Giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 10 năm qua, việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên; nội dung, phương thức thực hiện tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; từ đó góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

10 năm qua, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh tích cực phát huy vai trò trong giám sát, phản biện xã hội. Thông qua hoạt động giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; kịp thời phát hiện những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2020-2022, MTTQ đã chủ trì giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để công tác chi hỗ trợ đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát đối với các tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước ở địa phương; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh thực sự trong sạch vững mạnh.

Đối với công tác phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy hiệu quả 2 hội đồng tư vấn với 13 chuyên gia đầu ngành của tỉnh bao gồm các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức trên các lĩnh vực. Thông qua phản biện nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các dự thảo văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể… Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống và đảm bảo tính hiệu quả; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội tại TP. Pleiku. Ảnh: Anh Huy

Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội tại TP. Pleiku. Ảnh: Anh Huy

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, 5 năm gần đây, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 1.512 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 127.225 lượt người tham dự. Trong 10.350 ý kiến tham gia tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại, có 8.797 ý kiến đã được giải đáp trực tiếp ngay tại chỗ (chiếm khoảng 85%); số ý kiến còn lại được các cơ quan, đơn vị nghiên cứu trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân đã giám sát hơn 500 cuộc. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải thành 950 vụ việc/1.100 vụ việc.

Đối với việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức rà soát, khắc phục; đồng thời, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Qua đó, tạo sự đồng thuận và niềm tin của người dân đối với hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp.

Với những kết quả đạt được, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã khẳng định vị trí, vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Những kết quả đạt được nêu trên trước hết thể hiện sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; là kết quả công tác lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự thống nhất phối hợp của MTTQ và các tổ chức thành viên. Từ đó, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội ở một số nơi vẫn còn hình thức; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đủ lực và sự am hiểu cần thiết, nhất là đối với những đề án lớn, những vấn đề quan trọng mang tầm chiến lược của tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thiết nghĩ, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; quan tâm giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện xã hội để kịp thời báo cáo cơ quan chức năng chỉ đạo, xử lý. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Hội đồng tư vấn, tổ tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVII

Họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVII

(GLO)- Sáng 31-10, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 và triển khai một số nhiệm vụ.

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

(GLO)- Sáng 29-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-Công an tỉnh-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sơ kết nhiệm vụ quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV-2024. Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.