Gia Lai: Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phòng ngừa dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống dịch Covid-19, nhiều địa phương ở Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện thông điệp 5K và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 Lực lượng chức năng chốt chặn trên tuyến tỉnh lộ 666-đoạn qua làng Klăh (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Phương Linh
Lực lượng chức năng chốt chặn trên tuyến tỉnh lộ 666-đoạn qua làng Klăh (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Phương Linh

Xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) là địa bàn có đến 95% người Bahnar. Tỉnh lộ 666 chạy qua xã, nối với xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) là cung đường quen thuộc của bà con 2 huyện. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Kon Chiêng đã thành lập chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19 trên tỉnh lộ 666 (đoạn qua làng Klăh). Tham gia chốt chặn gồm có lãnh đạo UBND, lực lượng dân quân, Công an và y tế xã túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát người và các phương tiện qua lại từ vùng dịch. Các phương tiện chở khách không được lưu thông, phương tiện chở hàng hóa được phun khử khuẩn, khai báo y tế, ghi thông tin cá nhân, biển số xe đầy đủ.

Ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-cho hay: “Vì địa bàn xã phần lớn là người dân tộc thiểu số nên công tác phòng-chống dịch càng phải tăng cường. Người dân khi đi qua chốt chặn được tuyên truyền, nhắc nhở và phát khẩu trang. Ở các làng, chúng tôi tuyên truyền bằng loa lưu động, loa truyền thanh không dây và loa cầm tay. Thông tin về diễn biến dịch Covid-19 trong tỉnh cũng như các biện pháp phòng-chống dịch đều được cập nhật thường xuyên, đến từng gia đình”.

Những ngày này, ngoài việc kêu gọi ủng hộ, quyên góp nguồn lực cho lực lượng tham gia chống dịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Pa còn tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Bà Cao Thị Viễn Phương-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện-cho hay: “Diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, một bộ phận người dân tộc thiểu số lại không sử dụng smartphone, không có phương tiện thông tin hoặc đi làm rẫy nên không nắm vấn đề. Để phòng-chống dịch hiệu quả, cán bộ Hội Phụ nữ xuống từng thôn, buôn, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở bà con chủ động khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về, thực hiện 5K. Do đang mùa rẫy, phần lớn bà con đều vắng nhà nên chúng tôi phải đi rất nhiều lần mới gặp được. Khi được tuyên truyền, mọi người đều tích cực hưởng ứng làm theo”.

 Chị em phụ nữ huyện Krông Pa đi vận động, hướng dẫn bà con dùng nước rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Ảnh: Cao Viễn Phương
Phụ nữ huyện Krông Pa đi vận động, hướng dẫn người dân dùng nước rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Ảnh: Cao Viễn Phương


Ở xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), công tác phòng-chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu. Là địa bàn vùng biên, lại có hơn 50% dân số là người Jrai nên xã rất coi trọng công tác vận động, tuyên truyền bà con tham gia chống dịch. Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O thành lập 3 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào. Ngoài ra, xã còn thành lập các tổ công tác đến từng thôn, làng do các Đảng ủy viên phụ trách để tuyên truyền, theo dõi và vận động bà con thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch.

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã-thông tin: “Tổ công tác có trách nhiệm đi từng nhà nắm thông tin, rà soát đối tượng để nhanh chóng khoanh vùng, cách ly. Trên địa bàn xã có 9 trường hợp đi từ tỉnh Hải Dương về đã được cách ly tập trung. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O phát khẩu trang y tế cho các hộ khó khăn”.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: “Tổ phòng-chống dịch các thôn, làng phải có cán bộ Mặt trận tích cực sâu sát, trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà nắm bắt thông tin, vận động, tuyên truyền, xem ai khó khăn thì hỗ trợ khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để bà con sử dụng khi đi mua nhu yếu phẩm, đến nơi công cộng”.

 

PHƯƠNG LINH

 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.