Gia tăng bệnh dại ở người trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với 8 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay, Gia Lai hiện đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại. Vì vậy, công tác phòng-chống bệnh này đang được cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. 
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai-cho biết: Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 21 ca tử vong do bệnh dại. Riêng từ đầu năm đến nay, số ca tử vong do bệnh dại là cao nhất so với các năm với 8 trường hợp. Mặc dù bệnh dại có thể phòng được bằng vắc xin nhưng qua điều tra xác minh, 100% trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh đều không tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó cắn, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%.
 Khi bị chó, mèo cào, cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại. Ảnh: N.N
Khi bị chó, mèo cào, cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại. Ảnh: N.N
Từ năm 2018 đến nay, huyện Chư Sê ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. “Địa phương cũng đã chú trọng tuyên truyền về phòng-chống bệnh dại nhưng người dân vẫn rất chủ quan, không đi tiêm phòng khi bị chó cắn nên khi phát bệnh thì vô phương cứu chữa”-bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, ngoài sự chủ quan, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, việc quản lý đàn chó nuôi (khoảng 190.000 con) chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó hàng năm đạt thấp. Bên cạnh đó, trong khi nhiều tỉnh lân cận như: Kon Tum, Đak Lak đều đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho các đối tượng thuộc diện hộ khó khăn, hộ nghèo, đối tượng chính sách... thì tại tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được. Chi phí tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại khá cao (trên 1 triệu đồng/5 mũi tiêm) nên người nghèo không đủ khả năng chi trả dẫn đến không tiêm phòng và tử vong khi phát bệnh.
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Để đẩy mạnh phòng-chống bệnh dại, cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo công tác lập sổ quản lý chó nuôi cấp xã, cấp thôn. Năm 2018, toàn tỉnh có 69 đơn vị cấp xã, 696 đơn vị cấp thôn lập sổ quản lý chó nuôi. Năm 2019, tỉnh cấp ngân sách cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức in sổ quản lý chó nuôi cho 222 đơn vị cấp xã (đạt tỷ lệ 100%), 2.092 đơn vị cấp thôn (đạt 100%). Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, người nuôi chó chủ động mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại cho động vật; đơn vị cũng chủ động kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó. Từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục đã tiêm 29.685 liều. 
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh nêu ý kiến: Công tác phòng-chống bệnh dại cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và cần nhất là sự chung tay của người dân. Người dân nuôi chó, mèo cần nâng cao ý thức chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, quản lý chặt chẽ, không thả rông, khi ra đường cần rọ mõm. Để phòng bệnh dại, người dân khi bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đi tiêm vắc xin phòng dại. “Ngoài ra, đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”-ông Gia đề xuất.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.