Gian nan hành trình "tìm con"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Được làm cha, làm mẹ là hạnh phúc lớn nhất của các cặp vợ chồng. Niềm hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy lại trở nên xa vời với không ít người. Trong hành trình “tìm con” đã có không ít những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc và cả nỗi tủi hờn, thất vọng.
Mỗi cây mỗi hoa...
Kết hôn khi đã lớn tuổi so với bạn bè đồng trang lứa nên sau đám cưới, vợ chồng chị N.T.H.L. (SN 1985, tổ 10, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đều mong sớm có con đầu lòng. Cả hai thống nhất không dùng bất cứ biện pháp phòng tránh thai nào, nhưng gần 4 năm trôi qua, bữa cơm gia đình cũng không thêm phần chén đũa.
Nhìn xung quanh, nhà nào cũng rộn ràng tiếng con trẻ càng khiến anh chị thêm khao khát. Thời gian đầu, cả hai còn tự động viên, an ủi nhau, có thể do công việc bận rộn, anh lại công tác trong đơn vị quân đội thường xuyên xa nhà nên vợ chồng ít có thời gian gần gũi, rồi áp lực cuộc sống... Nhưng càng về sau, sự động viên, an ủi cũng thưa dần, thay vào đó là sự sốt ruột và đôi khi là cáu bẳn, hờn giận, trách cứ. Tháng 7-2017, vợ chồng chị vào bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để khám. Bác sĩ cho biết nguyên nhân hiếm muộn là do anh và nếu muốn sớm có con cần có sự can thiệp của y học.
Bé Gia Hân-“trái ngọt” trong hành trình “tìm con” của vợ chồng chị N.T.H.L. (phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thương
Bé Gia Hân-“trái ngọt” trong hành trình “tìm con” của vợ chồng chị N.T.H.L. (phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thương
Một  năm sau, khi đã chuẩn bị cơ bản về tài chính và sắp xếp mọi việc, vợ chồng chị quay trở lại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Gần 1 tháng đi lại, ăn ở, rồi tiến hành các bước kiểm tra, xét nghiệm... đến chuyển phôi vào buồng tử cung đã tiêu tốn của vợ chồng chị 130 triệu đồng. Tuy nhiên cuối cùng vẫn... thất bại. Khát khao được làm cha, làm mẹ không cho phép anh chị bỏ cuộc. 2 tháng sau, cả hai lại tiếp tục hành trình đi-về giữa Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh để “tìm con”.
Khác với hoàn cảnh của chị L, vợ chồng chị N.T.T.Tr. (SN 1989, tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đến với nhau khi cả hai đều từng đổ vỡ trong hôn nhân. Chị đến với anh khi đã có 1 bé gái 5 tuổi, còn anh, cuộc hôn nhân đầu kéo dài 7 năm nhưng chưa có con. Mỗi lần nhìn anh chơi đùa cùng con gái, chăm sóc con chu đáo, chị biết anh cũng rất khao khát có con.
“Sức khỏe sinh sản của mình tốt, vợ cũ của anh sau khi tái hôn cũng đã có con. Do đó, mình nghĩ nguyên nhân có thể từ anh. Vậy là vợ chồng dắt nhau vào bệnh viện ở  TP. Hồ Chí Minh để khám và anh điều trị gần 1 năm với đủ các loại thuốc nạp vào cơ thể, song tình hình vẫn không cải thiện”-chị Tr. chia sẻ.
Sau khi nghe bác sĩ nói rõ về tình trạng vô sinh do bệnh lý của anh, vợ chồng chị quyết định lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. “Để thực hiện phương pháp này đòi hỏi nhiều chi phí, song bù lại, tỷ lệ thành công khá cao. Tổng chi phí lên đến 110 triệu đồng. Mình chỉ chuẩn bị được 2/3 số đó, còn lại đi vay mượn thêm”-chị Tr. trải lòng.  
Trong hành trình tìm kiếm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi không khỏi khâm phục xen lẫn sự thương cảm với hoàn cảnh của chị N.T.Ng. (SN 1992, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Hơn 1 năm qua, vợ chồng chị đã nhiều lần vào các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để “tìm con”. Có những chuyến đi theo lịch hẹn, vì không thể sắp xếp được thời gian, cứ chiều tối hôm trước, chị đón xe vào TP. Hồ Chí Minh để kịp ngày hôm sau khám, sau đó bắt xe về Gia Lai để sáng hôm sau kịp giờ đi làm.
Sau khi cưới, vì biết bố mẹ hai bên đều mong mỏi có cháu để ẵm bồng nên vợ chồng chị Ng. quyết định sớm sinh con đầu lòng. Vài tháng trôi qua vẫn không thấy cơ thể có sự thay đổi, vợ chồng chị đưa nhau đi khám và khi nghe bác sĩ kết luận sức khỏe sinh sản của chồng chị không tốt, khả năng có con tự nhiên gần như bằng không, cả hai như chết lặng. Những ngày sau đó, cứ nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, vợ chồng chị đều tìm đến nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Lúc này, bên cạnh sự cảm thông của người thân, chị cũng nhận không ít sự gièm pha, trách móc vì nghĩ rằng nguyên nhân muộn con đều từ sự mỏng manh, yếu ớt của chị.
Chị N.T.Ng. (bìa trái; phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ với phóng viên về hành trình “tìm con” của vợ chồng mình. Ảnh: Phương Duyên
Chị N.T.Ng. (bìa trái; phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ với phóng viên về hành trình “tìm con” của vợ chồng mình. Ảnh: Phương Duyên
Nguyên nhân muộn con là do chồng nhưng người chịu đau đớn về tinh thần, thể xác nhiều hơn lại là chị. Thậm chí, trong hơn 1 năm điều trị hiếm muộn ở TP. Hồ Chí Minh, đa phần chị đều đơn độc, còn anh do đặc thù công việc nên chỉ có thể đi cùng khi bác sĩ yêu cầu. Không ít lần chị khóc vì tủi thân và cũng không ít lần chị tự lau nước mắt vì những cơn đau hành hạ sau mỗi đợt bơm thuốc hay những lần bị dị ứng với thuốc khiến cơ thể nổi mẩn, vùng bụng sưng tấy... Vì thời gian điều trị kéo dài, công việc lại không cho phép nghỉ lâu nên có nhiều đợt chị phải ngồi xe lăn ra sân bay để trở về nhà cho kịp.
“Đến giờ, tôi không nhớ chính xác mình đã tiêm bao nhiêu mũi, uống bao nhiêu thuốc. Chỉ nhớ sau mỗi lần như thế, cơ thể như không còn chút sức lực, tính tình cũng trở nên dễ cáu bẳn và luôn suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí, tôi còn bị biến chứng kích buồng trứng và đó là nguyên nhân chính dẫn đến đa nang buồng trứng hiện tại”-chị Ng. tâm sự.
Nụ cười và nước mắt
Nhìn vào ánh mắt chị L. khi dõi theo cô con gái Gia Hân 17 tháng tuổi đang lẫm chẫm bước trên thềm nhà, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Sau nhiều năm đợi chờ, cuối cùng anh chị cũng đón nhận được “trái ngọt” ở lần thứ 2 thụ tinh trong ống nghiệm. Mặc dù bác sĩ đã nói trước về tỷ lệ thành công cao, song đến ngày hẹn lấy kết quả, chị vẫn không giấu được sự lo âu và chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, nhìn màn hình điện thoại để chờ tin nhắn của chồng.
“Mình nói trước với chồng, nếu thành công thì anh gọi điện về, còn không thì thôi, đừng gọi. Và khi điện thoại đổ chuông, tim mình như ngừng đập, nước mắt cứ thế tuôn rơi”-chị L. kể.
Do thể trạng yếu lại bị ốm nghén đến ngất lên, ngất xuống nên trong suốt quá trình mang thai, anh chị thuê nhà trọ gần bệnh viện để tiện việc chăm sóc sức khỏe. Đến tuần thứ 31 của thai kỳ, một lần nữa tim chị như ngừng đập khi thai nhi dọa sinh non. Nhờ sự can thiệp kịp thời, sát sao của các bác sĩ, đến tuần thứ 38, con gái anh chị chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ. Đến nay, con gái gần 2 tuổi, song vợ chồng chị L. vẫn chưa thể trả số nợ đã vay mượn. Tuy nhiên với anh chị thì “nợ trước sau gì cũng trả được, con cái mới là vô giá”.
Trường hợp của vợ chồng chị Tr. có thể nói là khá may mắn, vì ngay lần thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã thành công. “Sức khỏe mình ổn, việc cấy phôi cũng thuận lợi nên sau khi cấy phôi xong mình đón xe khách về lại Gia Lai luôn. Hàng tháng, mình đến Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai để tái khám, sau đó gửi kết quả vào cho bác sĩ để được tư vấn chứ không cần trực tiếp đi lại. Nhà chồng mình đông con nhưng ít cháu nên khi biết tin mình đậu thai, ai cũng mừng”-chị Tr. cho hay.
Hiện chị đang mang thai ở tuần thứ 18, sức khỏe của mẹ và bé đều tốt. Tuy đã qua giai đoạn nguy hiểm của thai kỳ, song vì phải nhờ đến y học mới có con nên vợ chồng chị không hề chủ quan. Tuy chạy xe đường dài nhưng chồng chị cũng tranh thủ thời gian chăm sóc vợ. Còn chị ngoài thời gian bán rau tại chợ phường Thắng Lợi cũng nghỉ ngơi nhiều hơn. “Hiện vợ chồng mình vẫn đang trữ 4 phôi tại Bệnh viện Tâm Đức (TP. Hồ Chí Minh). Nếu sau này có điều kiện kinh tế, sức khỏe tốt sẽ nghĩ đến việc “tìm con” tiếp theo”-chị Tr. bày tỏ.
Hơn 1 năm điều trị với chi phí lên đến 250 triệu đồng nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với gia đình chị Ng. “Lúc bác sĩ thông báo quá trình chuyển phôi thành công, bọn mình mừng muốn rơi nước mắt. Nhưng rồi 12 ngày sau, kết quả trở nên tồi tệ khi thai bị sinh hóa (ngừng phát triển). Nhiều tháng sau, cả hai vợ chồng không ai dám nhắc tới chuyện này”-chị Ng. nhớ lại.
Vừa trở về sau chuyến đi TP. Hồ Chí Minh tái khám, lấy thuốc uống chuẩn bị cho đợt cấy phôi thứ 2, chị Ng. chia sẻ: “Lần này, bác sĩ chẩn đoán khả năng chuyển phôi và đậu thai thành công cao vì đã nắm được cơ địa của tử cung sau lần cấy phôi trước. Cũng không biết có phải là bác sĩ an ủi mình hay không nhưng ít nhiều cũng đem đến niềm hy vọng. Để chuẩn bị cho lần cấy phôi này, mình duy trì chế độ ăn uống, tập luyện đều đặn. Mình cũng sẽ đề xuất với bác sĩ cấy 2 phôi một lần để có hy vọng đậu thai đôi, vì thật sự mình thấy sợ sau chặng đường dài...”.
Chi phí cho việc chuyển phôi, trữ phôi rồi những lần đi lại khiến tiền bạc trong nhà cứ cạn dần. Dù biết bệnh viện có chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” để hỗ trợ chữa trị, thụ tinh nhân tạo cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, song chị vẫn chưa một lần nghĩ đến chuyện tham gia. “Bởi đi vào tình huống này mới biết cũng có nhiều người trong hoàn cảnh của mình, thậm chí có người hoàn cảnh còn éo le hơn buộc phải bỏ cuộc giữa chừng. Vậy nên, mình không muốn bản thân phải tước đi niềm hy vọng của một ai đó”-chị Ng. nói.
*
Đã có vợ chồng tìm được cho mình cái kết viên mãn và cũng có những cặp vợ chồng vẫn đang “chiến đấu” trong hành trình “tìm con” đầy gian nan ấy. Song, chúng tôi tin rằng, sự kiên trì nào rồi cũng sẽ mang lại kết quả.
PHƯƠNG DUNG-HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.