Giằng co với tử thần: Phía sau cuộc chiến giành sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phía sau cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh, nhiều y bác sĩ cũng đang giằng co giữa ở lại bệnh viện hay rời đi vì gánh nặng riêng-chung.
20 giờ, bác sĩ (BS) Q. (Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM) cùng đồng nghiệp mở hộp cơm mua ven đường ăn bữa tối. Họ vừa trở về sau ca cấp cứu ngoại viện ở Q.Tân Phú. “Nguội ngắt, cơm cứng như gạo còn sống…”, BS Q. chép miệng nhưng vẫn lùa nhanh vì sợ lại có chuông báo động.
Những bữa ăn vội như vậy đã trở thành thông lệ của nhân viên cấp cứu ngoại viện. Bước vào ca trực, họ chỉ biết đến sự sống còn của bệnh nhân. Nhưng sau những giây phút căng thẳng ấy, họ còn một cuộc chiến khác: Giữ hay bỏ nghề để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, con cái ăn học?
Đi hay ở lại ?
BS N.D.L, chuyên khoa cấp cứu tim mạch ở một bệnh viện (BV) tại TP.HCM, có 12 năm làm nghề nhưng thu nhập chỉ khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng. “Nếu không có thêm thu nhập của bà xã thì tôi không thể nuôi được 2 đứa con”, BS N.D.L chia sẻ. Vợ anh làm nhân viên ngân hàng, thu nhập cũng khoảng 10 triệu/tháng. Ngoài giờ làm ở BV, anh nhận thêm gói khám sức khỏe ở một số công ty nhưng không dám đi xa BV vì phải trực cấp cứu suốt 24/7. Anh cũng giao kèo với bên khám sức khỏe tư là khi có ca cấp cứu thì sẽ phải ưu tiên về viện.

Đơn vị Hồi sức tích cực thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 luôn bị quá tải giường bệnh. Ảnh: Lê Vân
Đơn vị Hồi sức tích cực thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 luôn bị quá tải giường bệnh. Ảnh: Lê Vân
“Ở Sài Gòn với 2 đứa con ăn học mà vợ chồng được trên 20 triệu đồng/tháng thì coi như tằn tiện vừa đủ. May có nhà ở đây chứ nhiều đồng nghiệp thuê nhà thì còn căng thẳng hơn. Người ta hay nói BS là trí thức tinh hoa, thu nhập cao nhưng có lẽ là ở đâu đó số ít thôi. Mình ở lại vì bệnh nhân nghèo. Không còn BS, họ không có chỗ bám víu”, BS này chia sẻ.
Điều dưỡng gây mê - dụng cụ P.Đ.G cũng trăn trở với ý định rời đi hay ở lại. Thu nhập điều dưỡng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng, vợ phải ở nhà chăm con nhỏ. Để tiết kiệm, gia đình G. ở nhờ nhà ngoại tuốt Q.12. Vì đặc thù công việc nên anh đi làm giờ giấc thất thường, có đêm phải vào viện cách nhà hơn 10 km để tham gia cấp cứu. BV có hỗ trợ tiền taxi nhưng anh tiết kiệm khoản đó, đi xe máy để cơ động và có thêm chút thu nhập ngoài lương. “Mới có một đứa đã lo không nổi, muốn đẻ thêm cũng không dám”, anh G. tâm sự.
Người ta hay nói bác sĩ là trí thức tinh hoa, thu nhập cao nhưng có lẽ là ở đâu đó số ít thôi. Mình ở lại vì bệnh nhân nghèo. Không còn bác sĩ, họ không có chỗ bám víu.
BS N.D.L,
chuyên khoa cấp cứu tim mạch ở một bệnh viện tại TP.HCM
Trong một khảo sát bỏ túi, chúng tôi ghi nhận tại các BV tư, thu nhập trung bình của điều dưỡng khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng. Dễ thấy trên mạng các mẩu tuyển dụng y sĩ, BS, điều dưỡng luôn được các đơn vị y tế tư nhân mời chào với mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng trở lên.
“Tôi từng được mời làm giám đốc một BV thẩm mỹ lớn ở Hà Nội. Mức lương, chưa kể thưởng, khoảng 5.000 USD/tháng. Tôi biết nhiều đồng nghiệp giỏi ở BV công cũng được mời đi BV tư với mức lương từ trăm triệu đồng/tháng trở lên. Nói thật, đó là “cám dỗ” không nhỏ”, một BS ở TP.HCM cho biết.

Người bệnh nằm hành lang chờ vào phòng hồi sức sau phẫu thuật
Người bệnh nằm hành lang chờ vào phòng hồi sức sau phẫu thuật.
Trăm điều khó
Ghi nhận làn sóng “chảy máu nhân lực” từ hệ thống công ra các cơ sở tư nhân, nhiều BS cho biết ở đâu cũng là làm việc cứu chữa người bệnh. Nhưng nếu BS giỏi ở BV công đi hết, thiệt thòi dành cho người bệnh nghèo. Mà tỷ lệ “đã bệnh còn nghèo” ở Việt Nam lại quá cao so với người giàu.
TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, chia sẻ: “Điều kiện làm việc của BS là sinh mạng của người bệnh. Nếu không đủ trang thiết bị, thuốc men, hoặc BHYT không có danh mục thuốc đáp ứng chuyên môn sẽ gây khó khăn vô cùng cho BS điều trị. Cạnh đó, BS ở BV tư thường có mức lương gấp đôi BS ở BV công. Tất nhiên BS ở BV công vẫn có thể gia tăng thu nhập bằng hoạt động phòng khám, nhưng số này không nhiều. Việc bám trụ BV công hay không còn do quan điểm cá nhân và mục tiêu, năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, các nhân viên y tế luôn mong được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp nhất, tất cả là vì bệnh nhân”.

Ê kíp cấp cứu đột quỵ của Trung tâm cấp cứu 115 chỉ có 2 người choàng gánh nhiều công việc.
Ê kíp cấp cứu đột quỵ của Trung tâm cấp cứu 115 chỉ có 2 người choàng gánh nhiều công việc.
BS Lê Hoàng Sơn, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, tâm sự: “Đầu năm 2022 ở trung tâm có một BS và 3 điều dưỡng nghỉ việc. Bản chất tour trực trước giờ đã gồng nhiều rồi vì ca cấp cứu quá đông ở cả khu vực trung tâm và các quận xung quanh. Hồi trước mỗi kíp trực có 4 người (1 lái xe, 1 BS, 2 điều dưỡng). Nay do điều dưỡng nghỉ quá nhiều nên mỗi tour chỉ có 1 - 2 điều dưỡng. Cấp cứu ngoại viện đã thiếu người lại phải cắt giảm nên chúng tôi lo không hỗ trợ tốt cho bệnh nhân. Trường hợp gọi cấp cứu nặng mà xe đi hết chỉ còn 1 BS, 1 điều dưỡng, vẫn phải điều xe đi. Như với ca hồi sinh tim phổi, phải có 1 người hồi sức tích cực, 1 người ép tim, 1 người bóp bóng, 1 người tiêm truyền. Nhưng vì thiếu người, ê kíp chỉ 2 người phải gồng gánh luôn. Vì vậy hiện tại trung tâm đang cố gắng đào tạo lái xe để hỗ trợ. Nhưng các bác tài chỉ giúp được phần nào chứ không thể choàng hết công tác chuyên môn được”.
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết trước đây xe cứu thương 115 thuộc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương. Năm 2017, trung tâm mới thành lập. “Những ngày đầu anh em gặp khó khăn kinh tế, vì mất nguồn thu từ BV. Hoạt động cấp cứu ngoại viện không được làm dịch vụ, không được ngồi phòng khám nên coi như anh em mất thêm thu nhập đó. Nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông, người vô gia cư, dù phải dùng thuốc, phương tiện kỹ thuật cấp cứu mà nạn nhân không qua được thì không thể thu phí, coi như thất thu. Khó nữa là việc cấp chứng chỉ hành nghề. Giám đốc BV có thể cấp chứng chỉ hành nghề còn tại trung tâm thì không thể. Hàng loạt nhân sự đã nghỉ khi mới tách khỏi BV Trưng Vương. Để giải quyết nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề cho BS, chúng tôi đưa họ đi học ở các BV, mở rộng thêm 39 trạm vệ tinh để hỗ trợ trung tâm và tuyển thêm nhân sự”, BS Nguyễn Duy Long nói.
Khó tuyển tài xế
Những bác tài ở Trung tâm cấp cứu 115 vừa phải chạy xe cấp cứu trong điều kiện giao thông rất khó khăn, vừa phụ vận chuyển bệnh, thậm chí bảo quản, cung cấp dụng cụ cấp cứu cho BS, vốn là công việc của điều dưỡng. Đây cũng là lực lượng khó tuyển nhất ở Trung tâm cấp cứu 115. “Tôi đã đề xuất đưa lực lượng tài xế vào viên chức ngạch nhân viên để được tăng thêm thu nhập. Với số lượng xe đông, công việc nặng nhọc lại theo ca kíp nên tài xế rất khó tuyển. Bây giờ trung tâm chỉ san sẻ thu nhập cho anh em ở mức tối thiểu thêm 3 triệu đã là cố gắng”, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc trung tâm, cho hay. Dù trung tâm được tăng từ 163 lên hơn 357 nhân sự nhưng đến nay chưa tuyển đủ để đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân TP.HCM.
Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.