Giữ vững "phên giậu" biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 50 năm (15-4-1965) lực lượng an ninh vũ trang tỉnh Gia Lai được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh đạo, phụ trách diệt ác, trừ gian. Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhiều lần thay đổi về tên gọi (sau này là Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh), tổ chức, biên chế, tuy nhiên tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động cơ bản không thay đổi, vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ biên giới; là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới; giữ vững đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển với nước bạn Campuchia.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn trên đường tuần tra. Ảnh: P.D
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn trên đường tuần tra. Ảnh: Phương Dung

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban An ninh tỉnh, cùng với sự đùm bọc, yêu thương, chở che của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, lực lượng an ninh vũ trang tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách, tiến hành các hoạt động trừ gian, diệt ác, cùng quân dân trong tỉnh phá ấp, giữ dân, giành quyền làm chủ, góp phần làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng-thống nhất đất nước, lực lượng Công an nhân dân vũ trang của tỉnh khẩn trương củng cố tổ chức, triển khai đồn trạm, đồng thời nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới-nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, chống lại mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực phản động. Với quyết tâm “Dũng cảm trước địch, vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, thiếu thốn, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị, phát động phong trào cách mạng, chủ động tiến công tiêu diệt địch… Cũng trong thời gian này, Công an nhân dân vũ trang tỉnh vừa củng cố, xây dựng lực lượng vừa tham gia chiến đấu chống lại quân Khmer đỏ ở biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, chi viện lực lượng sang giúp đất nước Campuchia bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ia Lốp đỡ người dân Campuchia trong lũ. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ia Lốp giúp người dân Campuchia trong lũ. Ảnh: Phương Dung

Trong tham gia đấu tranh, truy quét bọn phản động FULRO, cùng với quân và dân trong tỉnh, Bộ đội Biên phòng Gia Lai-Kon Tum đã liên tục tổ chức các hoạt động truy quét đều khắp ở cả nội và ngoại biên, thực hiện nhiều chuyên án đấu tranh làm rõ và bóc gỡ, vô hiệu hóa các khung chính quyền, cơ sở ngầm, làm trong sạch địa bàn biên giới, chặt đứt các đường dây đưa đón người vượt biên của bọn phản động giữa nội và ngoại biên, tạo điều kiện để các lực lượng đẩy mạnh truy quét các căn cứ trong nội địa. Cùng với việc đấu tranh, truy quét, Bộ đội Biên phòng Gia Lai-Kon Tum còn tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phòng-chống vượt biên, xâm nhập, góp phần làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển về mọi mặt. Các đồn biên phòng: Ia Puch, Ia Lốp, Ia Mơr, Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Chía, Ia O, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động nhanh chóng được thành lập và triển khai nhiệm vụ. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn xác định và thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới của tỉnh. Không chỉ thường xuyên sâu sát, gần gũi với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tuyên truyền, vận động và giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; vận động nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo hợp vệ sinh; trồng rau xanh, cây ăn quả quanh nhà, quanh vườn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Cùng với đó, những thầy thuốc biên phòng luôn đêm ngày tận tụy bám thôn làng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và xây dựng thôn làng vệ sinh, sạch đẹp; trạm y tế quân-dân y kết hợp đã kịp thời khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho hàng ngàn lượt người dân... Qua đó, hình ảnh những người lính “quân hàm xanh” ngày càng ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân miền biên viễn.
 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ia Mơr hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ia Mơr hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Ảnh: Phương Dung

Những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn triển khai hàng loạt mô hình kinh tế nhằm giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, như: trồng lúa nước của đồn biên phòng Ia Puch, Đồn Biên phòng Ia Mơr; trồng hồ tiêu ở Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh… Qua thời gian, các mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo sức lan tỏa sâu rộng và khẳng định, đây không chỉ là mô hình kinh tế quân-dân mà còn là mô hình thế trận lòng dân, thế trận biên phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên khu vực biên giới, đồng thời khẳng định sự chung sức của bộ đội biên phòng trong cuộc vận động chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, đội ngũ này đã tích cực tham mưu cho địa phương duy trì và đẩy mạnh các mô hình, phong trào, như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc; gìn giữ an ninh trật tự thôn, làng khu vực biên giới”; “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư” góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu của bọn phản động, cùng địa phương giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới. Mặt khác, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn khẳng định vai trò “điểm tựa” cho người dân nghèo biên giới với hàng loạt công trình nhà “Đại đoàn kết”, “mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” và nhiều “địa chỉ đỏ” khác…

 

Bếp ăn tình thương của Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Phương Dung
Bếp ăn tình thương của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Phương Dung
Trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã có 3 tập thể trong Bộ đội Biên phòng tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 5 tập thể cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương chiến công; hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua, bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng khác.

Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ, song những năm tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống; cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù, đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, luôn giữ vững và tăng cường quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân; phối hợp chặt chẽ và tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Phát huy tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới hai bên ngày càng ổn định và phát triển.

Đại tá Lê Thuần Huy
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.