Gian nan những phận người vượt biên trái phép tìm "miền đất hứa": Quê hương luôn rộng vòng tay (Bài cuối)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, các trường hợp hồi hương về Việt Nam đã được cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ. Nhiều người sau đó đã có công ăn việc làm, dần ổn định cuộc sống.

Chuyện về những cán bộ bám bản

Gia Lai bước vào mùa mưa, những con đường đất đỏ bazan trở nên trơn, trượt khó đi hơn bao giờ hết. Trong cơn mưa tầm tã, Đại úy Đặng Khắc Trung, cán bộ Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Gia Lai ghìm mạnh tay lái, tránh những chiếc ổ gà lổn nhổn…, gần chục năm gắn bó với địa bàn, anh thuộc từng khúc cua, từng ổ gà…

Lãnh đạo, cán bộ Cục An ninh nội địa Bộ Công an thăm, gặp, vận động gia đình có người xuất cảnh trái phép.
Lãnh đạo, cán bộ Cục An ninh nội địa Bộ Công an thăm, gặp, vận động gia đình có người xuất cảnh trái phép.

Dưới cơn mưa trắng xoá, căn nhà của Kpuih Mel dần hiện ra. "Cán bộ Trung đấy à. Mưa to thế, cán bộ vào nhà đi...", nói rồi vợ của Kpuih Mel dừng tay đon đả mới anh vào trong nhà. Địa bàn Đại úy Đặng Khắc Trung phụ trách gồm 4 xã là Ia Tiêm, Chư Pơng, Bờ Ngoong và Bar Maih thuộc huyện Chư Sê, tình hình ANTT diễn biến phức tạp, nổi lên trong thời gian qua là tình trạng trốn sang Thái Lan và Campuchia. Đối tượng Kpuih Mel từng có 2 tiền án về tội tổ chức trốn. Vậy nhưng vì ảo tưởng vào cuộc sống ở bên kia biên giới nên mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền, giải thích, đối tượng vẫn muốn tìm kiếm cơ hội để sang nước thứ ba.

"Sau khi Kpuih Mel về nước, tôi đã thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền cho Kpuih Mel về phương thức và thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong ổ nhóm. Qua những lần gặp gỡ, vợ của Kpuih Mel đã hiểu về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhưng Kpuih Mel thì vẫn mù quáng tin vào những lời hứa hão của các đối tượng đưa dẫn"- Đại úy Đặng Khắc Trung nhớ lại.

Một tuần đôi lần, khi xuống bản, anh đều ghé qua, lúc thì giúp vợ của Kpuih Mel vài công việc nặng, có khi lại liên hệ giúp họ hàng của họ làm một vài loại giấy tờ tuỳ thân… Qua những lần đó, vợ của Kpuih Mel đã mở lòng hơn. Đã ở vào cái tuổi không còn trẻ nữa, chị không muốn rời bỏ nơi "chôn nhau, cắt rốn".

Cũng trong thời gian này, anh thấy Kpuih Mel có biểu hiện bất thường, ngoài việc tránh né không gặp cán bộ, anh ta còn lén lút gặp gỡ một số người để bán một số tài sản có giá trị trong gia đình. "Lúc này, tôi nhận thấy rằng muốn vận động được Kpuih Mel, phải thông qua người vợ và những người thân thiết…"- Đại uý Đặng Khắc Trung nhớ lại. Sau đó, anh đã thông qua vợ của Kpuih Mel vận động, thuyết phục anh ta. Đến thời điểm này, Kpuih Mel đã hiểu ra, yên tâm ổn định cuộc sống nơi quê nhà.

Hiểu phong tục tập quán, lại là người địa phương, Đại úy Ksor Ba, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Gia Lai có thuận lợi hơn trong công việc nhưng không vì thế mà chẳng có khó khăn. Không ít lần xuống bản, anh nhận được những câu nói rất khó nghe như "là cán bộ người DTTS mà toàn đi săm soi, xét nét, gây khó dễ cho đồng bào". Nhưng anh hiểu, bà con chưa hiểu hết được chủ trương, chính sách của Nhà nước nên vẫn bị các đối tượng lợi dụng, lôi kéo. Vì thế, mỗi cán bộ Công an cắm bản phải gần dân, sát dân hơn nữa. Hàng trăm, hàng nghìn lời nói cũng không bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại bình yên cho người dân. Khi mỗi người đều nhận thức được thì sẽ tạo thành một "thành luỹ" vững chãi, không một đối tượng nào có thể xuyên tạc, lừa phỉnh… Với tâm niệm như vậy, Đại úy Ksor Ba vẫn âm thầm làm nhiệm vụ.

Trong quá trình làm việc, anh đã nắm bắt tâm lý của không ít đối tượng và vận động họ trở về thành công. Blek (trú tại huyện IaPêt, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ. Trước đây, Blek từng có thời gian theo một toán FULRO vào rừng sinh sống. Sau khi anh ta bỏ đi, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy gò của người vợ… Những buổi vợ của Blek làm nương rẫy, anh tranh thủ gặp gỡ và giúp đỡ. Qua những lần đó, người cán bộ trẻ đã hiểu được tâm tư của người vợ. Từ đó, anh đã phân tích, giúp cho Blek hiểu được hành vi của mình. Từ đó, người đàn ông đã yên tâm tu chí làm ăn.

Ngày 27/6/2019, nghe lời một số đối tượng Fulro lưu vong tuyên truyền, hộ gia đình Nay H' Chấc, ở xã Ea Lâm, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã tham gia trốn. Cuộc sống quá khó khăn nơi đất khách, quê người, đến tháng 1/2020, đối tượng đã tự nguyện hồi hương do không chịu được cuộc sống khó khăn nơi đất khách, quê người.

Trước khi tham gia trốn, gia đình của H'Chấc thuộc diện hộ nghèo, tham gia tổ chức "Tin lành Đê ga", chính quyền địa phương nhiều lần giải thích, vận động, tuyên truyền, nhắc nhờ nhưng không chịu từ bỏ. Sau đó, anh ta bán hết đất sản xuất, chi phí cho việc đi trốn. Sau khi về nước, đời sống gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, bà con xa lánh.

Sau khi anh ta về nước, Công an tỉnh Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, động viên đối tượng và tổ chức tuyên truyền bà con buôn làng đón nhận, cảm thông cho hoàn cảnh của gia đình Nay H' Chấc. Đồng thời, hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương. Đến nay, cuộc sống đã dần ổn định.

Vậy nhưng trong thời gian này, số đối tượng "Tin lành đấng Christ Tây nguyên" trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, lôi kéo Nay H' Chấc tham gia. Qua tìm hiểu và biết được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của gia đình đối tượng là chính đáng, nhưng nhận thức chưa rõ nên bị các đối tượng lôi kéo, Công an tỉnh Phú Yên đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển sinh hoạt tôn giáo tin lành thuần tuý…

Trở về với quê hương

Qua thống kê, từ năm 2018 đến nay đã có 48 hộ gia đình/96 trường hợp người DTTS Tây Nguyên trốn đi Campuchia, Thái Lan đã trở về Việt Nam. Các trường hợp hồi hương về Việt Nam hầu hết được cấp ủy, chính quyền quan tâm thăm hỏi, động viên, tháo gỡ vướng mắc tư tưởng, tâm lý, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, hoà nhập cộng đồng. Họ được hỗ trợ các nhu yếu phẩm ban đầu, hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất...

Đến nay, điều kiện sống của số hồi hương cơ bản ổn định, có 21/48 hộ thuộc diện nghèo/cận nghèo; 23/48 hộ thuộc diện trung bình; 4/48 hộ thuộc diện khá. Nhiều người được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, được cấp giấy tờ tuỳ thân theo quy định, con em được đến trường.

Những người trong cuộc kể lại hành trình với phóng viên Báo CAND.

Những người trong cuộc kể lại hành trình với phóng viên Báo CAND.

Điển hình như trường hợp Siu Thuyn (SN 1985, trú tại xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Nghe lời kẻ xấu, 3 anh em nhà Siu Thuyn bán hết số mì của gia đình, vay mượn thêm 40 triệu đồng để vượt biên sang Thái Lan. Ngày đi, Siu Thuyn nuôi hy vọng sẽ làm được nhiều tiền để có cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng, vừa qua đến Thái Lan, họ đã bị đưa đến những khu trọ tập trung, phải làm đủ việc để có tiền ăn uống tằn tiện, khổ cực; nghỉ làm ngày nào thì ngày đó nhịn… Cùng với đó, vì nhập cư trái phép, cuộc sống của họ ở Thái Lan đầy bất trắc, nơm nớp lo sợ Cảnh sát Thái Lan…

Vì không chịu nổi cảnh sống chui lủi nơi đất khách, 3 anh em Siu Thuyn đã liên lạc với người nhà, chính quyền địa phương để tìm cách đưa họ trở về quê hương. Được Công an, chính quyền địa phương, già làng tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp đỡ, anh Siu Thuyn hiểu ra âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đó, anh Siu Thuyn chuyên tâm vào làm ăn, chăm lo ruộng rẫy, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Nhờ vậy, đến nay gia đình đã có trên 1ha lúa, 5 con bò, xe công nông…, cuộc sống ổn định, bình yên bên buôn làng. Đặc biệt, Siu Thuyn còn tích cực cùng lực lượng Công an đi tuyên truyền bà con không nghe kẻ xấu vượt biên trái phép. Bởi hơn ai hết, sau chuyến đi Thái Lan, Siu Thuyn thực sự thấm chân lý "Có làm thì mới có ăn".

"Dân làng mình đừng nghe người ta nói ra nước ngoài không làm cũng có ăn. Đâu ai cho không mình cái gì. Giờ đây, tôi đã nhận ra sai lầm của mình, quyết tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ cuộc sống của mình đã tốt đẹp, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Từ sai lầm của bản thân, tôi mong bà con các buôn làng chăm lo làm ăn, cố gắng phát triển kinh tế, đừng nghe lời xúi giục của kẻ xấu. Đừng mơ mộng giàu sang mà không chịu làm, phải chăm chỉ làm ăn thì mới có dư dả, cuộc sống sung túc", anh Siu Thuyn tâm sự.

Trường hợp của anh Y Ruên Niê (SN 1984, trú tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) gian nan hơn trên con đường trở về quê hương. Khoảng giữa tháng 5/2019, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, vợ chồng Y Ruên Niê vượt biên trái phép đến Thái Lan để chờ sang Mỹ, Canada như lời dụ dỗ của bọn phản động, lưu vong nhưng rồi bị các đối tượng từng dụ dỗ lừa lấy tiền bạc, bị bỏ rơi nơi xứ người, phải sống chui lủi vì sợ Cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Gần 4 tháng lưu lạc sống khổ cực, nhịn đói, nhịn khát, con cái không được học hành thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng của gia đình Y Ruên Niê.

Theo lời kể của Y Ruên Niê: "Xuất phát ngày 17/5/2019, chúng tôi được đưa từ Buôn Hồ xuống TP Hồ Chí Minh - Campuchia - Thái Lan. Đặt chân đến Thái Lan, chúng tôi mới biết mình bị lừa tiền, vì kể từ ngày đó đến nay không có tổ chức, cá nhân nào đến nói chuyện, hay hỏi han gì, không sắp xếp nơi ăn ở hay công việc gì cho gia đình… Cả nhà chỉ sống bằng số lượng gạo được hỗ trợ trong 3 tháng là 8 bao, mỗi bao chỉ 5kg, chất lượng gạo quá tệ; giá thực phẩm rất đắt, còn lại tự làm thuê kiếm sống, tiền làm thuê không đủ trang trải cho 4 người" anh Y Ruên Niê nhớ lại.

Do "công việc không phù hợp, lái xe không được vì luật pháp khác, xe ôtô thì tay lái nghịch... lao động thủ công thì giá bèo", nhiều lần Y Ruên Niê và con phải đi hái lá mì để ăn, nhưng rồi cũng không dám nữa vì nghe nói là tội ăn cắp ở đây họ có quyền bắn chết nếu bị phát hiện. Đi lại không tự do, bất đồng ngôn ngữ… túng thiếu đủ thứ, cuộc sống vô cùng khốn khổ. Đặc biệt các con không được học hành, cháu lớn khóc rất nhiều vì nhớ trường lớp, lại sắp đến ngày khai trường muốn được về đi học, Y Ruên Niê và vợ suy nghĩ rất nhiều và quyết định bằng mọi giá phải trở về Việt Nam.

Khi biết tin Y Ruên Niê có ý định trở về, bọn phản động và những người đi cùng dọa dẫm rằng: Nếu trở về sẽ bị bỏ tù, đầu độc, bị phạt và trừng trị rất nặng. Nhưng cuộc sống quá cùng cực, khốn khổ nơi đất khách quê người đã thôi thúc Y Ruên Niê phải đưa gia đình về Việt Nam, Y Ruên Niê vô cùng ân hận vì một phút dại dột, nông nổi đã đẩy đưa gia đình mình đến sự cùng cực.

Với quyết tâm trở về, Y Ruên Niê đã tìm và liên lạc được với những người Việt tốt bụng ở Thái Lan và trong nước. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của họ, ngày 3/9/2019 gia đình Y Ruên Niê về đến đồn Biên phòng Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, họ được bộ đội thăm hỏi, chăm sóc tận tình chu đáo, cho ăn nghỉ, trực tiếp Bí thư Huyện ủy Tân Châu hỗ trợ 2 triệu đồng

Sau đó, trên đường từ Tây Ninh về Buôn Hồ, gia đình Y Ruên Niê lại được lãnh đạo Công an tỉnh thăm hỏi, động viên, chăm sóc, trích quỹ đơn vị hỗ trợ 5 triệu đồng; trực tiếp đồng chí Giám đốc Công an tỉnh hỗ trợ thêm 5 triệu đồng.

Sáng 5/9/2019, gia đình Y Ruên Niê về đến buôn làng của mình lại Buôn Sing A, xã Ea Drông. Về đến nhà, gia đình Y Ruên Niê rất vui mừng vì không như kẻ xấu tuyên truyền là bị bỏ tù, đầu độc, tra tấn... Ngược lại, Y Ruên Niê rất cảm động bởi sự quan tâm, đón nhận, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành chức năng đối với gia đình anh từ khi về nước đến nay. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã tặng 50kg gạo, phần quà 300 nghìn đồng; đại diện công đoàn tỉnh tặng 1 phần quà 300 nghìn đồng…

Trong niềm xúc động ngày trở về, Y Ruên Niê và vợ không cầm được nước mắt; bản thân cũng rất ân hận vì mình mà mọi người phải vất vả, khổ lây, mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Đồng thời, anh cũng rất cảm ơn tình cảm bao dung của các cơ quan, ban, ngành đã dành cho gia đình; tất cả đều tha thứ cho người lầm đường, lạc bước trở về, với tinh thần "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".

Qua sự việc này, Y Ruên Niê rất mong mọi người hãy từ bỏ tư tưởng vượt biên trái phép, dẫn đến sai lầm nguy hiểm như mình. Phải hiểu rằng, không nơi nào bằng quê hương, đất nước mình. Mọi người hãy cảnh giác, tuyệt đối không nghe lời rủ rê, dụ dỗ của kẻ xấu để rồi lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang", nhất là lại mang tiếng xấu với mọi người như là "kẻ phản bội Tổ quốc".

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...