Gia Lai: Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, trên cây trồng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại như: khảm lá vi rút hại mì; rệp sáp, rỉ sắt trên cây cà phê; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu... Để hạn chế thiệt hại cho sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương cùng người dân đang triển khai nhiều giải pháp phòng trừ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, đến nay, các địa phương đã xuống giống được hơn 174.220 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh hại gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hiện có 488,5 ha mì đã nhiễm bệnh khảm lá vi rút phân bố tại các huyện: Ia Pa 125 ha, Phú Thiện 47 ha, Kbang 23 ha, Krông Pa 15,5 ha, thị xã An Khê 137 ha và Ayun Pa 141 ha. Ngoài ra, còn có 138,7 ha mía tại huyện Kbang, Đak Pơ, Krông Pa và thị xã An Khê bị xén tóc gây hại; 71 ha mía bị bọ hung gây hại tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê.

 Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) phun thuốc trừ rệp cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) phun thuốc trừ rệp cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam


Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Huyện có hơn 22.000 ha mì. Trước đây, bệnh khảm lá vi rút gây hại trên trên cây mì với diện tích rất lớn, có lúc chiếm 51,1% diện tích trồng toàn huyện. Thời gian gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa giống mì KM94 vào trồng nên bệnh khảm lá vi rút giảm đáng kể, vụ này có 15,5 ha bị nhiễm. “Năm 2021, chúng tôi đưa vào trồng thí nghiệm 0,5 ha giống HN3 và HN5 cho năng suất cao và kháng bệnh tốt. Năm nay, Phòng tiếp tục trồng 20 ha để từng bước nhân rộng trên địa bàn”-ông Châu thông tin.

Còn ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa thì cho hay: “Hiện nay, bệnh khảm lá vi rút hại mì trên địa bàn huyện xảy ra rải rác trên các cánh đồng với diện tích hơn 100 ha. Đối với cây mía, bệnh trắng lá xảy ra cục bộ ở diện tích nhỏ. Để hạn chế sự lây lan nguồn bệnh, Trung tâm đã phối hợp với các xã tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích mì, mía nhiễm bệnh cục bộ hoặc nhiễm nhẹ”.

Bên cạnh đó, bệnh rỉ sắt cũng xuất hiện trên cây cà phê với diện tích hơn 3.020 ha, bệnh rệp sáp hơn 2.635 ha. Đối với cây hồ tiêu thì có 980 ha bị bệnh vàng lá chết chậm. Ông Võ Xuân Thịnh-Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai-khuyến cáo: Hiện đang vào mùa mưa nên bệnh rệp gây hại cà phê sẽ giảm. Tuy nhiên, bệnh rỉ sắt và hiện tượng rụng quả non trên cây cà phê; bệnh héo chết nhanh, bệnh vàng lá thối rễ tơ trên cây hồ tiêu; bọ xít muỗi, xén tóc đục cành, sâu phỏng lá, bệnh thán thư đối với cây điều… vẫn xảy ra. Do đó, người dân tiếp tục chăm sóc, cắt cành, tạo tán cho cây, vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom những cành bị sâu bệnh để tiêu hủy, nhằm giảm nguồn tích lũy gây hại. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, phun kỹ vào những cây, cành bị gây hại. Bón phân đầy đủ, cân đối để giúp cây phát triển, ra hoa đậu quả. Đặc biệt, những vườn hồ tiêu thoát nước kém, úng nước trong mùa mưa cần khẩn trương đào rãnh, mương thoát nước, vun gốc cao...

Tại huyện Kbang, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cũng đã phát hiện một số sâu bệnh hại cây trồng như: bọ trĩ gây hại trên cây lúa trà sớm, xen tóc và sâu dục thân trên cây mía, khảm lá trên cây mì và bệnh rỉ sắt, rệp sáp trên cây cà phê. Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đỗ Công Trúc thông tin: Dự báo thời gian tới, tình hình sâu bệnh hại vẫn tiếp tục xảy ra. Người dân cần ứng dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, chương trình IPM, ICM trên cây lúa. Đối với bệnh rỉ sắt, rệp sáp trên cây cà phê thì bà con nông dân cần dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Anvil 5SC, Tilt super 300ND, Sumi-Eight 12.5WP, Alpha-Cypermethrin, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin... phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.

 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.