Gian nan nghề 'rớ chồ' biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hình ảnh về những 'rớ chồ' trên cửa sông Cu Đê (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) không còn xa lạ đối với người dân, nhưng ít ai biết được câu chuyện mưu sinh vất vả bằng nghề này.

Hằng ngày, cứ vào khoảng 17 giờ, ngư dân ở khu vực cửa sông Cu Đê lại nổ máy di chuyển đến khu vực "rớ chồ" cách cửa sông khoảng 6 km về phía đông. "Rớ chồ" chỉ chòi rớ, gọi theo phương ngữ của TP.Đà Nẵng và Quảng Nam.

Những rớ cá giữa biển nước mênh mông

Những rớ cá giữa biển nước mênh mông

Ngư dân lái thuyền đến khu vực đánh bắt thủy sản khoảng 25 phút và neo đậu cách "rớ chồ" khoảng 70 m, sau đó thả thúng composite để di chuyển đến chòi rớ. Họ bắt đầu thả lưới xuống biển, nối đèn từ nguồn điện được đặt trên thuyền lớn. Tiếp đến, ngư dân thả 2 bè đèn cách thuyền khoảng 100 m với để "dụ" cá tập trung vào đêm khuya.

Ông Huỳnh Sữa (60 tuổi), người có thâm niên hơn 10 năm hành nghề rớ cá biển, chia sẻ: "Sóng yên biển lặng thì thôi, chớ nghề rớ cá biển rất nguy hiểm. Có những ngày biển động, thời tiết thay đổi bất thường khiến việc đánh bắt khó thêm bội phần. Vì tính chất công việc đòi hỏi sức khỏe và thức đêm, chúng tôi luôn chuẩn bị lương thực và cà phê trước khi ra khơi…".

Thành quả sau quá trình chuẩn bị và chờ đợi

Thành quả sau quá trình chuẩn bị và chờ đợi

Theo ông Sữa, cọc rớ có độ sâu khoảng 15 m. Để đóng cọc rớ xuống đáy biển, ngư dân dùng ống sắt hoặc thép, cho cọc tre vào trong lòng ống để đóng xuống. Nhà chòi ở biển có phần khác với nhà chòi ở sông. Ở sông có 4 cọc tre, còn ở biển chỉ có 3 cọc để thuận tiện khi đánh bắt. Rớ có diện tích khoảng 60 m2, độ bền của rớ tùy thuộc vào cách ngư dân sử dụng. Mỗi chiếc rớ đánh bắt cá biển có độ bền khoảng 9 - 10 năm. Ngư dân sử dụng các loại rớ khác nhau, ô lưới có thể rộng, hẹp phù hợp với từng loại thủy sản muốn đánh bắt.

LÀM MÙA NẮNG, ĂN MÙA MƯA

Khoảng 20 giờ, sau khi thả lưới và bật đèn, các ngư dân bắt đầu chuẩn bị bữa tối trên thuyền. Trong bữa cơm lênh đênh giữa biển nước, họ trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống gia đình, chi phí cho con cái theo con chữ…

Chuẩn bị bữa tối trên thuyền đánh bắt

Chuẩn bị bữa tối trên thuyền đánh bắt

2 giờ 30 sáng là thời điểm các ngư dân chuẩn bị thúng, vợt, sọt cá để sẵn sàng cho đợt khai thác lần 1. Quy trình kéo rớ và vận chuyển cá bằng thúng composite về đến thuyền chỉ vỏn vẹn 15 phút, thao tác rất thuần thục và không có sai sót.

Đến 4 giờ sáng, ngư dân kéo bè đèn đến gần thuyền lớn. Sau đó, sử dụng thúng kéo bè đèn đến khu vực chòi rớ để dụ cá vào lưới. Sau khi hoàn thành đánh bắt lần 2, ngư dân "chang rớ" (kéo lưới lên khỏi mặt nước) để tránh làm bẩn lưới...

Bình minh ló rạng cũng là lúc ngư dân phân loại cá tôm và quay thuyền về bờ biển Nam Ô, nơi thương lái đang chờ mua, chủ yếu là cá cơm, mực, ghẹ biển… Giá cả mà thương lái nhập lại từ thuyền của ngư dân khá rẻ, chỉ khoảng 20.000 - 50.000 đồng/kg, trong đó cá cơm có giá chỉ 20.000 đồng/kg. "Trung bình mỗi đêm đánh bắt, thu nhập rơi vào khoảng 1 - 2 triệu đồng, có ngày nhiều thì 2 - 3 triệu đồng. Nghề này có thu nhập tùy thuộc vào may mắn, chúng tôi chia đều cho các thành viên trong nhóm. Nghề rớ cá, làm mùa nắng ăn mùa mưa, khoản tiền cũng chỉ đủ cho tôi trang trải các chi phí của gia đình và nuôi 2 đứa con ăn học", ông Đặng Mai Thanh Minh (ngư dân) trải lòng.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.