Giám đốc nuôi vịt, bỏ lại cuộc đời hơn 20 năm nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đánh mất những năm tháng tuổi trẻ vì ma túy, anh Nông Văn Hữu vẫn kịp tìm về ánh sáng và thay đổi số phận, trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nghề nuôi vit. Đáng mừng hơn, anh còn là chỗ dựa cho nhiều gia đình cùng vượt khó vươn lên, làm giàu chân chính...
“Bán thân” nơi bãi vàng
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nông Văn Hữu (sinh năm 1973) ở tổ 1A, phường Đức Xuân - ngoại ô TP. Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn). Đó là căn nhà 2 tầng khang trang, nằm giữa trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Khu vườn rộng thả các loại vật nuôi như: gà, vịt đẻ, vịt trời và nhiều cây ăn quả trồng xen kẽ. Cạnh sân nhà, một máy chế biến thức ăn chăn nuôi và hàng trăm bao cám chờ cung cấp cho bà con...
 
Anh Nông Văn Hữu và sản phẩm trứng vịt sạch
Ít ai nghĩ rằng, chính nơi này chỉ vài năm trước là sự hoang vắng đìu hiu, bởi tài sản trong nhà lần lượt bị chủ nhân mang đi theo tiếng gọi của “nàng tiên nâu”. Cũng chẳng ai dám tin, anh Hữu - người có “thâm niên” gần 20 năm nghiện hút, lại có thể quay đầu đứng dậy, gây dựng cơ ngơi như hôm nay.
Rót trà mời khách, anh Hữu trải lòng về chuỗi ngày tăm tối: Những năm 1990, phong trào làm vàng rầm rộ khắp Bắc Kạn. Vừa mới lớn lên, anh đã theo chân đám thanh niên trong bản tới làm thuê tại một bãi vàng ở huyện Na Rì. Ở đây, bị “đồng nghiệp” rủ rê nên từ chỗ chỉ thử cho biết, dần dần chàng trai trẻ mắc nghiện lúc nào không hay.
“Thứ thuốc ma lực đó chế ngự các phu vàng, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống nơi rừng rú. Với chúng tôi, khi làm thuê, hay chơi bài bạc, được bao nhiêu tiền cũng dồn cả vào mua thuốc phiện...”, mắt nhìn xa xăm, anh Hữu nhớ lại.

Nghiện nặng, chẳng còn sức làm việc nên anh Hữu bị cai vàng đuổi đi. Trở về nhà tìm việc làm thuê, tiền kiếm được cũng chẳng đủ cho anh “nướng” vào ma túy. Đồ đạc, tài sản trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi. Những vật dụng cuối cùng là chiếc xe đạp chạy chợ của vợ hay cái tivi đen trắng cho con xem cũng chẳng còn...
Tưởng như cuộc đời sẽ mãi chìm trong bóng tối, may mắn bản tính lương thiện vẫn còn trong người Nông Văn Hữu. Tan cơn phê thuốc, giật mình nhớ về gia đình với cha mẹ già, những đứa con thiếu ăn và người vợ đau khổ, anh nhận ra rằng: nếu cứ dính vào ma túy, cuộc sống sẽ chấm dứt bởi xung quanh chỉ là sự khinh rẻ, kỳ thị.
Thế là Hữu quyết tâm tự cai nghiện. Chia sẻ về quãng thời gian này, anh kể: Rất khó thoát khỏi cám dỗ của ma túy nếu không có sự động viên của gia đình, hàng xóm và chính quyền địa phương. Và hơn cả là hình ảnh người vợ tần tảo, vừa chăm chồng, vừa nuôi con đã thôi thúc bản thân quyết tâm cai nghiện.
Sau nhiều tháng chống chọi, anh dần thoát khỏi ám ảnh của những cơn “đói thuốc”. Đặc biệt, khi tỉnh triển khai chương trình cai nghiện Methadone, anh được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị, giúp đoạn tuyệt hẳn ma túy và trở lại là người bình thường.
Làm lại cuộc đời bằng nghề... chăn vịt
Hết nghiện ngập, ốm yếu cũng là lúc Nông Văn Hữu tìm đến lao động bởi anh biết, đây chính là con đường duy nhất để dứt hẳn với ma túy. Sau hơn 20 năm “bán mình cho ma quỷ”, gần 1 ha vườn là tài sản duy nhất còn lại của gia đình. Với diện tích đất vườn này, anh Hữu muốn trồng cây ăn quả và cùng vợ nối lại việc buôn bán.
Thế nhưng, chẳng ai cho một kẻ nghiện “thâm niên” vay vốn để thực hiện ý tưởng đó. Không đầu hàng số phận, suy nghĩ kỹ hai vợ chồng quyết định nuôi vịt, bởi đây là mô hình cần ít vốn và thu hồi nhanh, lại tận dụng đất vườn rộng rãi.
Qua thăm nắm thị trường, thấy nhu cầu tiêu thụ trứng vịt trong tỉnh khá cao, vợ chồng anh Hữu tiến hành nuôi vịt đẻ. Năm 2015, anh mạnh dạn đăng ký thực hiện dự án nuôi vịt siêu hoa lấy trứng, do TP. Bắc Kạn hỗ trợ.
.

Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuậ nuôi vịt nên đàn vịt chậm lớn, tỷ lệ chết nhiều nên anh Hữu gặp rất nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm, anh học hỏi thêm những người đi trước và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, anh cũng tự mình tìm hiểu thêm trên sách báo, ti vi về các mô hình phát triển kinh tế trang trại.
Qua quá trình chăn nuôi vịt, anh Hữu cho rằng con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, toàn bộ vịt giống anh đều mua từ cơ sở cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng chống dịch bệnh. Để vịt khỏe mạnh, đẻ đều, anh cho chúng bơi lội, kiếm ăn trên sông Cầu cạnh nhà. Ngoài thức ăn công nghiệp, anh cho vịt ăn thêm thức ăn xanh, tinh bột như lúa, ngô và bổ sung cua, ốc.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm nuôi vịt của anh Hữu, chuồng trại nuôi vịt phải thoáng mát, rộng rãi và thường xuyên được vệ sinh khử trùng; ngoài ra, phải cách ly khu dân cư để hạn chế dịch bệnh... Nhờ nuôi đúng khoa học kỹ thuật nên vịt của anh Hữu đẻ “sai” và cho chất lượng trứng thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Hàng năm, gia đình anh duy trì tổng đàn khoảng 1.500 con, trong đó có gần 1.000 vịt đẻ, thời điểm cao nhất bình quân mỗi ngày anh thu được hơn 500 quả trứng. Với giá bán trung bình 3.500 đồng/quả , mỗi ngày vợ chồng anh Hữn thu nhập gần 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm 200 con vịt trời,  gà thả vườn để phục vụ cuộc sống; trồng 6.000m2 ngô, hơn 1.000m2 lúa để chủ động thêm nguồn thức ăn tự nhiên đàn vịt. Vui hơn cả, vợ anh có vốn mở đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi.
 
Bằng nghề nuôi vịt đẻ, anh Hữu đã tìm lại cuộc đời và tạo cơ hội làm giàu chân chính cho nhiều hộ gia đình
Lan tỏa hai chữ “đồng tâm”
Thành công với mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh Hữu đã chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình cùng làm theo. Năm 2016, anh đứng ra tập hợp 10 gia đình nuôi vịt đẻ, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm.
HTX đã tạo được mối liên kết sản xuất, giải quyết các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các hộ thành viên như Nông Văn Dực, Nông Văn Luận... cũng đã phát triển đàn vịt đẻ lên 500 con, thu nhập ổn định.
Nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn gốc rõ ràng nên sản phẩm trứng vịt sạch của HTX Đồng Tâm rất đắt khách. Trứng không phải mang bán lẻ ngoài chợ như trước đây mà chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn trường học, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
“Thời gian tới, trứng vịt của chúng tôi sẽ được xây dựng là sản phẩm OCOP của phường Đức Xuân, từ đó HTX sẽ mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, Giám đốc Nông Văn Hữu cho biết.
Cái tên “Đồng Tâm” là sự nhắc nhở mọi người đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống và lao động, sản xuất. Cũng nhờ đó mà nông dân Nông Văn Hữu đã lấy lại được lòng tin của gia đình và xã hội, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, vượt qua chính mình.
Từng một thời chìm đắm trong nghiện ngập, thấu hiểu được những tủi nhục và sự xa lánh của cộng đồng, anh Hữu nhắn nhủ những người đã, đang mê muội bởi ma tuý cần sớm dừng lại, quay về với gia đình. Nhất là thế hệ trẻ, anh mong sẽ không một ai mắc phải lầm lỗi mình từng trải qua.
.
Ngọc Tùng (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.