi học thầy thì em tiến bộ hẳn vì thầy dạy rất hay, dễ hiểu. Hồi ấy dù cách nhà thầy gần 20 km nhưng em vẫn đi học rất đều đặn”.
Hiện tại anh Vỹ đã có gia đình và sống cùng bố mẹ. Vợ của anh là cô giáo Trần Thị Tuyết, cũng là Thạc sĩ Toán và hiện đang dạy học ở Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Vì trường ở xa nên chị Tuyết phải ở lại trường, cuối tuần mới về nhà. Con gái hơn một tuổi đành phải nhờ ông bà nội chăm sóc. Chị Tuyết vừa vỗ về con vừa kể: “Tụi mình quen nhau từ lúc học đại học. Biết anh Vỹ dù đau bệnh nhưng vẫn nỗ lực học hành nên mình rất quý. Rồi dần 2 đứa nảy sinh tình cảm. Học xong thì cưới nhau. Mình cũng mới thi đậu giáo viên để đi làm hồi năm ngoái. Vì làm xa nên cũng không hỗ trợ được gì nhiều cho anh Vỹ, chỉ mong anh đủ sức khỏe để theo đuổi nghề dạy học như anh ao ước”. Nhấp một ngụm nước, thầy Vỹ cười thật tươi và nói: “Mình cảm thấy rất vui vì vẫn được “gõ đầu trẻ” dù không đi dạy một cách chính quy ở trường lớp. Thấy các em tin cậy, tiến bộ và ngày càng yêu thích môn Toán, mình càng có thêm động lực để đứng trên bục giảng lâu hơn. Mình sẽ tiếp tục dạy học cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.