Giữ rừng để trả ơn rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trải qua 65 mùa rẫy, coi như đã dành trọn cuộc đời gắn bó nơi núi rừng Tây Nguyên, nhưng già làng K’Ten chưa từng nghĩ sẽ để cho bản thân “nghỉ hưu”, mà tự dặn mình khi nào còn sức thì còn giữ rừng để trả ơn nơi đã từng bao bọc, che chở đồng đội, chiến sĩ năm xưa.

 

Già K’Ten bên gốc du sam cổ thụ trên núi Voi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
Già K’Ten bên gốc du sam cổ thụ trên núi Voi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)



1. Tờ mờ sáng, trong ánh đèn pha yếu của chiếc xe máy đã cũ, già làng K’Ten lặng lẽ rời căn nhà ven quốc lộ 20 để đi thăm rừng. “Ngày nào không lên rừng là không chịu được, người bản địa Tây Nguyên mình nó thế, rừng thấm vào máu thịt rồi”, già K’Ten mở lời rồi bắt đầu hành trình quen thuộc hướng về phía núi Voi.

Sinh ra rồi lớn lên ở buôn làng Cơ Ho Srê ở buôn Bồ Liêng, Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), năm 1978, K’Ten vừa bước qua tuổi đôi mươi, được Ka Khuy yêu thương rồi “bắt” về làm chồng. Từ ngày đó, K’Ten về thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Nhưng cuộc sống những ngày đầu sau giải phóng miền Nam ở đây chưa bình yên, lực lượng Fulro ra sức chống phá chính quyền, K’Ten tham gia đội trinh sát vũ trang của Công an tỉnh Lâm Đồng để bảo vệ sự bình yên thôn làng mình.

Đang leo lên con dốc cao, bất chợt già K’Ten dừng lại, chỉ về hướng Đà Lạt, nói: “Năm 1981, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực suối Cà Rèn, gần thác Prenn thì già rơi vào ổ phục kích của địch, bị bắn vào chân, tưởng như trận đó nằm lại rừng mãi mãi. Nhưng may mắn có tảng đá với những cây gỗ lớn che chắn nên một mình vẫn thoát khỏi vòng vây của hơn 30 tên địch, rồi bò men theo suối về làng”. Hồi đó, K’Ten vừa chiến đấu, vừa thu phục, khuyên bảo đồng bào trở về với gia đình, buôn làng. Ông và đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ. “Già có 10 lần lâm trận một mình đụng độ với đối phương, nhờ rừng thiêng che chở nên mới sống sót hết lần này qua lần khác”, già K’Ten nhớ lại. Rồi đến năm 1986, trận chiến đấu tiêu diệt lực lượng Fulro trên địa bàn huyện Đức Trọng kết thúc, già K’Ten được vinh dự nhận bằng khen của Công an tỉnh Lâm Đồng. Gần 40 năm trôi qua nhưng già vẫn giữ gìn tấm bằng khen cẩn thận như nhắc nhớ về một thời đã qua.


2. Rời chiến trận, K’Ten và vợ ở lại cửa rừng để canh rừng. Trong suy nghĩ của ông, rừng đã che chở mình những ngày gian khó thì giữ rừng là cách để trả ơn rừng. Già K’Ten tâm tư: “Mình phải giữ rừng để bảo vệ cái chung cho con cháu sau này”. Theo già K’Ten, giữ rừng không nguy hiểm như đánh trận, nhưng cũng không ít lần ông phải đổ máu.

Khu rừng rộng 32ha thuộc các tiểu khu 268, 277A (thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) với quần thể thông đỏ quý hiếm, những cây du sam lúc nào cũng bị các đối tượng lâm tặc lăm le đốn hạ. Đốn không được, chúng tìm tới ông bà K’Ten để đe dọa, uy hiếp, chặn đánh hòng khiến đôi vợ chồng nản lòng. Trong một lần đưa vợ đi khám bệnh, K’Ten bị hơn chục thanh niên chặn đường đòi đánh vì ngăn cản chúng cưa cây rừng. “Tôi hỏi, chúng mày muốn gì? Đáp lại bên kia lăm lăm hung khí định lao về phía hai vợ chồng tôi. Biết không thể đối phó, tôi nói nhỏ với vợ ôm thật chặt để vù ga chiếc xe máy thoát khỏi vòng vây”, già K’Ten kể.

Cũng vì ngăn không cho người khác vào rừng đốn cây, lần khác khi đang ở trong căn nhà gỗ trên rừng, hàng chục người khác cầm gậy gộc, rựa, đuốc lửa hăm dọa đòi thiêu sống vợ chồng ông. Giữa rừng, đối phương đông lại bị kích động nên già K’Ten chỉ ở yên trong nhà không phản ứng gì để tránh những cái “đầu nóng”. Rồi mọi người cũng giải tán ngay sau đó. Tưởng mọi việc kết thúc, nhưng trong lúc vợ chồng K’Ten xuống núi thì căn nhà gỗ bị lửa thiêu rụi từ lúc nào. Thế là vợ chồng già lại nhặt những tấm bìa gỗ rừng dựng lại, tiếp tục đứng vững trong cuộc chiến giữ rừng như những cây thông đỏ ngàn năm tuổi nơi núi Voi.

Dù là thương binh hạng 4/4, với vết thương còn hằn trên bắp chân, nhưng ngày ngày K’Ten vẫn băng qua từng quả đồi để đi tuần tra, không ngọn núi, quả đồi, khe suối nào tại các tiểu khu 268, 277A mà chưa in dấu chân của ông. Nhờ đó mà mỗi gốc cây thông đỏ, ông nhớ như in từng vị trí cây du sam mà không cần tới thiết bị định vị.

“Trong quần thể 59 cây thông đỏ thuộc diện tích nhận bảo vệ, có những cây phải 5-6 người ôm mới hết nên lúc nào cũng bị rình rập cưa hạ. Mấy năm trước, 4 cây bị bệnh, mục thân đổ xuống. Đau lắm, xót lắm nhưng nó thuận theo lẽ tự nhiên thì phải chịu thôi”, già K’Ten trầm ngâm. Đó là những cây được đánh số thứ tự 165, 167, 218 và 220 nằm rải rác trong khu rừng rộng lớn. Dẫn chúng tôi tới một cây du sam quý hiếm, đường kính gần 2m, cao khoảng 40m, già K’Ten nói: “Du sam ở núi Voi trước kia có hàng trăm cây, nhưng bị khai thác trộm giờ chỉ còn vài cây nằm rải rác. Dù không đánh số nhưng tôi vẫn đặc biệt để mắt tới chúng vì còn rất ít”.

Chiều buông, K’Ten lại thả lỏng chân buông theo những sườn đồi về làng, dọc đường ông gặp K’Tin, K’Thổi, K’Gỗ, K’Huân, K’Đăng… là những người cùng làng có rẫy trên núi Voi và không quên dặn họ: “Nếu thấy người lạ vào rừng nhớ báo già liền nha, rừng còn thì con nước mới còn, con chim, con thú mới có chỗ ở, con cháu mình có nơi bao bọc”, giọng K’Ten chắc nịch giữa núi rừng.

Khi vợ ông đã về thế giới bên kia, ông không ở trong rừng mà về dưới làng, nhưng bất kể trời mưa nắng, chỉ cần nghe thông tin có lâm tặc là ông tức tốc trở lại để kiểm tra. “Già còn khỏe lắm, chừng nào còn sức thì già còn nhận giữ rừng”, ông nói.


Trong căn nhà nhỏ, già K’Ten treo tấm bằng khen của Bộ Công an trao tặng ở vị trí trang trọng nhất cùng tấm hình chụp chung cùng nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các già làng Tây Nguyên tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2019. “Lời dạy trong thư Bác Hồ gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku năm 1946, già còn nhớ lắm. Phải cố gắng học tập, làm theo tấm gương của Bác để đồng bào mình được ấm no, hạnh phúc”, già K’Ten tâm sự.


Theo ĐOÀN KIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.