Bà Nguyễn Thị Hương-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cử 27 viên chức, NLĐ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức.
Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho 81 lượt viên chức, NLĐ trong đơn vị. Thông qua đó, các cán bộ, viên chức, NLĐ làm công tác BHTN có cơ hội trau dồi, bổ sung kiến thức nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo mô hình một cửa.
Bà Nguyễn Thị Tuyến-Phó Trưởng phòng Tài chính tổng hợp (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) là cán bộ phụ trách BHTN ngay từ ngày đầu chính sách này đi vào cuộc sống.
Bà Tuyến cho hay: “Qua 14 năm phụ trách thực hiện chính sách BHTN, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật các quy định mới liên quan đến BHTN. Qua các lớp tập huấn, tôi được trang bị kỹ năng giao tiếp với NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng chế độ và hỗ trợ học nghề; kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động và xác định nhu cầu hỗ trợ để áp dụng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Ông Lê Tuấn An-Chuyên viên Phòng Tài chính tổng hợp (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) là người phụ trách việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực hiện chính sách BHTN trong 14 năm qua.
Ông An chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách BHTN giúp công tác theo dõi và quản lý hồ sơ BHTN hiệu quả hơn. Qua các lớp tập huấn, tôi biết cách phân tích dữ liệu từ hệ thống để đưa ra các quyết định, trả lời kịp thời và chính xác cho người thụ hưởng”.
Để tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã mở 2 văn phòng giải quyết BHTN đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Chư Sê và Điểm đào tạo nghề thị xã An Khê (Trường Cao đẳng Gia Lai). Việc mở các văn phòng đã giúp NLĐ rút ngắn khoảng cách, thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền về BHTN được triển khai sâu rộng, giúp NLĐ, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về các chính sách liên quan. Các quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN cũng được hoàn thiện, thống nhất, chuẩn hóa và có sự liên thông giữa các sở, ngành, địa phương trong tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và các biện pháp hỗ trợ việc làm sau đào tạo.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tăng cường phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh để tham mưu lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành các quyết định giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng theo quy định.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% NLĐ đang đóng BHTN bị mất việc làm được tư vấn khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí, tăng tỷ lệ hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng cho NLĐ; hoàn tất kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa Trung tâm và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; 100% nhân sự thực hiện chính sách BHTN tiếp tục được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu...
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin thêm: “Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo định hướng chung của tỉnh; cử nhân viên tư vấn, nhân viên giải quyết hồ sơ BHTN tham gia các lớp tập huấn, đào tạo sâu về chuyên môn, kỹ năng mềm, chính sách pháp luật do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức; bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho đội ngũ nhân sự làm công tác giải quyết chính sách BHTN.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến NLĐ và các doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách BHTN về Luật Việc làm thông qua các hoạt động tại ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, qua website của Trung tâm và phương tiện thông tin đại chúng… Qua đó, giúp NLĐ thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới”.