Góc khuất "chợ người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có chứng kiến cách trao đổi, ngã giá bán mua của dân môi giới lao động mới thấu cảm và thương xót cho những người lao động phải đi bán mình ở "chợ người". Khi rơi vào tay "cò", việc trao đổi người lao động cũng được nâng lên hạ xuống, chụp giật, kỳ kèo...
1.Vài năm về trước, trạm xe bus gần cầu vượt đường 3/2 giáp với đường Lý Thái Tổ (Q.10, TP. Hồ Chí Minh) được mệnh danh là khu "chợ người" nhộn nhịp nhất. Nơi đây, ngày nào cũng có hàng chục lao động đứng ngồi chào hàng, kẻ bán, người mua, mặc cả, kỳ kèo huyên náo.
Những năm trở lại đây, do chính quyền quyết liệt giải toả nên "chợ người" chuyển sang họp kín đáo. Tuy nhiên, dù trá hình dưới nhiều cách khác nhau, nhưng cảnh bán mua lao động vẫn diễn ra hàng ngày.
Trong vai người cần người lao động, chúng tôi được giới thiệu gặp Đại "xe ôm", đầu mối chuyên cung cấp các loại lao động "sỉ và lẻ". Công việc chính của Đại "xe ôm" là làm môi giới lao động cho các nơi có nhu cầu. Hàng ngày, Đại gắn cái mác xe ôm ngồi ôm cột điện cạnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhưng không hề mặn mà với việc bắt khách và chở khách vãng lai.
 
"Cò" Đại ngày nào cũng chầu chực ở khu "chợ người" kiếm ăn.
Đại có mối quan hệ với rất nhiều ông bà chủ quán cà phê, quán nhậu, các xí nghiệp vừa và nhỏ, cho nên, loại lao động nào anh ta cũng có. Chúng tôi muốn 3 lao động nữ, làm phục vụ quán cà phê võng ở quận 12, độ tuổi từ 15 đến dưới 25. Vừa nghe xong, Đại chớp ngay: "Ngày mai hàng sẽ được chở tới nơi".
Về chi phí môi giới, 200 ngàn đồng/lao động. Công vận chuyển (xe ôm) 100 ngàn đồng/trường hợp. Các khoản phí này, bên sử dụng lao động phải chi trả. Còn lương cho nhân viên thì 5 triệu đồng/tháng/người. Sau khi "hàng" trao tận tay, bên mua sẽ phải thanh toán đầy đủ các khoản lệ phí.
Trong thời gian "cà kê" với Đại, chúng tôi giật mình khi biết thêm rất nhiều câu chuyện "thâm cung bí sử" xung quanh việc "mua bán" ở chợ người. Hầu hết lao động do Đại thu gom từ các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang..., một bộ phận lớn là người dân tộc Khmer. Trong đó, lao động nữ là những cô gái 17, 18 tuổi.
Các cô đều có gia cảnh nghèo khó, ở quê không việc làm hoặc làm không đủ sống nên phải lên thành phố kiếm sống. Trong số này, nhóm "cò" sẽ lọc ra thành nhiều loại. Cô nào xinh xắn, mặt mũi sáng sủa, tay chân mướt mát thon thả một chút sẽ được giao cho các quán nhậu. Cô nào chân quê, mộc mạc, ít học thì đưa về quán cà phê. Số còn lại không có ngoại hình, cũng chẳng có chữ nghĩa thì về làm việc chân tay như phụ quán cơm, rửa chén, làm việc nhà.
Sau khi thanh lọc được "hàng", môi giới sẽ liên hệ với các ông bà chủ để mời chào và ngã giá. Đại tiết lộ, giá môi giới ở mỗi "mặt hàng" là khác nhau. Hạng 1, tức là nhóm vào làm ở quán nhậu thì giá môi giới cao nhất, trung bình 500 ngàn đồng/lượt. Còn hạng bét, tức rửa bát quét nhà thì 150 ngàn.
Thời nhộn nhịp của "chợ người", mỗi ngày, Đại dắt được từ 10 đến 20 lao động, bỏ túi vài ba triệu là bình thường. Nhiệm vụ của Đại chỉ có vậy, không cần biết số phận lao động làm việc ra sao, sống chết như thế nào. Theo lời kể của Đại thì một số người lao động sau vài ngày làm việc không chịu nổi sức ép của công việc đã bỏ ngang, phải quay trở về "chợ" kiếm việc mới.
 
Lao động đợi xe đưa về nhà chủ làm việc.
Có trường hợp tên Dịu Len, được chọn vào làm ở nhà hàng 3 sao nhưng chỉ trụ được 3 ngày là khóc lóc bỏ về. Cô này kể, phải tiếp bia tới một hai giờ sáng, say túy lúy, bị khách sàm sỡ và thấy nhục nhã. Dịu Len sau đó xin đi làm osin, hiện mất liên lạc, không biết sống chết ra sao. 
Nói đến chuyện này, "cò" Hiền nhảy vào dạy đời: "Tại nó chưa trải đời nên thấy chướng, chứ sành sỏi như con Khăm Thái thì đã đổi đời rồi". Khăm Thái là cô gái người dân tộc Khmer (22 tuổi) nhưng có thâm niên lăn lộn xã hội ngót 5 năm. Thủa ban đầu bước chân lên thành phố, Khăm Thái rụt rè, bỡ ngỡ, chỉ muốn đi làm osin.
Cô có ngoại hình, đôi mắt đen tròn, làn da ngăm đen rắn rỏi nên được nhóm "cò" tư vấn làm trong nhà hàng thu nhập sẽ cao gấp nhiều lần. Tại đây, cuộc đời của Khăm Thái đổi thay nhanh chóng. Trong một lần tiếp rượu, Khăm Thái lọt vào mắt xanh của một đại gia, chỉ sau một đêm "hầu chuyện", Khăm Thái có ngay vài ngàn đô la.
Có tiền, cô nàng "tút tát" lại hình thể, biết ăn mặc, biết uống rượu nên chỉ chưa đầy một năm, Khăm Thái trở thành "chị cả" của cánh đàn em mới vào nghề. Cô nàng nhảy lên làm quản lý, thu nhận em út từ quê lên. "Cò" Hiền cho biết, từ ngày Khăm Thái "mọc cánh", tự tung tự tác đi tuyển người khắp nơi khiến mối lái ở "chợ người" sụt giảm trông thấy.
Để cạnh tranh, các đầu mối như Hiền, Đại phải lặn lộn về tận miền quê tìm kiếm, lùng sục lao động. Khu "chợ người" bây giờ không một bóng người tìm việc, tất cả đã được "ẩn hóa" qua điện thoại hoặc một tín hiệu khác. Tuy nhiên, nguồn cung lúc nào cũng dồi dào, nhưng phải tìm đúng người mới có. 
Sau khi trả đầy đủ tiền phí môi giới, phí vận chuyển, chúng tôi được Đại cung cấp cho hai em lao động ngay tại chỗ. Đại giới thiệu, đây là "hàng" mới toanh, anh ta nhận sang nhượng từ "cò" Hiền. Có chứng kiến cách trao đổi, ngã giá bán mua của dân môi giới mới thấu cảm và thương xót cho những người lao động phải đi bán mình ở "chợ người".
Hiện có rất nhiều trung tâm giới thiệu việc làm nhưng nhiều lao động vẫn chọn ra "chợ người" để kiếm việc vì ở đây họ không phải mất phí dịch vụ. Các khoản này, môi giới sẽ linh động lấy từ người dùng lao động.
2.Nguyễn Thị Út (18 tuổi) quê An Giang, lần thứ hai lên thành phố tìm việc nên không còn ngơ ngác, lạ lẫm nữa. Út cho biết, năm ngoái, em lên đây và được giới thiệu đi phụ quán cơm ở Chợ Lớn (Q.5, TP. Hồ Chí Minh). Công việc nặng nhọc, phải dậy từ 3 giờ sáng nhặt rau, quét dọn quán rồi làm quần quật đến 10 giờ đêm mới được nghỉ. Người ta trả cho em có 4,5 triệu đồng/tháng.
Vất vả, khổ cực em có thể chịu được nhưng bà chủ hay chửi bới em. Khách vào ăn đông, em không kịp bê đồ ăn ra là bị chửi. Mà người ta chửi cả cha mẹ lên, lăng mạ em là loại này loại kia khiến Út ức không chịu được.
Đỉnh điểm là lần Út làm vỡ tô canh, nước văng trúng khách khiến bà chủ nổi cơn, gọi sộc em vào bếp, tát một cái trời giáng rồi đuổi em. Út được trả 20 ngày công và bị trừ tiền làm vỡ tô. Cầm những đồng tiền nhuộm mồ hôi, Út khóc suốt trên chuyến xe trở về quê.
Gia đình Út chỉ có một công đất trồng chanh, ba mẹ phải làm thuê làm mướn quanh năm. Ở nhà một thời gian, Út chán nản lại rủ bạn lên "chợ người" tìm việc. Lần này, Út muốn đi làm giúp việc nhà. Nếu chẳng may gặp gia đình chủ khó tính, coi thường người làm như bà chủ quán cơm lần trước thì Út sẽ xin làm nhân viên quán cà phê. Trong đầu đã có ý định sẵn nên lần ra đi này, Út quyết tâm phải làm tới Tết mới về, dù khó khăn cũng sẽ không chùn bước.
 
Mấy năm trước, khu vực này người lao động tới tìm việc rất đông, nhưng hiện nay đã "ẩn mình" dưới hình thức khác nên chỉ những người trong đường dây mới biết được.
Còn Nguyễn Thị Tâm (19 tuổi) thì lần đầu đặt chân lên phố thị. Cảnh người xe huyên náo, cảnh chụp giật lao động của các "cò" làm Tâm có chút hoảng sợ. Càng bất ngờ hơn khi câu đầu tiên họ hỏi em: "Còn zin không"? Tâm bối rối, luống cuống gật đầu. Thấy con mồi ngon, "cò" Hiền liền giật về phía mình. Tuy nhiên, là mối của "cò" Đại xí từ trước nên Hiền đành ngậm ngùi buông tay.
Đại sau đó chia cho Hiền 100 ngàn đồng tiền lộc lá. Đại có ý định sẽ đưa Tâm vào làm trong một nhà hàng lớn nhưng Tâm không chịu, em chỉ muốn đi làm giúp việc nhà cùng với Út. Tâm chia sẻ: "Mẹ em dặn lên thành phố đi giúp việc nhà là an toàn nhất, không phải tiếp xúc với nhiều người như quán cà phê hay quán nhậu dễ khiến con người sa ngã". 
Gom một lúc được hai em, Đại đút túi 600 ngàn ngon lành. Tiền kiếm được ở "chợ người" quá dễ dàng khiến "cò" không quản nắng mưa chầu chực, chụp giật từng lao động một. Đại tiết lộ, ở "chợ người" này chủ yếu là nữ, dưới quận 9 có một "chợ người" dành cho nam.
Hôm nào bắt được lao động nam, Đại sẽ chở xuống quận 9 sang mối cho "cò" dưới đó. Mối sang nhượng là 100 ngàn đồng cộng với tiền xe ôm. "Chợ người" quận 9 là những lao động nam, làm nghề khuân vác, hốt xà bần, vét cống...chủ yếu làm thời vụ, một hai tháng hết việc họ lại về quê. Chính vì công việc rạch ròi như vậy nên "cò" cũng chỉ kiếm chác qua bữa nên không mấy mặn mà. 
Giới "cò" thường rỉ rai nhau, kiếm ăn ở khu "chợ người" nữ lợi nhuận hơn hẳn, bởi phía sau những thân phận lao động đó là cuộc trao đổi, ngã giá sặc mùi tiền bạc và toan tính.
Ngọc Hoa (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.