Chiếc lò gạch cũ bỏ hoang vốn là nơi tụ tập của “đạo chích” lại được cặp vợ chồng chị Lê Thị Thanh Nga (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và anh Boonlert Kamyai - người Thái Lan mua lại. Họ thuê thêm 2 héc ta đất xung quanh, đổ hết công sức biến khu đất thành nông trại trồng gạo tím than, rau oganic.
Nhiều người cho đó là ý tưởng điên rồ, cho đến khi cả cánh đồng lúa trĩu hạt, giá bán gấp 5 lần gạo thông thường và cánh đồng trở thành điểm du lịch check-in nổi tiếng thì ai nấy trầm trồ…
|
Vợ chồng chị Nga những ngày đầu khởi nghiệp. Ảnh: Minh Quân |
Gạo tím than made in “Lò gạch cũ”
Cánh đồng lúa tím than gần 2 héc ta nay đã cho thu hoạch vụ thứ 6. Mỗi năm 2 vụ, bình quân mỗi héc ta cho 5 tấn lúa, tương đương 3,5 tấn gạo. Năng suất không cao nhưng giá lại gấp 5 lần gạo thường.
“Sở dĩ gạo bán được giá cao là bởi loại gạo này có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại được trồng hoàn toàn sạch, không chất hóa học, thuốc trừ sâu. Du khách đến đây thì dùng sản phẩm theo hình thức từ nông trại lên bàn ăn, hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Mình cũng mong muốn tạo thói quen dùng hàng sạch cho người tiêu dùng”, chị Nga lý giải.
Qua tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng, thời tiết, năm 2019, chị trồng thử nghiệm 6 giống lúa tím than và lúa đen theo phương thức sản xuất hữu cơ. Sau đó chị tiếp tục chọn lọc những hạt tốt làm giống cho những vụ kế tiếp.
“Đất hoa màu chỉ trồng rau, bán thô thì khác gì vàng ở trong tay mà không biết sử dụng vậy”. Chị Lê Thị Thanh Nga |
Chị cho hay, giống lúa tím than có thời gian canh tác khoảng 120 ngày. Cách gieo, trồng, chăm sóc cũng không khác nhiều so với các loại lúa khác nhưng chị chọn trồng theo phương pháp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất nào. Thay vào đó, kết hợp nuôi vịt để tạo nguồn lợi kép. “Nhiệm vụ của những chú vịt là tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu bệnh hại lúa, hơn thế vịt di chuyển giữa các cây lúa cũng tạo độ xốp cho đất, kích thích lúa phát triển. Lúa trổ đòng thì vịt đến ngày xuất bán, như vậy tạo nguồn lợi kép”, chị nói.
Không dừng lại ở đó, hai vợ chồng mày mò nghiên cứu tạo ra các sản phẩm từ gạo tím than, như trà xanh gạo tím than, rượu Ô mê tửu, và các loại nước uống như sữa gạo tím than, trà, sinh tố,...
Những chuyến du lịch cùng nhau, vợ chồng chị nhận ra rằng ở rất nhiều nước không có điều kiện tự nhiên ưu đãi, không nhiều ruộng đồng như Việt Nam nhưng họ lại biết phát huy tối đa tiềm lực ít ỏi và đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn nông dân Việt Nam lại đang chán đồng, bỏ ruộng.
“Tôi thấy Việt Nam là xuất khẩu gạo lớn nhưng sản phẩm chế biến từ gạo lại rất hạn chế. Người nông dân dù làm rất nhiều ruộng, rất vất vả nhưng bán sản phẩm thô nên không cho thu nhập cao. Trong khi nhiều nước khác nhập gạo về, họ tạo ra các sản phẩm rồi bán lại cho thị trường Việt Nam. Đó là điều đáng suy nghẫm”, anh Boonlert Kamyai chồng chị Nga, chia sẻ. Cũng từ đó, giấc mơ về việc xây dựng nông trại trồng gạo sạch, các sản phẩm từ gạo nhen nhóm.
Điểm du lịch hút khách
|
Gạo tím than made in Lò gạch cũ. Ảnh: Hoài Văn |
Một lần đi ngang qua cánh đồng ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, hình ảnh chiếc lò gạch cũ nằm giữa cánh đồng trông thấy thân thương, yêu thích vô cùng. Chị bàn với chồng cùng hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của mình tại đây.
Chồng chị, anh Boonlert Kamyai vốn là kỹ sư nông nghiệp, đồng ý từ bỏ công việc kinh doanh để đồng hành với vợ. Chẳng ai ngờ rằng cô gái vốn là dân văn phòng, chưa một ngày lội ruộng lại mê mẩn với ruộng đồng đến thế. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng cả hai lại xắn quần lội ruộng, hết cày ruộng, cuốc đất, cạo cỏ lại lùa vịt… Nhìn đôi trẻ chăm chỉ cần cù, người dân yêu mến, gọi hai vợ chồng là... “Chí Phèo - Thị Nở”.
Chẳng mấy chốc, cả cánh đồng quanh chiếc lò gạch cũ những mầm sống mọc lên, xanh mơn mởn, rồi lúa trổ đòng và đến ngày thu hoạch. Những “hạt ngọc” đầu tiên khiến cả hai vui mừng, hạnh phúc.
Một khu trại nhỏ bằng mái lá được dựng lên giữa cánh đồng. Những chiếc nan tre xếp lại thành chiếc cầu nối dài uốn lượn dẫn tới cái lò gạch. Nông trại mang tên “Lò gạch cũ Famstay” của vợ chồng “Chí Phèo - Thị Nở” dựng đơn sơ nhưng thu hút rất đông du khách. Ban đầu là những bạn trẻ ngang qua, tò mò vào check-in rồi trải nghiệm những món ăn thức uống từ nông trại lên bàn ăn. Cứ thế, hình ảnh lò gạch cũ được giới trẻ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, trở thành một trong những điểm hút khách số một ở Quảng Nam.
|
Famstay Lò gạch cũ trở thành điểm du lịch hút khách. Ảnh: Nguyen Giang |
Thời điểm dịch bệnh được khống chế, Việt Nam mở cửa du lịch thì lượng khách đến ngày một đông, cao điểm cả ngàn khách mỗi ngày.
“Đưa được mọi người tới đây đó là thành công bước đầu. Để họ trực tiếp trải nghiệm những món ăn, thức uống, những sản phẩm chính tại nơi sản xuất là mục tiêu hướng đến. Nhiều người sau đó thích và gọi điện đặt mua, trở thành khách quen”, chị Nga chia sẻ.
Với nhu cầu ngày càng cao, sắp tới vợ chồng chị dự định sẽ mở rộng lên 5 héc ta trồng lúa tím than và rau hữu cơ, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân tại địa phương chuyển giao nếu có nhu cầu. Chỉ tay về những chòi dựng trong nông trại, chị nói đó chính là “vườn ươm khởi nghiệp”, nơi ở miễn phí cho những bạn trẻ mong được học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của vợ chồng chị.
“Nhiều bạn trẻ tìm đến nông trại để học hỏi về mô hình, vợ chồng mình rất hoan nghênh, bố trí chỗ ở để thuận tiện. Mình chưa thực sự thành công, không giỏi giang nhưng mình có trải nghiệm và cả những bài học từ thất bại của mình mong muốn chia sẻ để các bạn khởi nghiệp được thuận tiện hơn”.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhìn nhận, “Từ lò gạch bỏ hoang, nhờ cải tạo của cặp vợ chồng trẻ đến nay đã trở thành điểm du lịch check-in được du khách, bạn trẻ biết đến. Sản phẩm gạo tím than Lò gạch cũ vừa qua cũng được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Những bạn trẻ với những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, cùng niềm đam mê, sự chịu khó sẽ tạo ra những trái ngọt xứng đáng”.
Năm 2021 sản phẩm gạo tím than Lò gạch cũ của vợ chồng chị Nga đã được UBND tỉnh Quảng Nam chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Lò gạch cũ Farm stay được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020. |
Theo Hoài Văn (TPO)