Già làng một đời vì dân bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng chục năm qua, già Hồ Văn Hơn (68 tuổi, ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được dân bản tín nhiệm bởi không chỉ luôn chăm lo cái ăn, cái mặc chu đáo cho bà con, đem gạo nhà tặng hộ nghèo mà còn đi đầu trong việc tìm đất dựng bản. Không những thế, già Hơn tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất dựng trường, làm đường cho con em quê hương có tương lai tốt đẹp.

Già Hơn bên khu đất hiến tặng làm Nhà văn hóa bản Lâm Ninh
Già Hơn bên khu đất hiến tặng làm Nhà văn hóa bản Lâm Ninh


Dựng bản cho bộ đội nghỉ chân

Năm 1975, khi đất nước hòa bình, chàng trai Hồ Văn Hơn mới 21 tuổi, tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và được địa phương giao nhiệm vụ dẫn 7 hộ dân Vân Kiều khu vực Khe Nước Lạnh vượt rừng Rào Đá, lên vùng thượng nguồn sông Long Đại lập bản mới Lâm Ninh.

Già Hơn kể: “Lập bản nhằm đón bộ đội từ miền Nam về quê an dưỡng sau những năm tháng chiến đấu. Bản Lâm Ninh có vị thế chiến lược, trên núi, dưới sông nên làm chỗ dựa cho bộ đội đi qua bằng đò tốt hơn. Lúc đó, mình cùng vợ và các hộ khác nghe chỉ đạo đón bộ đội trở về là háo hức lắm. Mỗi người một việc, đàn ông dựng lán cho bộ đội nằm, phụ nữ kiếm thức ăn, nước uống để góp phần hỗ trợ bộ đội”.

 

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Ông Hồ Văn Hơn là một già làng trưởng bản rất uy tín, hình mẫu trong đại đoàn kết toàn dân của địa phương. Tấm lòng với bà con như thế, dân bản ghi nhớ mãi. Đặc biệt, việc hiến đất xây trường của già Hơn là vì sự nghiệp giáo dục cho con em Vân Kiều ở bản Lâm Ninh, khiến bà con rất cảm động. Bởi đó là giá trị cuộc đời, có giáo dục là có kiến thức, có cái chữ để thoát nghèo”.

Trong ký ức của bà Hồ Thị Nhoa (63 tuổi, bản Lâm Ninh) vẫn còn khắc ghi những ngày gian khó khi bộ đội về bản. Bà Nhoa nhớ lại: “Mỗi ngày đón bộ đội trở về là những ngày vui nhất, dù bản thiếu thốn trăm bề. Các chú bộ đội thương binh được đồng đội chở về tận bản rồi đò đến đón vượt sông. Vừa mới dứt chiến tranh, đạn bom phá hoại dữ nên cầu đường tan nát, phải đi trong những liên trạm của dân bản. Từng đoàn bộ đội về quê như vậy, bà con phục vụ hết mình. Dân bản hồi đó chỉ có măng rừng và sắn, một ít mật ong tặng bộ đội. Mỗi đoàn qua bản, thấy bản nghèo quá, bộ đội lại chia sẻ ít lương khô, gạo, ít thuốc chống sốt rét. Đến giờ vẫn không thể nào quên”.

Hòa bình lập lại, đường miền xuôi được sửa chữa, những đoàn quân trở về không còn qua bản Lâm Ninh. Từ đó, chàng trai Hồ Văn Hơn vận động thêm các hộ dân khác đến định cư, phát triển bản làng, mới đầu chỉ vài hộ, sau tăng lên 25, rồi 30 hộ dân và tăng dần theo năm tháng, trở thành cộng đồng như hôm nay.

“Cho đến nay, bản Lâm Ninh đã có 54 hộ với gần 200 khẩu, trở thành bản lớn ở xã Trường Xuân. Đồng bào ai cũng xem đây là “đất tổ” vì đã từng được đón bộ đội Cụ Hồ trở về quê hương, dừng chân ở lại”, già Hơn nói.

Giúp gạo, hiến đất

Tìm đất dựng bản, già Hơn được giao luôn quản lý người dân địa bàn. Đến năm 1984, chính quyền huyện chính thức công nhận bản Lâm Ninh, bà con bỏ phiếu bầu già Hồ Văn Hơn làm trưởng bản.

“Những năm bao cấp, chòi đạp trong khó khăn, cái đói cứ ám ảnh từng ngày, nhà cửa vợ con cũng nghèo, dân bản cũng nghèo, thành ra nhìn đâu cũng thiếu thốn. Khổ tâm lắm, nhưng sức lực, điều kiện lúc đó có hạn”, già Hơn bùi ngùi kể.

Với vai trò trưởng bản, già Hồ Văn Hơn càng trăn trở hơn với cái đói, cái nghèo của đồng bào. Ngoài chỉ vẽ cách chăn nuôi, trồng trọt cho bà con, già Hơn còn ky cóp từng đồng từ chế độ chính sách Thanh niên xung phong được hưởng để mua gạo phát cho các hộ dân khó khăn trong bản.

“Nhiều năm trước, cả bản ngày nào cũng ăn sắn, thỉnh thoảng được già Hơn mua gạo phát cho, ai cũng mừng. Cái bụng được ăn cơm trắng vẫn còn ngon mãi đến bây giờ. Mỗi lần già Hơn về xuôi hội họp thì địu cả sắn, măng, thêm thanh niên đi cùng gùi nhiều sản vật, bán cho bà con vùng đồng bằng, mua gạo tải lên bản, phân phát mỗi nhà một ít. Nhờ vậy mà có bữa cơm bữa cháo giữa rừng sâu”, bà Hồ Thị Nhoa kể.

 

 Con đường già Hơn hiến đất ruộng để đổ bê tông vào bản
Con đường già Hơn hiến đất ruộng để đổ bê tông vào bản.


Những tháng năm nghèo khó, có cái gì cũng san sẻ. Đó là tâm niệm của già Hơn, nên khi có sắn, có gạo, ông không thể ăn một mình, luôn “tối lửa tắt đèn có nhau” cùng dân bản. Hiện nay, dù không khấm khá gì, nhưng hễ nhà nào thiếu bát cơm là già Hơn giúp bát cơm, ai thiếu tiền chữa bệnh thì già đi vay mượn, kêu gọi chung tay hỗ trợ.

Ông Hồ Nam, người từng nhận sự giúp đỡ của già Hồ Văn Hơn, tâm sự: “Già Hơn sống có trách nhiệm với bà con dân bản. Gia đình già không phải giàu có gì, nhưng biết tính toán để chi tiêu hợp lý nên giúp đỡ người dân trong vùng rất nhiều, thành ra ai cũng quý mến. Nhà mình được già Hơn giúp từ lúc ra riêng khó khăn, nhờ già chỉ bày cách trồng rừng, làm rẫy mà có đủ gạo nuôi con”.

Không chỉ giúp dân, già Hơn còn tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để địa phương xây trường, làm đường dân sinh cho bà con dân bản cùng hưởng lợi. Năm 1990, già Hơn hiến mảnh vườn ven sông để chính quyền xây trường mầm non và tiểu học, xây dựng nhà văn hóa. Nhờ vậy mà con em dân bản không phải đi học xa, không phải bỏ học, lại có chỗ sinh hoạt vui chơi.

Sau trận lũ lịch sử năm 2020, trường lớp bị nhấn chìm, nguy cơ bị cuốn trôi. Sợ thiên tai bão lũ tiếp tục sẽ tàn phá trường lớp, con em thất học, già Hồ Văn Hơn lại hiến hơn 500m2 đất trên triền đồi để chính quyền dựng ngôi trường 2 tầng khang trang cho 70 học sinh mầm non, tiểu học và điểm trường cấp 2, cũng là nơi tránh lũ cho hơn 30 hộ dân vùng xung yếu của bản. Già Hơn cũng hiến hàng chục ngàn mét vuông đất làm đường bê tông nội bản, xe máy chạy bon bon, giúp đồng bào không còn cảnh lội bùn lầy lội, đi lại, giao thương mua bán thuận tiện.

Với đóng góp của mình, già Hồ Văn Hơn nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen về đại đoàn kết toàn dân cấp tỉnh. Ngoài ra, già còn được Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng bằng khen do có thành tích giúp người dân miền núi khai khẩn đất đai, phát triển xây dựng cuộc sống; cùng đó là hàng chục giấy khen của các ban ngành Trung ương, các địa phương trao tặng do thành tích tiên phong, gương mẫu đi đầu trên vai trò vừa là bí thư chi bộ, vừa là trưởng bản.

“Phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc nhất chính là niềm tin của Đảng, của dân bản, là sự ấm no, đổi mới của từng hộ dân ở bản Lâm Ninh đang ngày càng tốt hơn”, già Hồ Văn Hơn nói.


Theo MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.