Giám đốc Cảng vụ HK sử dụng chứng chỉ từ "lò sản xuất bằng dởm"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ bị tố thiếu chứng chỉ tiếng Anh C để được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng hàng không miền Bắc, PV Dân Việt phát hiện chứng chỉ tiếng Anh được ông Trần Hoài Phương nộp vào hồ sơ khi bổ nhiệm Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc có nguồn gốc từ “lò chứng chỉ dởm” đã từng bị cơ quan Công an triệt phá.
Như Dân Việt đã thông tin, từ giữa năm 2017 đã có đơn thư “tố” ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc được bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã rà soát lại hồ sơ bổ nhiệm ông Trần Hoài Phương.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ GTVT, trường hợp ông Trần Hoài Phương-Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc (được bổ nhiệm từ 2015) đến nay vẫn được xác định thiếu điều kiện tiếng anh C hoặc tương đương. Lý do được báo cáo là: Chưa nộp bổ sung (do làm mất chứng chỉ).
Theo phát hiện mới của PV Dân Việt, chứng chỉ tiếng Anh B trong hồ sơ bổ nhiệm ông Trần Hoài Phương giữ chức Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng có vấn đề.
Chứng chỉ tiếng Anh trình độ B mang tên ông Trần Hoài Phương được cấp bởi Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI.
Chứng chỉ tiếng Anh trình độ B mang tên ông Trần Hoài Phương được cấp bởi Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI.
Cụ thể, ngày 18.10.2007 Cục Hàng không Việt Nam có quyết định bổ nhiệm ông Trần Hoài Phương từ chuyên viên lên giữ chức Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc.
Theo nguồn tin của Dân Việt, trong hồ sơ bổ nhiệm ông Trần Hoài Phương làm Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc vào năm 2007, có chứng chỉ tiếng Anh B.
Chứng chỉ của ông Trần Hoài Phương được cấp bởi Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI (tên tiếng Anh là: FLAI Center for Training and Techology Development). Theo chứng chỉ này, ông Trần Hoài Phương đã thi tốt nghiệp ngày 5-11-2005, đạt loại Khá, trình độ B. Chứng chỉ được ký tên bởi Giám đốc Trung tâm Phạm Duy Việt.
Điều đáng nói là Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI là “lò sản xuất chứng chỉ giả” đã bị Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng triệt phá vào tháng 6-2013.
Theo thông tin từ cơ quan Công an vào thời điểm đó, ông Phạm Duy Việt (có tên ở phần chữ ký trong chứng chỉ của ông Trần Hoài Phương) được xác định cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đường dây này đã làm giả hàng trăm nghìn chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ nghề, giấy phép lái xe ở khắp các tỉnh thành.
Với chức vụ Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI (trụ sở ở Hà Nội), trước khi bị bắt, ông Phạm Duy Việt được xác định đã ký khống vào chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho những người có nhu cầu mua.
Sáng 23-8, liên lạc với Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam, PV được biết ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã giao vụ việc cho ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không phụ trách xử lý. 
Trao đổi với PV, ông Hảo cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã có trao đổi và gửi văn bản báo cáo vụ việc với Bộ GTVT. Về vấn đề chứng chỉ tiếng Anh của ông Trần Hoài Phương, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra. Ông Hảo cho biết hiện nay đang nghỉ phép nên hẹn sẽ làm việc với PV Dân Việt vào đầu tuần tới. 
PV cũng đã liên hệ với ông Trần Hoài Phương để hỏi về việc học, thi lấy chứng chỉ tiếng anh B kể trên, ông Phương đề nghị chưa trả lời ngay và hẹn sẽ gặp sau để cung cấp hồ sơ liên quan.
Chứng chỉ kể trên là một trong những giấy tờ theo quy định để ông Phương nộp hồ sơ để bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Tiếp đó, đến tháng 2-2015, ông Phương tiếp tục được Cục Hàng không Việt Nam bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc.
Trong khi hồ sơ Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc của ông Trần Hoài Phương đến nay vẫn thiếu chứng chỉ tiếng Anh trình độ C, thì việc chứng chỉ tiếng Anh trình độ B có dấu hiệu bất thường kể trên đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình bổ nhiệm lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam. 
Cơ quan chức năng, cụ thể nhất ở đây là Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT cần nhanh chóng vào cuộc xác minh nguồn gốc chứng chỉ tiếng Anh trình độ B của ông Trần Hoài Phương.
Vinh Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.