Góp sắc màu cho Festival Văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không khí chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2023 đang rộn ràng tại khắp các buôn làng. Cộng đồng Bahnar, Jrai đều mong muốn góp sắc màu văn hóa trong ngày hội tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Cặp gùi lớn nhất Gia Lai

Từ giữa tháng 10, nhóm Bahnar-Xanh (làng Bok Ayơl, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) do anh Đỗ Mạnh Cương làm nhóm trưởng bắt đầu vào rừng chặt tre, mây chuẩn bị nguyên liệu đan cặp gùi lớn nhất để tham dự Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai. Anh Cương cho biết, gùi có kích thước đáy vuông 81 cm, cao 1,81 m, đường kính miệng gùi 1,18 m. Nhóm Bahnar-Xanh sẽ hoàn thiện tại làng 1 chiếc gùi để mang trưng bày, chiếc còn lại được nhóm thợ thủ công thực hiện ngay trong không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại sự kiện.

Gùi được làm bằng cật tre, đảm bảo để 3 năm mưa gió không hư hỏng. Những thợ đan lát người Bahnar thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn, đảm bảo chất lượng và độ sắc sảo của gùi để ứng dụng vào đời sống như cất trữ lúa hay trưng bày trong không gian văn hóa mang tính biểu tượng Tây Nguyên.

Ông Jun-Thành viên nhóm Bahnar-Xanh hào hứng cho biết: “Mặc dù nhóm phải làm việc cả ngày đêm để vừa chuẩn bị đủ nguyên liệu, vừa hoàn thiện chiếc gùi khổng lồ trước thềm festival nhưng tinh thần ai cũng phấn chấn. Chiếc gùi còn tượng trưng cho vụ mùa no đủ, thóc lúa đầy nhà. Người Bahnar mình chỉ cần như vậy thôi. Thời điểm này, làng đang chuẩn bị mừng lúa mới. Đan một chiếc gùi lớn còn mong muốn vụ mùa mới thóc sẽ đầy gùi lớn, gùi nhỏ”.

Nghệ nhân Rơ Châm Kok (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chuẩn bị gỗ để tạc tượng tại Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2023. Ảnh: H.N

Nghệ nhân Rơ Châm Kok (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chuẩn bị gỗ để tạc tượng tại Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2023. Ảnh: H.N

Chia sẻ về ý tưởng này, anh Cương cho biết: “Hình ảnh chiếc gùi trở thành biểu tượng khi nhắc đến nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đó không chỉ là vật dụng mà còn chứa đựng văn hóa tộc người được hun đúc, trao truyền qua hàng ngàn năm. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo điểm nhấn cho festival bằng cặp gùi có kích thước lớn nhất từ trước tới nay. Đồng thời, nghệ nhân Bahnar sẽ tái hiện nghề đan lát để giới thiệu với người dân, du khách lát cắt trong đời sống buôn làng. Bởi không gian làng từ ngàn đời đã là một phần của di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Và nếu được sự cho phép của ban tổ chức, chúng tôi sẽ bán đấu giá cặp gùi tại sự kiện gây “Quỹ tre làng”. Mong ước của tôi là xây dựng một làng nghề mây tre đan của người Bahnar và bắt đầu từ vùng nguyên liệu tre. Xây dựng làng nghề mây tre đan cũng là để bảo tồn không gian làng, bảo tồn nghề truyền thống và tạo thêm sinh kế cho cộng đồng Bahnar ở đây”.

Không chỉ tham dự festival với tư cách là thành viên nhóm Bahnar-Xanh, chị Y Tan còn tham gia trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc cùng những thành viên trong gia đình. Những ngày này, người nghệ sĩ Bahnar vẫn đang miệt mài tập luyện bài “Việt Nam ơi” và một số bản nhạc đương đại trên cây đàn trưng.

Chị Y Tan cho biết: “Đó là cách để thu hút mọi người quan tâm nhiều hơn đến các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, nhất là đàn trưng”. Ngoài các bài nhạc mới được chơi bằng nhạc cụ dân tộc, gia đình gồm 3 thế hệ nghệ sĩ chân đất (cha, em trai và con gái) và chị Y Tan cũng sẽ mang đến festival lần này những tiết mục đặc sắc trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar.

Nghệ nhân háo hức

Trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ nhân Rơ Châm Kok (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) hào hứng cho biết, ông chuẩn bị gỗ cho phần trình diễn tạc tượng tại festival sắp tới. Cây gỗ mực được ông trồng xen trong vườn cà phê nhiều năm trước, cao trên 4 m. Sau khi chặt cành nhánh, nghệ nhân chọn được 2 khúc gỗ có chiều dài vừa ý để tạc tượng theo ý tưởng. Đặc tính của gỗ mực là thớ mềm, ít bị nứt, dễ tạc tượng với các tư thế khó như người ôm mặt khóc hay mẹ địu con.

Nghệ nhân Kok cho hay: “Trước đây, rừng còn nhiều, mình thường theo chân các già làng chọn gỗ tạc tượng mỗi khi làng bỏ mả hay tham gia các sự kiện văn hóa. Bây giờ không được phép khai thác gỗ rừng nữa nên mình trồng xen các loại cây lấy gỗ như cây mực, mít trong vườn cà phê hay hàng rào quanh nhà. Mình và các nghệ nhân làng Kép rất háo hức muốn trình diễn tay nghề đan lát, tạc tượng cùng nghệ nhân toàn tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên”.

Lễ hội đường phố sẽ là 1 trong những hoạt động hấp dẫn, mãn nhãn người xem trước sắc màu văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Lễ hội đường phố sẽ là 1 trong những hoạt động hấp dẫn, mãn nhãn người xem trước sắc màu văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa” diễn ra trong 2 ngày (11 và 12-11) tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Chương trình quy tụ trên 1.000 nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai và 4 tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng. Ngoài chương trình khai mạc và bế mạc, các hoạt động chính của Festival gồm: lễ hội đường phố; sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giới thiệu lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian; trưng bày, triển lãm nhạc cụ Tây Nguyên, ảnh nghệ thuật về văn hóa Gia Lai, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia của tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có không gian trải nghiệm cà phê “Farm to cup” và không gian thổ cẩm Gia Lai; trải nghiệm các tour du lịch Gia Lai.

Tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng, đoàn nghệ nhân huyện Krông Pa có 53 người, trong đó có 1 nghệ nhân chỉnh chiêng là ông Ksor Kôk (buôn Sai, xã Chư Ngọc). Những ngày này, không chỉ chỉnh thang âm cho bộ cồng chiêng quý nhất của làng để cả đoàn tập luyện, nghệ nhân Kôk còn tích cực tham gia luyện tập cùng cả đội.

Các nội dung mà đoàn trình diễn tại festival gồm: lễ hội cồng chiêng đường phố, đan lát, dệt vải, tạc tượng, chỉnh chiêng. Đoàn cũng phục dựng nghi lễ “Mừng nhà mới” và “Lễ đâm trâu” truyền thống của đồng bào Jrai để giới thiệu lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống của cư dân vùng hạ du sông Ba. Ngoài ra, một số món ăn đặc trưng văn hóa ẩm thực của đồng bào Jrai ở Krông Pa cũng được giới thiệu tại ngày hội.

Nghệ nhân Kôk cho biết: “Bà con rất háo hức chờ đến ngày hội. Mình sẽ kiểm tra, chỉnh âm toàn bộ dàn cồng chiêng trước khi lên đường, đảm bảo cồng chiêng Jrai sẽ góp sắc màu cho festival lần này”.

Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho hay: “Ủy ban nhân dân huyện có quyết định thành lập đoàn nghệ nhân, triển khai nội dung và kế hoạch tập luyện từ khá sớm để đoàn tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai. Huyện dành sự quan tâm rất lớn đối với đoàn khi tham gia sự kiện lần này. Không chỉ tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đây còn là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.