Gương mặt thơ: Huỳnh Dũng Nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Người thì gọi ông là “sói phóng sự”, người phong “vua phóng sự”, đều để nói ông là một nhà báo tầm cỡ của làng báo Việt. Từng là nhà báo trực tiếp viết báo, là Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, là thầy dạy báo chí cho mấy trường đại học... nhưng khi về hưu, ông lại chăm chỉ làm thơ và vẽ.

Thực ra, Huỳnh Dũng Nhân làm thơ từ lâu rồi, khi 13 tuổi đã in bài thơ đầu tiên. Từ khi về hưu tới nay, ông đã in tới 5 tập thơ và 1 tập truyện ngắn, chứ không phải “ngẫu hứng” như một vài người khác, về hưu không biết làm gì thì làm... thơ. Tới giờ, ông đã có hơn 30 đầu sách các thể loại, tham gia 3 khóa Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Đang như con sói thế, từng ra Bắc vào Nam trên chiếc Honda 67 tới đâu viết đấy thì ông bị đột quỵ khi đang ở Hà Giang, phải tức tốc đưa về Hà Nội với hy vọng “còn nước còn tát”. Và rồi, như một phép màu, ông tập tễnh đi lại được. Có thể cú đột quỵ là “cú huých” để thơ ông hay hơn. Song song đó, ông lao vào vẽ và có triển lãm tranh cá nhân như họa sĩ thực thụ. Trong đó, triển lãm gây tiếng vang là “Nhà báo vẽ” giới thiệu 100 chân dung nhà báo, nhà thơ nhiều thế hệ ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Năm kia, ông đột ngột xuất hiện ở Pleiku. Ông chỉ ghé qua ăn trưa rồi... đi tiếp. Xuống cầu thang của cái nhà hàng Tây Nguyên ở ngoại ô, tôi và cô học trò của ông phải dìu. Rồi tới Hà Nội, ông nhắn vào bài thơ có những câu: “Con chim gì hót mãi không thôi/Đừng về, xin ở lại người ơi/Nhưng chân lãng du quen đường thẳm/“Tôi phải về thôi xa em thôi”.

Thì rõ ràng, Huỳnh Dũng Nhân là người viết đa tài, lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Không biết ông trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chưa, nhưng năm 2023, ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đánh dấu gần 60 năm cầm bút từ bài thơ đầu tiên năm 13 tuổi.

Tôi “để dành” ông cho số báo kỷ niệm ngày báo chí này như một cách cảm ơn vì những gì ông đã làm cho báo chí và cho thi ca Việt Nam. Ông dùng thơ để nói về báo như thế này: “Cái xe hơi xịn kia không phải của tôi/Cái biệt thự kia không phải của tôi/Cái công ty kia không phải của tôi/Cô gái đẹp kia không phải của tôi.../Tôi chỉ có những sẻ chia bằng chữ/Một gia tài chẳng thể nào tuyệt hơn”.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Gia tài của nhà báo

Cái xe hơi xịn kia không phải của tôi

Cái biệt thự kia không phải của tôi

Cái công ty kia không phải của tôi

Cô gái đẹp kia không phải của tôi.


Tôi chỉ có một bầu trời nắng gió

Tôi chỉ có những bờ biển mênh mông

Tôi chỉ có những con đường uốn lượn

Yêu bình minh và yêu cả hoàng hôn.


Tôi chỉ có những trang viết mỏng

Những bức tranh trò chuyện mỗi ngày

Tôi chỉ có một mẹ già nhân hậu

Và tiếng cười đồng nghiệp quanh đây.


Tôi chỉ có một gia đình nhỏ

Những niềm vui cùng lớn theo con

Tôi chỉ có những sẻ chia bằng chữ

Một gia tài chẳng thể nào tuyệt hơn.


Phố núi một lần tôi ghé qua

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Phố núi bây giờ chớm vàng thu

Se sẽ thinh không nắng bụi mờ

Biêng biếc lam chàm khói chân núi

Tay em hay là búp măng tơ.


Nhà sàn em đón tôi ngược gió

Mây lụa hay là tóc em bay

Gặp nhau như thể tia nắng vội

Để lại chút thôi, nhớ vơi đầy.


Con chim gì hót mãi không thôi

Đừng về, xin ở lại người ơi

Nhưng chân lãng du quen đường thẳm

“Tôi phải về thôi xa em thôi”.


Thôi em ở lại sơn nữ ơi

Thôi mắt đừng ướt cứ mỉm cười

Tôi đi xa lắm từ biệt nhé

Phố núi bao giờ em nhớ tôi…


Dã quỳ tím

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Thế thì thôi

ta đi không trở lại

hoa dã quỳ trải

dọc đường

cao nguyên cuối trời tự nhiên có em

sáng một chân đồi

ta không dám nhìn lâu hơn nữa

sợ phải lòng em

như thời hai mươi tuổi

phải lòng một buổi sớm mai

ta biết em nhiều năm qua thì con gái

để mỗi xuân đến hồi sinh

đường lãng du ta không mang theo em được

thôi ở lại cho người khác xao lòng

cho ta nhớ ly bia sóng sánh vàng chân núi

ngày mai đến sớm hay muộn

điều đó có nghĩa gì

nếu ta say

em sẽ đưa ta về bằng cái nhìn nhẫn nhịn

hoa dã quỳ ngả sang màu tím

khi ta say vì em

này cao nguyên

thế thì thôi

ta đi về thành phố

dọc đường nhặt bao nhiêu là nỗi nhớ

chẳng biết cho ai…

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

(GLO)- Lâu nay, tôi cứ nghĩ, Đoàn Hữu Nam chỉ là người viết văn xuôi lừng danh xứ Bắc. Anh đã từng nhận giải A với tiểu thuyết “Rễ người” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2019; giải A cho tiểu thuyết “Thổ phỉ” năm 2004 do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

(GLO)- Bài thơ "Trước hồ sen" của tác giả Nguyễn Đình Phê không chỉ khắc họa vẻ đẹp thanh tao của hoa sen mà còn gợi mở một không gian tĩnh lặng, trầm tư. Nơi đấy con người tạm xa bộn bề ưu phiền, tìm đến sự thành thản tâm hồn...

Những cuốn “sách sống”

Những cuốn “sách sống”

(GLO)- Qua thời gian và với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách thức tiếp thu kiến thức từ sách dần thay đổi và đa dạng hơn, từ sách in truyền thống đến sách điện tử, sách nói. Sẽ như thế nào nếu ta được “đọc” một cuốn sách đặc biệt hơn, đó là trò chuyện với người có những trải nghiệm thú vị?

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.

'Miền sông nước' của Bùi Quang Lâm

'Miền sông nước' của Bùi Quang Lâm

Họa sĩ Bùi Quang Lâm (1960) trình làng 70 tác phẩm bằng chất liệu Acrylic với chủ đề "Miền sông nước" tại số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM (trụ sở Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM). Triển lãm khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 28-9-2024.
Tự khúc

Thơ Vân Phi: Tự khúc

(GLO)- Bài thơ "Tự khúc" của tác giả Vân Phi chất chứa bao cảm xúc sâu sắc với nỗi nhớ và sự hoài niệm về một mối tình đã qua. Những hình ảnh như "bến cũ", "sóng trôi" và "trăng vỡ" tạo nên không gian vừa lãng mạn vừa buồn bã, ẩn hiện nỗi cô đơn của người gửi gắm tâm tư...