Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014) về kinh doanh xăng dầu, theo hướng giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương, bao gồm quyết định giá và chi phí định mức.
Việc này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhằm tạo thuận lợi cho Bộ Công Thương trong nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung.
Tôi cho rằng đề xuất đưa xăng dầu về một đầu mối quản lý là hợp lý. Chỉ một mặt hàng mà liên Bộ Tài chính - Công Thương cùng quản lý thì khó tránh khỏi phức tạp về mặt thủ tục hành chính, mất thêm thời gian trao đổi và thống nhất. Cơ chế "một cửa" đã được áp dụng hiệu quả cho nhiều lĩnh vực nên việc quản lý một ngành hàng cũng hoàn toàn có thể thực hiện theo cơ chế này.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay không chỉ là xăng dầu sẽ được bộ, ngành nào quản lý. Nếu định hướng chung về quản lý mặt hàng này không thay đổi thì bộ, ngành nào quản lý cũng không tác động nhiều đến giá cả và nguồn cung.
Tại Việt Nam, xăng dầu là một trong hơn 10 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá năm 2012. Nhưng, không giống nhiều mặt hàng bình ổn khác - chỉ được nhà nước can thiệp giá khi có biến động bất thường trên thị trường, xăng dầu là hàng hóa hiếm hoi được bình ổn tại mọi thời điểm thông qua trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và áp chi phí định mức. Như thế, bộ, ngành nào quản lý xăng dầu thì cũng sẽ điều hành trên cơ sở quy định cho phép, trong đó có quy định về các yếu tố cố định cấu thành giá.
Tôi cho rằng chính sách bình ổn giá với bất cứ mặt hàng nào cũng chỉ nên áp dụng trong một thời hạn, không thể kéo dài mãi. Trên thế giới, hầu như không quốc gia nào quản lý chi phí kinh doanh xăng dầu. Một số nước chỉ quản lý giá xăng bằng cách áp mức trần, sàn. Nếu chúng ta đã tính đến mục tiêu đưa kinh doanh xăng dầu về với thị trường thì càng cần tuân thủ nguyên lý này. Theo đó, doanh nghiệp có thể được quyết định các loại chi phí, trừ những thời điểm thị trường có bất ổn.
Cần phải xác định rõ việc trục trặc về nguồn cung và biến động về giá cả xăng dầu trong thời gian qua không xuất phát từ nguyên nhân mặt hàng này do nhiều đầu mối quản lý. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bởi xung đột Nga - Ukraine là tình huống dị biệt, khó lường, không chính sách nào bao phủ hết được. Doanh nghiệp đối mặt với rủi ro, vừa nhập hàng hôm trước, hôm sau đã lỗ. Không phải họ găm hàng như dư luận phản ánh mà yếu tố tâm lý khiến họ chỉ nhập hàng vừa đủ, dẫn đến có những thời điểm thị trường khan hiếm. Tuy vậy, nếu cơ quan quản lý nhà nước điều hành theo cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức kinh doanh thì những vấn đề trên sẽ bớt trầm trọng phần nào.
Thời điểm hiện tại đã hội tụ tương đối đầy đủ yếu tố để đưa quản lý xăng dầu về cơ chế thị trường. Việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện, không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý.
Theo Phương Nhung ghi (NLĐO)
BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam