Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua TQ: Bí ẩn những phụ nữ 'biệt tích'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống nghèo túng, thiếu việc làm khiến nhiều phụ nữ vùng cao đánh liều vượt biên tìm việc nhưng sập bẫy của những kẻ buôn người đã giăng sẵn để lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc.
 Công an biên phòng TQ, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tổ chức bàn giao và tiếp nhận phụ nữ bị lừa bán sang TQ trở về VN
Công an biên phòng TQ, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tổ chức bàn giao và tiếp nhận phụ nữ bị lừa bán sang TQ trở về VN
Đi tìm việc, bị lừa bán làm vợ
Chúng tôi đến Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) giữa tháng 5 tìm gặp Vàng Thị P. (17 tuổi) - nạn nhân trong vụ buôn bán người được Công an biên phòng Trung Quốc (TQ) trao trả cho Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai ngày 4-5. Sau hơn chục ngày về VN, cô gái không biết chữ cũng không nhớ nổi số điện thoại để báo tin cho gia đình.
P. không nói được tiếng Kinh nên câu chuyện giữa chúng tôi và P. phải nhờ cán bộ tại trung tâm làm phiên dịch. P. kể, khi còn ở nhà, suốt ngày chỉ quanh quẩn chăn trâu, làm nương ruộng giúp gia đình và chưa một lần đi xa. Một ngày trong tháng 10.2017, một người bạn cùng thôn là Vàng Thị Vờ rủ P. đi TP.Lào Cai chơi vì “ở phố đông vui, quen biết nhiều người lại dễ kiếm việc làm”. P. rất háo hức và quyết định “đi chơi một chuyến”. “Chúng em bắt ô tô xuống bến xe TP.Lào Cai thì có mấy người bạn của Vờ đến đón và tiếp tục chở đi bằng xe máy”, P. nhớ lại và kể tiếp: “Cho đến khi em bị bán vào một gia đình người Mông bên TQ, em mới biết mình đã bị lừa. “Chồng” em 23 tuổi, sống cùng bố mẹ, chỉ nói được một ít tiếng Mông. Sợ em bỏ trốn nên trước khi đi làm họ nhốt em trong nhà cả ngày”.
Sống trong gia đình người TQ bất đồng ngôn ngữ, P. rất nhớ gia đình, nhớ các em. “Gần 1 tháng bị nhốt trong nhà, họ nghĩ là em đã quen nên không nhốt nữa. Nhân lúc nhà chồng đi làm xa, em bỏ trốn. Lúc ấy em chỉ nghĩ thà chết thì thôi chứ không ở lại nữa. Em may mắn vào được đồn công an TQ rồi được đưa về VN, còn bạn đi cùng em giờ ở đâu cũng không rõ 
Từ tỉnh Lào Cai, chúng tôi ngược gần 300 km về xã Xà Hồ (H.Trạm Tấu, Yên Bái) mang tin tức của P. về với gia đình. Con đường từ trung tâm huyện vào xã Xà Hồ dù được trải bê tông nhưng sau một đêm mưa lớn, nhiều đoạn ngập ngụa bùn lầy chỉ có thể vào đến trung tâm xã. Để đến được nhà P. ở thôn Khấu Dê phải vượt thêm 3 dãy núi nữa, đường đất sau trận mưa lớn không còn cách nào tiếp cận, muốn đi bộ cũng phải chờ đất khô.
Đón chúng tôi lúc giữa trưa, ông Giàng A Sái, Trưởng công an xã Xà Hồ (H.Trạm Tấu), xác nhận, P. nằm trong số những người “biệt tích lâu ngày” khỏi địa phương. Ngày 18.10.2017, Công an xã Xà Hồ nhận được trình báo của gia đình P. và Vàng Thị Vờ đi làm thuê nhưng không rõ địa chỉ, đã lâu không trở về nhà, mất liên lạc với gia đình. Chính quyền địa phương tìm mọi cách xác minh nhưng nhiều tháng trôi qua cũng không có tin tức gì. Khoảng 7 - 8 tháng sau, phía gia đình có trình báo lại, con em có gọi về nhà, nhưng nói được vài câu rồi tắt máy, khi gọi lại chỉ nghe tiếng TQ. Ông Giàng A Sái bày tỏ, khả năng những người này bị bán sang TQ được tính đến nhưng không cách nào xác minh. “Ngay ở Xà Hồ bây giờ đang có 8 phụ nữ “biệt tích” khỏi địa bàn, mất liên lạc với gia đình từ nhiều tháng qua, tất cả đều là những em gái chưa lập gia đình”, ông Sái nói.
P. bị lừa bán làm vợ ở TQ nhưng may mắn trốn thoát, được đưa về VN - Ảnh: Hậu Hằng
P. bị lừa bán làm vợ ở TQ nhưng may mắn trốn thoát, được đưa về VN - Ảnh: Hậu Hằng
Chọn hộ nghèo, vùng khó khăn để lừa
Theo ông Mù A Đế-Chủ tịch UBND xã Xà Hồ (H.Trạm Tấu), những nạn nhân như P. và Vàng Thị Vờ (hiện đang biệt tích - PV) hay trường hợp Giàng Thị Th. được giải cứu trở về cách đây 2 năm cũng đều thuộc hộ đặc biệt khó khăn, bị các đối tượng buôn bán phụ nữ lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo bằng việc làm.
Ở xã vùng cao Xà Hồ với hơn 1.000 nóc nhà thì một nửa là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, nhiều hộ vẫn trong diện cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt. Người dân chủ yếu trồng lúa và ngô, lúc nông nhàn thì đi tìm việc ở nơi khác, địa bàn rộng, các thôn bản ở xã cũng rất khó để quản lý. “Năm nào xã cũng có tuyên truyền về tội phạm buôn bán phụ nữ qua lôi kéo bằng việc làm để bà con cảnh giác nhưng các gia đình khi có người thân đi làm lâu ngày không về nhà, mất liên lạc hoàn toàn thì mới báo ra đến xã”, ông Đế nói.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ (H.Bát Xát), cho biết trong năm 2017, địa phương ghi nhận có 3 phụ nữ “biệt tích” và 4 tháng đầu năm nay có thêm 2 người nữa “đã lâu không thấy trở về nhà”, hoàn toàn mất liên lạc với gia đình. Cả 5 trường hợp này là phụ nữ dân tộc Mông sinh sống trên các thôn vùng cao và giáp biên giới. Theo ông Thắng, các phụ nữ “biệt tích” có điểm chung là gia cảnh rất khó khăn. Ở xã Cốc Mỳ vẫn còn 3 thôn vùng cao chưa có điện thắp sáng, quanh năm chỉ cấy được 1 vụ lúa, có hộ nghèo đến nỗi thu nhập bình quân mỗi khẩu chưa đến 520.000 đồng/năm. Sau vụ lúa, bà con lại phải đi chỗ này, chỗ kia tìm việc làm. Qua nắm thông tin, có trường hợp sang TQ làm thuê trong các trang trại trồng chuối rồi ở lại luôn. “Có trường hợp vợ trốn chồng đi làm thuê bên TQ rồi không về nữa, chị em đi trước rủ người đi sau, đều rơi vào những phụ nữ vùng cao biên giới”, ông Thắng nói.
Nhiều năm làm công tác hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người, ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai, cho biết từ tháng 3.2010 đã có hơn 200 nạn nhân được hỗ trợ qua mô hình Nhà nhân ái, nạn nhân được giải cứu trở về chủ yếu bị bóc lột tình dục hoặc gả bán làm vợ cho người TQ. Nạn nhân nhiều nhất là nhóm thiếu việc làm, có trường hợp bị tái buôn bán, khi được đưa về thì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại có nhu cầu việc làm lại tìm cách đi TQ làm tiếp thì bị bán lại.
Cũng theo ông Nguyễn Tường Long, trong báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai năm 2017 có thời điểm toàn tỉnh có gần 3.000 phụ nữ đi khỏi địa phương, có nhóm “chồng con đề huề” vẫn bỏ đi TQ tìm việc làm, có nhóm bị dụ dỗ làm vợ, sinh con cho người TQ. “Các đối tượng buôn bán phụ nữ hướng vào các cháu vừa học xong THPT đang có nhu cầu tìm việc làm, lừa đi TQ làm việc lương cao rồi tìm cách để bán”-ông Long nói.
Trao đổi với Thanh Niên, Trung tá Hoàng Quốc Phong, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cho rằng trong nhiều vụ buôn bán người được phá thành công, các đối tượng lợi dụng chị em có nhu cầu bức thiết về việc làm để lừa gạt. Nhu cầu việc làm căng thẳng nhất dịp sau tết nông nhàn, điển hình trong tháng 2, Đồn biên phòng phải huy động lực lượng tuyên truyền, ngăn chặn 300 người dân vượt biên trái phép sang TQ. Nạn nhân trở về có người bị đánh đập hành hạ, đối xử tệ bạc buộc phải trốn chạy, có người may mắn được giải cứu khi công an TQ mở các đợt truy quét kiểm tra hành chính. Chỉ có một số trường hợp cá biệt, may mắn được nhà chồng đối xử tử tế, yêu thương thì ở lại gắn bó lâu dài. “Chúng tôi từng tiếp nhận các nạn nhân bị lừa bán được phía TQ phát hiện khi kiểm tra hành chính, đưa trả về VN nhưng gặp nhà chồng tốt, cuộc sống sung túc, sau đó làm thủ tục chính thức để xuất cảnh hợp pháp quay lại, nhưng số như này là không nhiều”, trung tá Phong nói.
Phan Hậu-Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.