Gian nan 'cuộc chiến' giữ rừng dổi quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cán bộ, nhân viên Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng ở tỉnh Gia Lai hằng ngày phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức để giữ rừng dổi cổ thụ, bảo tồn nguồn gen quý.

Cách trung tâm thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai khoảng 3 km, bao quanh là dân cư đông đúc nhưng có một cánh rừng vẫn luôn xanh tốt, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây có rừng dổi cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có những cây phải 3-4 người ôm.

Đó là khu rừng đặc dụng của Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng thuộc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

 

Cán bộ, nhân viên Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng tuần tra bảo vệ rừng dổi quý. Ảnh: LÊ KIẾN
Cán bộ, nhân viên Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng tuần tra bảo vệ rừng dổi quý. Ảnh: Lê Kiến


Nơi bảo tồn nguồn gen thực vật

Theo ông Trần Kế Lâm, Trạm phó trạm Kon Hà Nừng, khu rừng này có diện tích 1.377 ha trải rộng trên hai xã Nghĩa An, Đắk Smar của huyện Kbang. Từ năm 1985 đến nay, khu rừng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt vì có chức năng bảo tồn nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học, cung cấp giống cho ngành lâm nghiệp trong cả nước.

Riêng đối với loại gỗ dổi nhung, dổi xanh, trung bình mỗi năm trạm nhân giống 3.000-4.000 cây để cung cấp cho thị trường. Trạm Kon Hà Nừng cũng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên nhiều cây rừng khác phục vụ bảo tồn tại khu rừng này.

Có đi tham quan khu rừng mới cảm nhận được hết những hơi thở của rừng. Nơi đây cây cối xanh tươi quanh năm, khí hậu mát lạnh, trong lành. Từ trạm gác đầu cửa rừng, đi thêm chừng vài chục mét là có thể tận mắt thấy những thân cây dổi to sừng sững, cao chọc trời, nhiều cây to 3-4 người ôm mới xuể. Cả cánh rừng có rất nhiều cây dổi hàng trăm năm tuổi như vậy.

Nơi đây có hệ sinh thái rất phong phú với nhiều loại gỗ quý như hoàng đàn, bằng lăng, dổi, xoay, trám… Trong đó, hoàng đàn và dổi nhung thuộc nhóm I-III, có giá trị kinh tế cao. Cũng chính vì điều này mà lâm tặc luôn tìm cách cưa trộm khiến những người giữ rừng gặp không ít hiểm nguy.

Đổ máu để giữ rừng dổi quý

Gần 40 năm gắn bó với rừng, ông Trần Kế Lâm là một trong những người kỳ cựu nhất ở trạm Kon Hà Nừng. Chuyện bị lâm tặc đe dọa, uy hiếp không còn xa lạ. Nhiều người ở trạm cũng không ít lần chạm trán với lâm tặc, đã có người phải đổ máu. Thế nhưng niềm vui của ông Lâm cũng như những anh em công tác tại trạm Kon Hà Nừng là nhìn thấy cánh rừng được bảo vệ xanh tốt, bình yên.

Ông Trần Kế Lâm kể cuối năm 2021, khi tham gia chặn bắt một nhóm lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, một số cán bộ giữ rừng của trạm Kon Hà Nừng phải nhập viện vì bị chống trả. Vụ việc sau đó đã được cơ quan công an khởi tố, bắt giam ba lâm tặc.

 

Nhân viên giữ rừng
Nhân viên giữ rừng



“Mình giữ rừng nhưng nhiều lúc lại bị lâm tặc canh chừng ngược trở lại. Thậm chí, lâm tặc còn trang bị cả công cụ hỗ trợ, bình xịt hơi cay để chống trả lực lượng bảo vệ rừng” - ông Lâm chia sẻ và cho biết dù mưa hay nắng, đêm hay ngày, các cán bộ, nhân viên trạm Kon Hà Nừng đều thay phiên nhau đi tuần tra. Có nhiều đợt đi tuần, mật phục phải ngủ lại trong rừng.

“Hiện trạm chỉ có 12 người nhưng do diện tích rộng nên trung bình mỗi người phụ trách hơn 100 ha” - ông Lâm nói thêm.


Nơi không có sóng điện thoại, cũng không có Internet

Chia sẻ về cuộc sống thường ngày, anh Nguyễn Hữu Phương, nhân viên hợp đồng của trạm Kon Hà Nừng, cho hay để đảm bảo sức khỏe và thuận lợi cho công việc, anh em đều ở lại trạm, tự góp tiền mua thức ăn, có thịt ăn thịt, có rau ăn rau. “Nhà tôi trong thị trấn nhưng lâu lâu mới về một lần. Mức lương của tôi hiện chỉ 4 triệu đồng/tháng” - anh Phương bộc bạch.

Trong khi đó, ông Trần Kế Lâm cho biết trạm tuy chỉ cách thị trấn hơn 3 km nhưng địa hình cách trở, không có sóng điện thoại, không có Internet, điện thì dùng tạm từ hệ thống năng lượng mặt trời. “Nhiều lúc gọi điện thoại cho người thân phải lên đồi, leo cây mới có sóng. Hằng ngày anh em tự túc nấu ăn, trạm chỉ hỗ trợ xăng xe đi tuần tra rừng” - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, do tình hình lâm tặc ngày càng phức tạp, để giữ được rừng dổi quý, anh em trạm Kon Hà Nừng mong muốn được tăng cường các biện pháp để bảo vệ rừng có hiệu quả hơn. “Chúng tôi cũng mong Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ để anh em yên tâm giữ rừng” - ông Lâm kiến nghị.

https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/gian-nan-cuoc-chien-giu-rung-doi-quy-1052204.html

 

 Theo LÊ KIẾN (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.